|
Xe bọc thép chở quân của Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố al-Bab, phía Bắc Syria. Ảnh: Reuters |
Điều này cho thấy sự can dự sâu hơn của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc nội chiến của nước láng giềng Syria. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ đối mặt với không ít thách thức quân sự và ngoại giao.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong cuộc gặp giữa Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford, hai bên đã thảo luận 2 lộ trình cho việc giải phóng thành phố Raqqa.
Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ đó là ưu tiên cho lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, với sự hỗ trợ của lực lượng đối lập Syria vào Syria thông qua thị trấn biên giới Tel Abyad, hiện do nhóm vũ trang người Kurd nắm giữ. Kế hoạch thứ 2 đó là đẩy mạnh chiến dịch hướng vào Raqqa thông qua thị trấn Al-Bab của Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng tuyên bố, mục tiêu tiếp theo sau khi giải phóng thị trấn Al-Bab là thị trấn Manbij của Syria. Theo chuyên gia phân tích Huseyin Bagci của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Ankara, thúc đẩy chiến dịch quân sự tại Syria sẽ tạo lợi thế cho Thổ Nhĩ Kỳ trong hoạt động hợp tác tương lai với Mỹ hay Nga về tiến trình chính trị tại Syria.
Ông Bagci nhận định: “Ý tưởng chính của Thổ Nhĩ Kỳ là ngăn chặn khả năng lực lượng dân quân người Kurd tại Syria có thể kiểm soát thêm nhiều khu vực. Do đó Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra bước đi phòng ngừa trước tiên, tạo lợi thế cho mình trong các hoạt động hợp tác với Mỹ hay cả với Nga trong tương lai”.
Tuy nhiên, giới phân tích trong nước cho rằng, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ đối mặt với sức ép cả về quân sự và ngoại giao. Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai cuộc tấn công bất ngờ vào Syria từ tháng 8/2016, với sự hỗ trợ của lực lượng đối lập nhằm đẩy lui IS khỏi vùng lãnh thổ giáp với biên giới chung hai nước và ngăn các tay súng người Kurd chiếm đất.
Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria là mối đe dọa an ninh quốc gia, vì cho rằng lực lượng này có mối quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) chống chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria lại là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong chiến dịch đối phó với IS tại Syria . Chính vì vậy, chiến dịch quân sự tại Syria có thể gây sứt mẻ trong mối quan hệ với Mỹ.
Phát biểu trong chuyến thăm tới Đức hôm 18/2, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố, sẽ là vấn đề nghiêm trọng nếu Mỹ hợp tác với nhóm vũ trang người Kurd tại Syria trong chiến dịch tại Raqqa để đối phó với IS.
Ngoài ra, để tiến sâu vào thị trấn Manbij, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần sự hỗ trợ lớn hơn từ lực lượng đối lập Syria, khi đó nước này sẽ phải đối mặt với sức ép từ Nga và Iran - hai nước vốn ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria, khi tiến sâu vào thị trấn Manbij - một căn cứ vốn của IS nhưng hiện thuộc quyền kiểm soát của lực lượng người Kurd.
Theo VOV