Theo bà Lan Anh, không có người thầy tử tế nào muốn học trò của mình bị tai nạn ở bất kỳ đâu chứ chưa nói là gãy chân ngay trong trường học. Bởi khi tai nạn xảy ra trong khuôn viên trường, dù vì bất kỳ lý do gì, người thầy cũng cảm thấy có trách nhiệm của mình trong đó.
Trước hết cô Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên cũng đã bỏ qua nguyên tắc phải đối diện với sự thật, tôn trọng sự thật.
Cụ thể, ngay từ đầu cô đã đẩy lỗi về phía học sinh "tự ngã khi va vào ôtô đang đỗ ở trường"; Thiếu thành khẩn, không xin lỗi chân thành gia đình và nói dối quanh co: ban đầu nói không có ôtô vào trường, lần sau lại nói "vô tình không để ý thời điểm đó có xe trong trường"; Ngụy tạo “bằng chứng giả mạo” thông qua việc lấy phiếu ý kiến "100% cán bộ giáo viên và học sinh KHÔNG THẤY XE ÔTÔ VÀO TRƯỜNG"; Cố tình lái dư luận sang hướng khác: vận động một số giáo viên ký vào thư ngỏ "xin minh oan và giữ lại hiệu trưởng"; Gây áp lực không đáng có lên dư luận khi vận động giáo viên thân tín "đòi ra khỏi Đảng nếu không giữ cô làm Hiệu trưởng"...
Việc này không những không gỡ lỗi cho cô Hiệu trưởng mà nghiêm trọng hơn, nó khiến gia đình hụt hẫng, thất vọng và bức xúc; xâm phạm đến lòng tự trọng của những giáo viên tử tế. Đó cũng là nguyên nhân “khởi phát” dẫn đến khủng hoảng truyền thông mà đỉnh điểm khi 18 giáo viên chính trực công bố sự thật với báo giới.
|
Trường tiểu học Nam Trung Yên - nơi xảy ra sự việc |
Ngoài ra, bà Lan Anh cho rằng, hơn ai hết, cô Hiệu trưởng chính là người biết rõ nguyên nhân dẫn đến việc học sinh bị gãy chân. Thay vì để báo chí nghi ngờ điều tra; dư luận xì xào, phỏng đoán, thổi phồng đến mức dậy sóng; cô nên công khai, chủ động gặp gỡ báo chí để cung cấp sự thật, tránh nhiễu loạn thông tin.
“Thông qua buổi gặp gỡ báo chí, bên cạnh việc cung cấp sự thật, cô cũng nên đưa ra giải pháp khắc phục hậu quả; nhận trách nhiệm của bản thân với học trò và phụ huynh; thành khẩn xin lỗi gia đình và cam kết tìm mọi cách giúp gia đình khắc phục hậu quả, cử giáo viên đến dạy riêng để học trò vẫn có thể theo học trong thời gian chờ phục hồi” – bà Lan Anh chia sẻ.
|
ThS. Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt. |
Bà Lan Anh nhận định, chưa nói đến báo chí, ngày nay, với sự hiện diện của mạng xã hội, mỗi cá nhân đều có thể sở hữu một "kênh truyền thông" riêng. Với độ phủ rộng lớn của mạng xã hội, không chỉ tiếng lành đồn xa mà tiếng dữ cũng dễ dàng đồn xa, thậm chí có khả năng đồn xa và đồn nhanh gấp hàng chục lần tiếng tốt. Đôi khi câu chuyện có thể rất nhỏ, nếu không được xử lý kịp thời, đúng mức dễ dẫn đến hiệu ứng đám đông, tạo ra làn sóng dữ dội trên mạng xã hội và hệ quả là vô cùng nghiêm trọng.
"Chính phủ đang nỗ lực hành động, chỉ đạo các bộ ban ngành, các cấp cùng chung tay xây dựng Chính phủ kiến tạo phục vụ nhân dân. Ấy vậy mà đâu đó, vẫn có những cá nhân, những tập thể chưa thấm nhuần quan điểm trên, vẫn hành xử theo lối thâm căn cố đế "cửa trên", không tôn trọng người dân dẫn đến bức xúc, phẫn nộ trong dư luận. Hy vọng một ngày nào đó vấn nạn "trên trải thảm đỏ, dưới trải đinh" sẽ biến mất sự tử tế được lên ngôi." - bà Lan Anh nói. |
Theo Dân Việt