Phải kiểm tra, giám sát chặt...
Ngày 5/5, PV đưa tin, hiện nay Bộ Công Thương đang thành lập tổ công tác liên ngành để thẩm định, đánh giá công nghệ làm nguội cốc từ ướt sang khô của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Việc thực hiện chuyển đổi công nghệ làm nguội cốc từ ướt sang khô này của Formosa là để tuân thủ theo đúng cam kết khi đầu tư vào Việt Nam là sử dụng công nghệ luyện cốc khô.
Được biết, hiện Formosa đang tiến hành lựa chọn nhà thầu. Một nhà thầu Nhật Bản tương đổi nổi tiếng đã được lựa chọn.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, chiều ngày 5/5, PGS.TS Nguyễn Tác An - Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học cho biết: "Đáng lẽ ra công nghệ này phải được thực hiện ngay từ đầu, tuy nhiên, tận dụng sơ hở trong quản lý của phía Việt Nam mà Formosa đã gây ra vụ ô nhiễm trầm trọng biển miền Trung.
Bây giờ họ thay đổi và làm theo đúng cam kết cũng coi như là một tin mừng. Thế nhưng, công nghệ xử lý cốc chỉ là một trong muôn vàn những công nghệ gây tác động đến môi trường của công nghệ luyện thép.
Theo ý kiến của tôi thì nên chờ kết quả thẩm tra của Bộ Công thương cùng đoàn liên ngành, sau đó các nhà khoa học sẽ lên tiếng".
Formosa thay đổi công nghệ luyện cốc |
Phân tích thêm những lo ngại của mình, theo ông An, chúng ta nên biết công nghệ luyện thép là một công nghệ gây ô nhiễm nên trừ các quốc gia sản xuất vũ khí mới phải tiến hành, còn để thương mại thì không ai làm công nghệ này, vì không lợi ích nào so sánh được với môi trường.
Công nghệ luyện thép vì ô nhiễm nên chỉ các nước lạc hậu mới làm, các công ty để được làm thì cần chi phí bôi trơn rất lớn, như các cụ hay nói "ma ăn cỗ lúc nào không ai biết".
"Không phủ nhận luyện cốc khô có ưu thế hơn, nhưng công nghệ luyện thép là một hệ thống, đáng lẽ ra ở đây phải có công nghệ tiên tiến hơn, ngay từ đầu, còn bây giờ thay đổi thì phải kiểm tra giám sát chặt chẽ.
Đặc biệt, ở đây chúng ta mới nói đến ô nhiễm nước, chứ chưa nói đến ô nhiễm không khí. Trong khí thì có SO, CO, NO, dyoxit, toàn chất nếu để ra môi trường đều có hại cả. CO2 không đến mức gây ra chết người nhưng nó gây ra hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, toàn khí quyển nên người ta phải có những tiêu chuẩn quốc tế và với từng nước lại có tiêu chuẩn riêng của mình.
Kể cả cốc khô người ta cũng phải có một bộ phận hóa cốc, tức là các chất hóa học đó, người ta phải làm ra những sản phẩm hóa, phải có một nhà máy đi kèm với nhà máy cốc để xử lý.
Tuy nhiên, việc này sẽ rất tốn kinh phí, năng lượng và chi phí sản xuất và đầu tư, bởi vậy nếu kiểm duyệt không tốt thì họ có thể cắt bỏ công đoạn quan trọng này đi, lúc đó ô nhiễm không khí còn nghiêm trọng hơn, tuy không gây hậu quả ngay lập tức.
Thực tế thì phải đặt lợi ích của dân, môi trường lên đầu nhưng nhà đầu tư nào chả muốn mình có lãi nhất. Nên trong quá trình thẩm tra công nghệ, đoàn liên ngành cần chú ý điểm này", ông An nhấn mạnh.
Luyện cốc khô cũng cần giám sát
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Vũ Đình Đáp - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, cho rằng, mỗi công nghệ đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng, như công nghệ luyện cốc ướt là những khối than người ta nung nóng đỏ lên, muốn nghiền ra để làm cốc cho vào lò cao thì phải tưới nước cho nó nguội đi, ở nhiệt độ bình thường vẫn nghiền, dàn ra được.
Ở đây Formosa muốn tiết kiệm tận dụng nguồn nước làm sạch nguyên liệu, nên làm cốc ướt. Phương pháp này sinh ra rất nhiều chất hóa học, trong đó có Phenol, cyanua, amoniac... và rất nhiều những thứ khác.
Còn phương án luyện khô chất thải chảy ra phần lớn là dạng bụi, tan vào không khí nếu không xử lý tốt, không ứng dụng lò đốt đứng cao, chắt hơi nước khói bụi, thu lại dạng thô cứng, mà cho tản đi, kết tủa rơi xuống thì cũng không kém phần nguy hại.
Không biết Formosa dùng công nghệ mới chưa, còn công nghệ cũ thì còn nguy hiểm hơn thải ra biển.
"Đương nhiên họ đã rút kinh nghiệm lần 1, không dám để gây hậu quả như trước, còn xử lý công nghệ như thế nào giảm thiểu ô nhiễm lại khác, đã khai khoáng thì chỉ là mức độ nặng nhẹ ra sao, khu vực đông dân cư hay thế nào, chủ yếu là mức độ chấp nhận được, chỉ là hạn chế tối đa ô nhiễm, chứ không phải là không có ô nhiễm.
Việc sản xuất chắc chắn sẽ kèm theo ô nhiễm, nhà sản xuất nào cũng biết, nhưng tùy theo điều kiện nước sở tại, địa phương có nguồn khoáng sản, ứng xử như thế nào, chấp nhận được hay không, còn đòi hỏi sản xuất, khai khoáng, luyện khoáng không gây ô nhiễm là rất khó.
Tôi nói ngay như luyện cốc khô không có công nghệ hiện đại cũng ô nhiễm lắm, ra khói bụi, đối tượng là con người, mà con người sức chịu đựng chất độc rất giỏi, nên cần thời gian lâu dài mới phát bệnh.
Trong lần đánh giá kiểm tra này cần xem kỹ yếu tố có dùng lò đốt đứng cao, có công nghệ hạn chế khí thải ra ngoài chưa, hiện đại hay lạc hậu và có cam kết rõ ràng. Cụ thể, nếu làm đúng đảm bảo chất lượng thì được sản xuất tiếp, còn nếu không thì chấm dứt việc sản xuất, tránh đi lại vết xe đổ", ông Đáp chỉ rõ.
Theo Đất Việt