|
Tàu khu trục lớp Asagiri JDS Umigiri của Nhật Bản neo đậu tại căn cứ hải quân Sydney hồi tháng 4/2016 (Ảnh: AFP) |
Kyodo News dẫn lời một quan chức Nhật Bản ngày 5/5 cho biết chính phủ nước này đang để ngỏ khả năng giành ra một khoản ngân sách để chi cho các cuộc nghiên cứu với mục đích đạt được năng lực tấn công nhằm vào các cơ sở phóng tên lửa của đối phương. Khoản chi này có thể sẽ được đề xuất trong dự thảo ngân sách quốc gia trong năm tài khóa 2018, quan chức giấu tên cho biết thêm.
Tuy nhiên, cả chính phủ Nhật Bản và đảng cầm quyền đều tỏ ra lo ngại rằng việc đạt được năng lực tấn công như vậy sẽ đi ngược lại với lập trường vốn chỉ thiên về phòng vệ của quốc gia này từ trước đến nay. Đó là chưa kể tới việc kế hoạch này có thể sẽ vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập.
Theo nguồn tin trên, loại tên lửa mà Nhật Bản muốn triển khai là tên lửa hành trình Tomahawk. Đây cũng là loại tên lửa mà Mỹ từng sử dụng trong cuộc không kích nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria hồi tháng trước.
Tomahawk, với đặc tính là tên lửa hành trình tầm xa có tốc độ cận âm và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có đủ khả năng để đánh trúng bất kỳ khu vực nào ở Triều Tiên nếu được phóng từ phía biển Nhật Bản. Ngoài ra, Tomahawk có tầm bay rất thấp, do vậy sẽ ít bị radar của đối phương chú ý tới hơn.
Quan chức giấu tên cho biết, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc triển khai các tên lửa Tomahawk trên các tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Nếu kế hoạch này được chính phủ Nhật Bản thông qua, các tàu trên sẽ cần phải tân trang lại để có khả năng mang theo các tên lửa hành trình Tomahawk.
Tuy nhiên, để có thể đạt được kế hoạch phát triển năng lực tấn công bằng tên lửa, chính phủ cần phải đẩy nhanh tiến độ xem xét lại các đường lối chỉ đạo trong chương trình quốc phòng thời hạn 10 năm cũng như kế hoạch xây dựng quốc phòng 5 năm, vốn đã được Nội các Nhật Bản thông qua từ cuối năm 2013.
Ngoài ra, một ủy ban phụ trách các vấn đề an ninh của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật Bản được cho là sẽ đưa ra các đề xuất về việc làm thế nào để cải thiện năng lực phòng vệ của Nhật Bản vào cuối tháng này, từ đó hỗ trợ chính phủ trong việc xây dựng năng lực tấn công.
Trong khi đó, theo một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Mỹ, đồng minh an ninh thân cận của Nhật Bản và luôn thận trọng về việc Tokyo có thể sở hữu các tên lửa hành trình, gần đây đã bắt đầu tiết chế hơn trong vấn đề Triều Tiên khi căng thẳng ở khu vực có xu hướng dâng cao. Trước đó, Nhật Bản cũng điều các tàu tới hộ tống tàu sân bay Mỹ khi tàu này tới khu vực bán đảo Triều Tiên trong một động thái nhằm răn đe Bình Nhưỡng.
Theo Dân Trí