Trung Quốc xuống nước
Reuters dẫn nguồn tin từ Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết, nước này vừa bày tỏ sự phản ứng gay gắt trước những bài báo của hai tờ Nhân dân Nhật báo và Thời báo Hoàn cầu khi gọi ''những cơ quan ngôn luận đưa ra quan điểm chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ'' về vấn đề của Bình Nhưỡng.
Hãng tin KCNA cho rằng, các bài báo đăng trên báo Trung Quốc đang cố tình đổ lỗi cho Bình Nhưỡng đã ''làm suy yếu quan hệ'' giữa Trung Quốc và Triều Tiên, cũng như việc Mỹ triển khai khí tài quân sự hiện đại đến khu vực.
Hãng tin này cũng lên án Trung Quốc ''phóng đại'' tổn hại đối với ba tỉnh miền Bắc Trung Quốc do các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên gây ra.
KCNA gọi lời kêu gọi ngừng chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là ''vi phạm trắng trợn đối với quyền độc lập, danh dự và chủ quyền của Triều Tiên'' và ''là lời đe dọa đối với một quốc gia trung thực có quan hệ bằng hữu lâu đời'' với Trung Quốc.
Triều Tiên cho rằng truyền thông Trung Quốc đang cố tình đổ lỗi cho Bình Nhưỡng |
Trước thái độ cứng rắn của chính quyền ông Kim Jong-un, mới đây phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, lập trường của Trung Quốc trước nay luôn rõ ràng: "Trung Quốc luôn giữ quan điểm phát triển mối quan hệ thân thiết, hòa hảo với Triều Tiên".
Ông Lục cho biết, Trung Quốc vẫn nỗ lực hết sức trong quá trình giải giáp vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên để đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực, đồng thời muốn giải quyết vấn đề bằng đối thoại.
Trước đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 3/5 đã lên tiếng cáo buộc rằng Bắc Kinh gây ra rắc rối và đã phản bội Bình Nhưỡng khi xích lại gần hơn với Mỹ.
Mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang có dấu hiệu thể hiện sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, làm nhiều hơn nữa để kiềm chế các chương trình phát triển tên lửa và đầu đạn hạt nhân của mình.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng tuyên bố mạnh mẽ rằng ''thời đại kiên nhẫn chiến lược'' đối với Triều Tiên nay đã kết thúc.
"Trung Quốc không nên khinh suất thử độ kiên nhẫn của Triều Tiên", nội dung bài báo do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải ngày 3/5 viết và nhấn mạnh, Trung Quốc thường xuyên làm tổn hại đến các lợi ích chiến lược của Triều Tiên khi ngày càng xích lại gần hơn với Mỹ và đây là biểu hiện phản bội.
Xích lại gần Nga
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì cách ứng xử này đối với Triều Tiên?
Theo Reuters, nhiều học giả cho rằng, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có thể tìm đến Nga nếu Trung Quốc đẩy mạnh trừng phạt Bình Nhưỡng vì các động thái liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa.
Dẫn chứng cho nhận định này là những bước tiến trong giao thông giữa Nga và Triều Tiên đạt được trong thời gian qua.
Vào tuần tới, một tuyến phà mới sẽ đi vào vận hành, đảm nhận chức năng vận chuyển 200 hành khách và 1.000 tấn hàng hóa qua lại giữa Triều Tiên và cảng Vladivostok tại Nga với tần suất 6 lần/tháng.
Trước đó, hồi đầu năm 2017, một số quan chức chính phủ Nga đã đến thăm Bình Nhưỡng để bàn thảo về hợp tác trong giao thông đường sắt. Đường ray nối giữa thành phố biên giới phía đông Khasan của Nga và cảng Rajin tại Triều Tiên đã được xây dựng để dành cho tàu chở than, kim loại và các sản phẩm từ dầu.
Chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Áo - ông Leonid Petrov nói: ''Bình Nhưỡng không còn quan tâm đến áp lực trừng phạt từ Trung Quốc bởi họ đã có nước Nga ở bên cạnh''.
Nga, đặc biệt là Vladivostok được biết đến là nơi có cộng đồng người Triều Tiên ở nước ngoài lớn nhất trên thế giới. Thành phố có 600.000 dân này cách biên giới Nga-Triều Tiên 100km và là nơi hàng nghìn người Triều Tiên đang làm việc.
Một chuyến tàu từ Triều Tiên đến ga Khasan gần thành phố Vladivostok (Nga) năm 2011 |
Chuyên gia về Nga tại Đại học Oxford (Anh) Samuel Ramani cho rằng, hỗ trợ Bình Nhưỡng có thể đem lại lợi ích kinh tế cho Nga. Ông Ramani nói: ''Nga thường có mối quan hệ kinh tế gần gũi với các quốc gia không ‘hòa hợp’ với phương Tây như Iran, Syria nên quan hệ Moskva - Bình Nhưỡng mang chiến lược quan trọng''.
Theo một số nguồn tin, ngày 27/4, 5 tàu chở dầu có treo cờ Triều Tiên đã xuất hiện tại khu vực thuộc cảng Vladivostok. Hiện chưa xác định được những tàu này chở theo hàng hóa gì.
Triều Tiên hiện phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu do vậy Mỹ đã kêu gọi cấm vận bán dầu cho Bình Nhưỡng. Trung Quốc, hiện đóng vai trò nhà cung cấp dầu hàng đầu của Triều Tiên.
Theo các chuyên gia, dường như Trung Quốc không đồng ý với điều này nhưng, Bắc Kinh vẫn có thể hạn chế việc bán dầu cho Bình Nhưỡng.
Reuters dẫn các nguồn tin trong ngành sản xuất dầu mỏ tại Trung Quốc cho biết nước này xuất khẩu khoảng 500.000 tấn dầu thô tới Triều Tiên mỗi năm.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Liên hợp quốc, Nga và những nước khác có cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên đã xuất khẩu khoảng 36.000 tấn dầu vào quốc gia này trong năm 2015.
Mới đây, ngày 30/4, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Sung-ryol đã có cuộc gặp với Đại sứ Alexander Matsegola của Nga tại Bình Nhưỡng để trao cùng đổi về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã nóng lên trong những tuần gần đây do những lo ngại rằng, Triều Tiên có thể sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu.
Theo Đất Việt