Chiều 4/5, tại Hà Nội, bên lề Hội nghị Triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi ngắn với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn về việc vừa qua dư luận, báo chí bức xúc tại tỉnh Phú Yên tiến hành phá hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ để triển khai các dự án kinh tế khi chưa đủ các hồ sơ pháp lý. Ông Tuấn cho biết, ngay khi nhận được thông tin này, Bộ NN&PTNT đã cử một đoàn cán bộ chuyên môn vào tỉnh Phú Yên để kiểm tra, tìm hiểu.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn |
Cũng theo ông Tuấn, tại tỉnh Phú Yên có rất nhiều dự án kinh tế liên quan đến việc phải “hy sinh” nhiều diện tích rừng. Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng với Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện tại các dự án này.
“Khi có kết quả thanh tra, chúng tôi sẽ công bố chính thức. Tinh thần là sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện các sai phạm. Nếu việc này thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT thì chúng tôi sẽ trực tiếp xử lý, nếu thuộc địa phương chúng tôi sẽ yêu cầu địa phương xử lý. Nếu vượt thẩm quyền của chúng tôi, sẽ báo cáo Chính phủ để xử lý” – ông Tuấn nói.
Phóng viên tiếp tục nêu vấn đề về việc ở nhiều địa phương vẫn diễn ra tình chặt phá trạng phá rừng bừa bãi, đâu là nguyên nhân và Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp gì cho việc này? Ông Tuấn thừa nhận, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đang đứng trước những thách thức ghê gớm trước sự biến đổi của khí hậu, chúng ta vẫn phải giải quyết những nhu cầu trước mắt của đời sống, nhất là một bộ phận người dân còn khó khăn ở trong rừng.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 13 nói trên là cơ hội cho phát triển rừng bền vững. Đồng thời cũng là yêu cầu, trước hết là với ngành NN&PTNT và huy động cả xã hội cùng triển khai các biện pháp đồng bộ theo sự chỉ đạo của Đảng và pháp luật nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng.
Cũng theo ông Tuấn, trong tháng 5/2017, Bộ NN&PTNT sẽ trình ra Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật bảo vệ phát triển rừng sửa đổi. Nếu Luật này được thông qua, cuối năm 2017, một loạt cơ chế chính sách sẽ thay đổi đồng bộ để chúng ta có một hành lang pháp lý mới thích ứng với những thay đổi, những xu thế quản trị rừng, kiểm soát nguồn gốc gỗ và lâm sản cũng như động vật hoang dã mà các tổ chức quốc tế đã tham gia.
Luật bảo vệ phát triển rừng đang được Dự thảo sẽ cơ bản thay thế cho Luật bảo vệ phát triển rừng hiện hành được Quốc hội thông qua năm 2004.
“Dự thảo luật này có rất nhiều điểm được thay đổi, trong đó có việc luật không chỉ điều chỉnh phạm vi giới hạn là trồng, bảo vệ để thành rừng, mà chúng ta quản lý theo chuỗi từ bảo vệ quản lý phát triển rừng đến chế biến và thương mại, đảm bảo truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp. Đảm bảo cho tất cả sản phẩm của chúng ta, bao gồm nguồn gốc nguyên liệu trong nước, nhập khẩu đảm bảo phù hợp với pháp luật Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận. Có như vậy chúng ta sẽ đẩy nhanh được kim ngạch xuất khẩu lâm sản, năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD. Nếu chúng ta làm tốt truy suất nguồn gốc này, chúng ta có thể đạt được 10 tỷ USD vào năm 2020” – ông Tuấn cho biết.
Theo Dân Trí