7 cầu bộ hành ở TP.HCM được "khoác áo mới"

Thứ ba, 16/10/2018, 10:55
Các cầu bộ hành sẽ được 70 họa sĩ cùng hơn 200 công nhân trang trí bằng những tranh vẽ đầy màu sắc để lôi kéo người dân sử dụng.

Khuyến khích người dân sử dụng cầu vượt bộ hành, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, Đoàn Thanh niên Sở GTVT TP.HCM vừa khởi động chuỗi hoạt động tô điểm cầu bộ hành trên địa bàn thành phố. Đây là hoạt động hưởng ứng Chương trình hành động năm an toàn giao thông cho trẻ em và làm đẹp không gian đô thị.

Ông Huỳnh Công Thắng, đại diện dự án cho biết, từ nay đến cuối năm 70 hoạ sĩ cùng 200 nhân công sẽ hoàn thiện trang trí 7 cầu bộ hành trên đường Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt (quận 5), Nơ Trang Long, Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), Hoàng Minh Giám và Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp).

Hình vẽ mẫu để họa sĩ phác thảo. "Chủ đề xoay quanh việc tuyên truyền ý thức của người dân khi tham gia giao thông, những giá trị văn hóa, con người xưa và thành phố năng động, phát triển hiện nay", họa sĩ Anh Tuấn chia sẻ.

"Mấy bữa nay, thấy cầu bộ hành trước Bệnh viện Ung Bướu nhộn nhịp người sơn vẽ nên tôi tò mò muốn xem. Các họa sĩ vẽ rất chuyên nghiệp, cây cầu cũng sáng sủa hơn", ông Trần Văn Phương (quận Bình Thạnh) nói.

Hình vẽ cổ động phụ huynh cần đội mũ bảo hiểm cho con khi chạy xe trên đường.

Một góc chân cầu được sơn vẽ hoạt cảnh về cuộc sống, mưu sinh của người Sài Gòn.

Chợ Bến Thành, biểu tượng kiến trúc thành phố được tái hiện trên lan can cầu.

Công nhân quét keo để bảo vệ các tranh vẽ. "Để đảm bảo độ bền và đẹp, mỗi cây cầu phải mất từ 3 đến 6 ngày hoàn thiện việc trang trí", nam công nhân chia sẻ.

Tận dụng không gian dưới gầm cầu bên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), các họa sĩ trang trí giao thông Sài Gòn xưa.

Tuy nhiên, các họa sĩ đang lo lắng khi các tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện chưa đầy hai ngày, chân cầu bộ hành đường Nguyễn Văn Cừ đã bị dán quảng cáo rao vặt.

Cũng tại cầu này, lối hành lang được trang trí đầy màu sắc nhưng trên thành cầu trở thành nơi tập kết rác thải.

Còn tại cầu bộ hành trên đường Nơ Trang Long, nhiều người dân vẫn vô tư băng qua đường, bất chấp xe cộ qua lại. "Cầu bộ hành sơn vẽ bắt mắt thật nhưng tôi nghĩ quan trọng hơn là phải tuyên truyền, phải dọn dẹp vệ sinh cho thông thoáng, sạch sẽ thì người ta mới đi", ông Đặng Văn Long (xe ôm) nói.

TP.HCM hiện có hơn chục cầu vượt bộ hành rải khắp nơi. Tuy nhiên, chỉ một số cầu được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả, số còn lại rất ít người đi hoặc bị hàng rong chiếm cứ, xả rác.

Trong khi đó, theo thống kê của Ban an toàn giao thông TP.HCM, mỗi năm có đến 100 người tử vong do đi bộ không đúng phần đường quy định.

Theo VNE

Các tin cũ hơn