|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte trong một sự kiện năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc gặp hồi cuối tháng 9 với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa Manila và Washington vẫn "mạnh mẽ, dựa trên lịch sử hợp tác gần gũi lâu dài và cam kết không suy suyển vì các giá trị chung".
Theo giới phân tích, tuyên bố này của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo nước này đang âm thầm "xoay trục" quan hệ trở lại về phía Mỹ sau hai năm "làm thân" với Trung Quốc. Động lực cho sự thay đổi thái độ này chính là thái độ ngày càng quyết liệt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc cạnh tranh quyền lực trong khu vực với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông và thương mại, theo AsiaTimes.
Sau khi lên nhậm chức vào năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gây sốc cho Washington khi công khai thể hiện lập trường nghiêng về hợp tác với Trung Quốc và rời xa đồng minh truyền thống Mỹ. Nhưng khi những vồn vã ban đầu với Bắc Kinh lắng xuống mà không thu được nhiều kết quả, Duterte đang hứng chịu nhiều sức ép để khắc phục những bất đồng với Washington và vãn hồi quan hệ song phương để phục vụ lợi ích chiến lược của mình.
Trong bài viết trên SCMP, chuyên gia phân tích Richard Heydarian cho rằng Tổng thống Duterte có lý do để đưa ra lựa chọn này, dù ông không hùng hồn tuyên bố nó trên truyền thông. Dưới thời Tổng thống Trump, nước Mỹ đang ngày càng thể hiện rõ quyết tâm củng cố vị thế và ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc, quốc gia được coi là mối đe dọa chung đối với cả Mỹ lẫn Philippines.
Theo Heydarian, một trong những lý do khiến Philippines rời xa Mỹ và tìm cách kết thân với Trung Quốc là do chính quyền Mỹ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama đã thiếu quyết tâm trong việc vạch ra "giới hạn đỏ" đối với các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Duterte đã nhiều lần thể hiện sự hoài nghi về cam kết bảo vệ đồng minh của Washington trong trường hợp nổ ra xung đột trên vùng biển tranh chấp giữa Manila và Washington.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại có cách xử sự rất khác. Dù có những phát ngôn và quyết định khó lường, Trump đã chứng minh rằng Mỹ có đủ quyết tâm và năng lực để đối phó với các hành động của Trung Quốc cả trên Biển Đông lẫn trong lĩnh vực thương mại.
Sau khi liên tiếp tung đòn áp thuế trong cuộc chiến thương mại khốc liệt với Bắc Kinh, Trump gần đây còn ra lệnh tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Biển Đông bằng các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, hàng không bằng tàu khu trục, trinh sát cơ và cả oanh tạc cơ chiến lược B-52. Các động thái quyết liệt này của Washington dường như đã đủ trấn an Manila về cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông và chống lại các động thái ngang ngược, trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu hôm 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Trung Quốc là "đối thủ chiến lược chính" của Mỹ, thể hiện sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại với Bắc Kinh đã được chính quyền nhiều đời Tổng thống Mỹ thực hiện trong hơn một thập kỷ qua.
Pence còn cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế đã thúc đẩy tham vọng quân sự của Trung Quốc, thể hiện qua hoạt động quân sự hóa ngày càng ngang nhiên ở Biển Đông, bất chấp cam kết mà ông Tập từng đưa ra khi tới thăm Nhà Trắng năm 2017 rằng Bắc Kinh "không có ý định quân sự hóa" vùng biển chiến lược này.
Heydarian cho rằng chính quyền Trump đang áp dụng chiến lược "hòa bình bằng sức mạnh" mà Tổng thống Ronald Reagan từng đưa ra, khi tăng cường sức ép bằng các biện pháp phô diễn uy lực quân sự để buộc đối thủ phải nhượng bộ.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ mới đây tuyên bố sẽ tiến hành một loạt cuộc diễn tập ở Biển Đông và eo biển Đài Loan vào tháng 11 nhằm "thể hiện rằng Mỹ có thể chống lại các đối thủ tiềm tàng một cách nhanh chóng trên nhiều mặt trận", theo CNN.
Duterte thay đổi thái độ
|
Duterte (phải) cụng ly với Trump trong sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN ở Manila. Ảnh: AFP. |
Trước quyết tâm mới của Trump, chính quyền Tổng thống Duterte gần đây cũng thể hiện thái độ cứng rắn hơn với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Hồi tháng 5, họ đưa ra "ba lằn ranh đỏ" với Trung Quốc, cảnh báo quan hệ song phương sẽ bị hủy hoại nếu Bắc Kinh có bất cứ hành động đơn phương khai thác tài nguyên nào trên vùng biển của Manila, bồi đắp đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough hay có hành vi cưỡng ép đối với các đơn vị quân sự Philippines đồn trú ở Biển Đông.
Đến tháng 8, Tổng thống Duterte công khai chỉ trích Trung Quốc, kêu gọi nước này "kiềm chế hành vi" và tái khẳng định quyền đi qua vô hại trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định quân đội Philippines "không cần xin phép ai" khi đi qua vùng biển quốc tế.
Một tuần sau, ông thẳng thừng đe dọa sẽ gây chiến với Trung Quốc nếu Bắc Kinh đơn phương tiến hành hoạt động khoan thăm dò trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines, thậm chí tuyên bố lực lượng an ninh của ông sẽ "mang mã tấu để hạ gục người Trung Quốc" nếu cần thiết.
Theo các chuyên gia, những phát ngôn ngày càng cứng rắn với Bắc Kinh của Duterte còn thể hiện nỗi thất vọng của ông với việc Trung Quốc đến nay vẫn không thực hiện lời hứa đưa các khoản đầu tư lớn vào Philippines. Các khoản đầu tư này được cho là đã bị Trung Quốc phong tỏa do những bất đồng với Philippines về quá trình khai thác tài nguyên chung dưới đáy biển tại khu vực tranh chấp.
Trong khi Tổng thống ngày càng bất mãn với Trung Quốc, giới quân sự Philippines lại có những động thái tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ. Vài ngày sau cuộc gặp song phương giữa Lorenzana và Mattis, Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đến thăm Manila và ký thỏa thuận nhằm tăng số cuộc diễn tập chung thường niên giữa quân đội hai nước từ 261 lên 281 cuộc.
Các cuộc diễn tập này sẽ tập trung vào hợp tác an ninh hàng hải, tăng cường khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước và tập trận chung, trong đó có các kịch bản tấn công đổ bộ gần khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Manila và Washington cũng đang thảo luận về việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự ở Philippines, đặc biệt là căn cứ không quân Bautista ở Palawan, vị trí rất gần với các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Trường Sa.
Về phương diện kinh tế, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, Philippines đã tranh thủ thời cơ đàm phán một thỏa thuận tự do thương mại song phương nhằm tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ và thúc đẩy các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Washington ở nước này. Philippines cũng là bên được hưởng lợi lớn trong khoản hỗ trợ tài chính cho quân đội nước ngoài ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trị giá 300 triệu USD của Mỹ.
Theo Heydarian, việc Philippines tăng cường năng lực phòng thủ và cải thiện quan hệ chiến lược với Mỹ là bước đi đúng đắn, giúp chính quyền Tổng thống Duterte có sức nặng hơn trong các thỏa thuận song phương với Trung Quốc.
"Nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi cách hành xử như hiện nay trên Biển Đông và không thực hiện các lời hứa về kinh tế với khu vực, những quốc gia như Philippines sẽ ngả về phía Mỹ, nước đang thể hiện mình là thế lực chiếm ưu thế ở châu Á dưới thời Tổng thống Trump", chuyên gia này viết.
Theo VNE