Bản thảo sách giáo khoa mới được thực nghiệm trong năm học 2019-2020

Thứ ba, 26/03/2019, 16:23
Bộ Giáo dục đang chuẩn bị tuyển đội ngũ chủ biên, tác giả viết sách, đồng thời lên kế hoạch tập huấn giáo viên cho chương trình mới.

Tại buổi họp báo quý I của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 26/3, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thông tin trong vài ngày tới, Bộ sẽ có thư mời những người quan tâm và tuyển đội ngũ chủ biên, tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau đó, Bộ sẽ tổ chức những buổi tấp huấn cụ thể.

Theo ông Thành, sách giáo khoa lớp 1 sẽ được chú trọng hơn cả để kịp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp này vào năm 2021. Sau khi biên soạn, bản thảo sách được đưa vào thực nghiệm ở một số trường phổ thông khi hết học kỳ 1 năm học 2019-2020.

"Chúng tôi sẽ thực nghiệm nội dung mới, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học mới, đảm bảo bộ sách giáo khoa hỗ trợ tốt nhất cho việc dạy và học của thầy trò, để học sinh được thực hiện các hoạt động học một cách tích cực, chủ động và tự lực, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực", ông Thành nói.

Nội dung sách sẽ có phần theo xu hướng quốc tế, như: vấn đề bình đẳng giới, chống định kiến, giáo dục tài chính...

Vụ phó Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành.

Bên cạnh việc biên soạn sách giáo khoa, lộ trình tập huấn giáo viên cũng đã được Bộ Giáo dục lên kế hoạch. Hiện cả nước có khoảng 900.000 giáo viên từ tiểu học đến THPT. Trong năm 2019, Bộ Giáo dục đặt nhiệm vụ trước mắt là phải tập huấn cho giáo viên đủ năng lực để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ xác định việc bồi dưỡng tập trung vào bốn nhóm gồm cán bộ quản lý cấp Sở, Phòng Giáo dục; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường; giáo viên toàn quốc và giảng viên sư phạm chủ chốt nhằm giúp hiểu rõ về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện cần thiết.

Phương thức tập huấn là thực hiện kết hợp giữa bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp. Đội ngũ báo cáo viên nguồn gồm 200 giảng viên sư phạm và một số cán bộ quản lý, hiệu trưởng, giáo viên giỏi sẽ được tham gia tập huấn đầu tiên. Từ đó, Bộ sẽ triển khai mở rộng ra khoảng 800 giảng viên chủ chốt ở các trường sư phạm, bao gồm cả thầy cô ở các môn đặc thù như Mỹ thuật, Thể dục. "Đây sẽ là lực lượng tiếp tục triển khai mở rộng ra", ông Thành nói.

Bước tiếp theo, Bộ sẽ tập huấn cho 713 trưởng phòng giáo dục và hơn 200 người xuất sắc ở Sở Giáo dục.

Với đội ngũ hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, Bộ Giáo dục tổ chức các khóa bồi dưỡng trước tiên cho 4.000 người cốt cán, sau đó mở rộng cho 28.000 người đại diện cho 28.000 cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước.

Tương tự với giáo viên, Bộ Giáo dục dự kiến triển khai tập huấn cho khoảng 8.000 tổ trưởng bộ môn và 28.000 giáo viên cốt cán được chọn từ các trường sao cho mỗi trường có một giáo viên được chọn và đảm bảo trong một khu vực có đủ giáo viên cốt cán ở các môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Đối với đội ngũ giáo viên, việc bồi dưỡng qua mạng sẽ có nội dung sát với những gì giáo viên tiếp cận hàng ngày. Nội dung sẽ không chỉ là lý thuyết mà tập trung nhiều vào nghiên cứu các trường hợp cụ thể, có bài học minh họa", ông Thành thông tin.

Vụ phó Giáo dục trung học cũng cho biết thêm trong năm 2019, Bộ lên kế hoạch tập huấn cho khoảng 70.000 giáo viên dạy lớp 1 trước để đảm bảo tiến độ.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào tháng 12/2018, được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12).

Giáo dục cấp tiểu học gồm 11 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Toán; Tiếng Việt; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5); Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5); Khoa học (lớp 4, 5); Tin học và Công nghệ (lớp 3, 4, 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2).

Nội dung giáo dục THCS gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.

Nội dung giáo dục THPT gồm 7 môn học và hoạt động bắt buộc gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Cấp THPT có năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Bộ Giáo dục sẽ thực hiện chương trình mới theo từng lớp. Năm học 2020-2021 áp dụng với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích