Thế nào là “hồi phục sau nhiễm virus corona”?

Thứ hai, 13/04/2020, 15:38
Virus corona rõ ràng rất đáng sợ, nhưng mặc cho nhiều báo cáo liên tục xoay quanh tổng số ca nhiễm và số người không qua khỏi ngày càng cao, trên thực tế đại đa số những người mắc COVID-19 đều sống sót.

Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên mỗi ngày, và số người đã hồi phục cũng vậy.

Tính đến giữa tháng 3, số bệnh nhân tại Mỹ chính thức hồi phục sau nhiễm virus corona gần như bằng không. Nhưng hiện nay, con số đó đã là hàng chục ngàn và tiếp tục tăng mỗi ngày.

Tuy nhiên, hồi phục sau nhiễm COVID-19 không đơn giản là cơ thể bạn cảm thấy khá hơn. Khi nói "hồi phục", chúng ta đang nói về cả sinh học, dịch tễ học, và có một chút... quan liêu nữa.

Cơ thể chống lại COVID-19 như thế nào?

Một khi bạn bị nhiễm virus corona, cơ thể bắt đầu sản xuất các protein gọi là kháng thể để chống lây nhiễm. Khi các kháng thể này bắt đầu ngăn chặn virus thành công và không cho nó nhân bản trong cơ thể bạn, các triệu chứng cũng thường bắt đầu giảm bớt, và bạn sẽ bắt đầu có cảm giác khá hơn.

Cuối cùng, nếu tình hình tiến triển thuận lợi, hệ miễn dịch của bạn sẽ hoàn toàn tiêu diệt được tất cả số virus trong cơ thể. Một người từng bị nhiễm virus và sống sót mà không bị bất kỳ biến chứng nào ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu về dài, hoặc bị suy nhược các chức năng cơ thể, được xem là "đã hồi phục".

Trung bình, một người bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ bị ốm trong khoảng 7 ngày kể từ khi bộc phát các triệu chứng.

Kể cả khi các triệu chứng đã biến mất, vẫn còn một lượng nhỏ virus trong cơ thể bệnh nhân, và họ nên được cách ly trong 3 ngày nữa để đảm bảo đã thực sự hồi phục và không còn khả năng lây nhiễm cho người khác nữa.

Miễn dịch thì sao?

Nhìn chung, một khi bạn đã hồi phục sau một đợt nhiễm virus, cơ thể bạn sẽ giữ lại các tế bào gọi là lymphocytes trong cơ thể. Những tế bào này "nhớ" loại virus chúng đã thấy trước đó và có thể phản ứng nhanh nhằm tiêu diệt virus lần nữa.

Nếu bạn nhiễm lại loại virus từng nhiễm trước đó, kháng thể của bạn nhiều khả năng sẽ chặn được virus trước khi nó bắt đầu gây ra các triệu chứng. Bạn lúc này đã miễn dịch. Đây cũng là nguyên tắc đằng sau cách thức hoạt động của nhiều loại vaccines.

Không may là khả năng miễn dịch không phải là thứ hoàn hảo. Đối với nhiều virus, như quai bị, khả năng miễn dịch có thể suy giảm dần theo thời gian, khiến bạn dễ nhiễm lại virus trong tương lai.

Đó là lý do vì sao thỉnh thoảng bạn cần tiêm vaccine trở lại – những "mũi tiêm tăng cường" – nhằm nhắc hệ miễn dịch của bạn tạo ra nhiều kháng thể và các tế bào ghi nhớ kia hơn.

Bởi virus corona còn quá mới, các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu những người đã hồi phục sau nhiễm COVID-19 có miễn dịch với loại virus này trong tương lai hay không. Các bác sỹ đã tìm thấy các kháng thể trong cơ thể các bệnh nhân bị ốm và đã hồi phục, và điều đó cho thấy miễn dịch đang hình thành.

Nhưng câu hỏi là miễn dịch sẽ kéo dài trong bao lâu? Các chủng virus corona khác như SARS và MERS tạo ra phản ứng miễn dịch, giúp bảo vệ một người khỏi nhiễm bệnh trong một thời gian ngắn.

Điều tương tự có thể diễn ra với SARS-CoV-2, nhưng chúng ta chưa thể khẳng định chắc chắn điều đó vì các nghiên cứu vẫn chưa hoàn thành.

Tại sao có rất ít người chính thức hồi phục tại Mỹ?

Đây là một chủng virus nguy hiểm, do đó Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn Dịch bệnh Hoa Kỳ cực kỳ cẩn trọng trong việc quyết định xem thế nào là "hồi phục sau nhiễm COVID-19". Các tiêu chí về y khoa và xét nghiệm đều phải được đáp ứng trước khi một người được chính thức tuyên bố đã hồi phục.

Về mặt y khoa, một người phải không sốt mà không cần uống thuốc hạ sốt trong 3 ngày liên tiếp. Họ phải thể hiện sự tiến triển trong các triệu chứng khác nữa, bao gồm giảm ho và khó thở. Và quãng thời gian kể từ khi các triệu chứng bắt đầu cho đến khi biến mất phải ít nhất là 7 ngày đầy đủ.

Bên cạnh các yêu cầu đó, chỉ dẫn của CDC còn nói rằng một người phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona trong 2 lần liên tiếp, với thời gian giữa các lần xét nghiệm phải diễn ra cách nhau ít nhất 24 giờ.

Chỉ khi đó, nếu các điều kiện về triệu chứng lẫn xét nghiệm đều đã được đáp ứng, một người sẽ chính thức được CDC xem là "đã hồi phục".

Yêu cầu phải xét nghiệm hai lần nói trên nhiều khả năng là lý do giải thích tại sao có rất ít các ca hồi phục chính thức tại Mỹ cho đến tận cuối tháng 3. Lúc trước, việc xét nghiệm tại Mỹ diễn ra rất hạn chế, với quy mô rất nhỏ.

Do đó, dù có nhiều người chắc chắn đang hồi phục trong vài tuần trở lại đây, tình trạng của họ không thể được chính thức xác nhận. Trong bối cảnh quốc gia này sắp sửa bước vào đỉnh dịch trong vài tuần tới, việc xét nghiệm vẫn sẽ được tập trung vào những người đã bị lây nhiễm, không phải những người có khả năng đã hồi phục.

Hiện nay, khi các công ty nhà nước và tư nhân đã bắt đầu sản xuất và phân phối các bộ kit xét nghiệm, sẽ có thêm nhiều người nữa được đưa vào diện xét nghiệm.

Khi số người được xét nghiệm tăng lên, và tình hình đại dịch diễn biến chậm lại tại quốc gia này, thêm nhiều người nữa vốn đã hồi phục sẽ được xét nghiệm.

Khi những người đã hồi phục được xét nghiệm, sự xuất hiện của các ca nhiễm mới sẽ giúp các nhà nghiên cứu biết được miễn dịch có thể kéo dài bao lâu.

Khi một người đã hồi phục, họ có thể làm gì?

Biết được liệu những người đã hồi phục sau nhiễm virus corona có miễn dịch với COVID-19 hay không là điều rất quan trọng, quyết định các cá nhân, cộng đồng, và xã hội trên diện rộng có thể làm những gì trong thời gian tiếp theo.

Nếu các nhà khoa học có thể chứng minh được những bệnh nhân đã hồi phục miễn dịch với virus corona, thì một người đã hồi phục trên lý thuyết có thể tham gia hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế bằng cách chăm sóc cho những người bị lây nhiễm.

Một khi cộng đồng vượt đỉnh dịch, số lượng các ca nhiễm mới sẽ giảm đi, trong khi số lượng người đã hồi phục sẽ tăng lên. Khi xu hướng này tiếp diễn, nguy cơ lây nhiễm sẽ sụt giảm.

Một khi nguy cơ lây nhiễm đã giảm đủ sâu, các quy định về cách ly cộng đồng và giãn cách xã hội sẽ bắt đầu được nới lỏng, và hoạt động kinh doanh sẽ bắt đầu được mở cửa trở lại. Dựa trên những gì các quốc gia khác đã trải qua, sẽ mất vài tháng cho đến khi nguy cơ lây nhiễm đạt mức đủ thấp tại Mỹ.

Nhưng trước khi bất kỳ điều gì ở trên có thể xảy ra, Mỹ và cả thế giới cần phải vượt qua được đỉnh dịch. Giãn cách xã hội giúp làm chậm sự lây lan của các loại bệnh truyền nhiễm, và nó đang cho thấy sự hiệu quả trong đại dịch COVID-19.

Nhiều người sẽ cần được trợ giúp y tế để hồi phục, và giãn cách xã hội sẽ làm chậm chủng virus này, mang lại cho mọi người cơ hội tốt nhất để làm điều đó.

Theo VnReview

Các tin cũ hơn