Bệnh nhân 22 dương tính trở lại có thể là người lành mang trùng

Thứ ba, 14/04/2020, 11:17
Các chuyên gia cho rằng trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi xuất viện có thể là hiện tượng người lành mang trùng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết trường hợp bệnh nhân số 22 cho kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính sau khi khỏi bệnh không được gọi là tái nhiễm, mà có thể là người lành mang trùng.

Người bị nhiễm virus khi hết bệnh đa số thành người bình thường, không còn khả năng phát tán virus. Một số nhỏ có thể chuyển sang người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng mang virus trong người.

Người lành mang trùng có thể lây virus cho người khác?

Theo phân tích của bác sĩ Khanh, tái nhiễm là khi người bệnh xuất hiện trở lại các triệu chứng đau họng, sốt, ho. Trường hợp người bệnh được lấy dịch phết họng và tìm thấy virus có nghĩa là họ từ người hết bệnh chuyển qua người lành mang trùng.

"Trường hợp này trong y văn có ghi nhận, nghĩa là sau khi hết bệnh, họ chưa đẩy hết virus ra ngoài và trở thành người mang trùng. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy virus đang thích nghi với chúng ta", bác sĩ Khanh thông tin.

Người lành mang trùng thường không có triệu chứng hoặc đã hết triệu chứng nhưng vẫn còn chứa virus trong mũi, họng. Về mức độ phát tán của virus ra ngoài, chuyên gia này nhận định cần phải có thời gian nghiên cứu thêm nhưng khả năng lây nhiễm cho người khác là có. Các triệu chứng càng rõ ràng việc lây nhiễm càng nhiều hơn.

Benh nhan 22 duong tinh tro lai co the la nguoi lanh mang trung hinh anh 1 scsdf.JPG

Hiện tượng người khỏi bệnh vẫn còn mang virus được gọi là người lành mang trùng. Ảnh: Việt Linh.

Bác sĩ Khanh cho rằng nếu có hiện tượng này, chắc chắn việc phòng ngừa phải chặt chẽ hơn. Chúng ta phải đề phòng người hết bệnh, đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Bởi họ có thể chuyển sang người lành mang trùng.

Ngoài ra, sau khi xuất viện, người khỏi bệnh vẫn là phải tuân thủ phòng hộ cá nhân, mang khẩu trang, rửa tay, che giọt bắn và hạn chế tiếp xúc với người khác nhất là người có nguy cơ.

Bên cạnh đó, trao đổi với Zing, một chuyên gia truyền nhiễm cho rằng hiện tại chưa có đủ thông tin để đưa ra kết luận về trường hợp này.

Ông cho rằng bệnh nhân có thể tái phát, có thể tái nhiễm hoặc chưa hoàn toàn âm tính, bởi hiện tượng 1-2 lần âm tính rồi dương tính trở lại khá phổ biến. Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể là kỹ thuật xét nghiệm kém nhạy.

Tiếp tục xét nghiệm cho bệnh nhân sau khi xuất viện

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng nhận định việc một người đã âm tính với SARS-CoV-2 sau đó lại dương tính có nhiều yếu tố.

Ông nhận định có thể người đó chưa khỏi bệnh, chưa hết virus hoặc việc lấy mẫu có đạt chuẩn 100% không. Điều đó phụ thuộc vào việc vận chuyển đi lại về nơi xét nghiệm, kỷ luật của từng cá nhân, đặc biệt trong quá trình lấy mẫu. Chuyên gia cho rằng phải xét nghiệm 3 lần mới có thể khẳng định kết quả. PGS Nga cũng cho biết khả năng người bệnh sau khi được điều trị, 3 lần âm tính lại dương tính là rất ít. Trong trường hợp có xảy ra, tải lượng virus để lây cho người khác cũng rất thấp.

Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh, nghiên cứu viên Phòng Thí nghiệm Cúm, khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay những ca mắc Covid-19 ở nước ta, sau khi được điều trị và xét nghiệm âm tính 2 lần với SARS-CoV-2, sẽ được công nhận khỏi bệnh. Tuy nhiên, trên thế giới, nhiều trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh, về nhà, sau đó xét nghiệm lại dương tính.

"Câu hỏi đặt ra là bệnh nhân đó đã hoàn toàn khỏi bệnh hay chưa, virus đã được thải ra ngoài hay sau khi về họ lại lây nhiễm từ cộng đồng. Do đó, chúng tôi phải giám sát những trường hợp này, nhất là trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp. Khi bệnh nhân về nhà, chúng tôi vẫn kết hợp với CDC từng khu vực định kỳ lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân, dù bệnh nhân không có triệu chứng. Mục đích là để khẳng định hoàn toàn địa phương đã chấm dứt dịch và bệnh nhân đó không phải là nguy cơ lây nhiễm sang người khác ở cộng đồng", thạc sĩ Phương Anh nói.

Vì vậy, sau khi ra viện, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu 3 ngày/một lần, sau đó, nếu âm tính thì một tuần/lần.

Thạc sĩ Ứng Thị Hồng Trang, nghiên cứu viên Phòng Thí nghiệm Cúm, khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cũng cho biết thêm việc quản lý, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm liên tục những bệnh nhân này ngoài việc đảm bảo kết quả giám sát chính xác, bảo về cho chính người bệnh, cộng đồng, còn phục vụ công tác nghiên cứu.

"Việc này giúp chúng tôi hiểu biết sâu hơn về tác nhân virus này như lưu hành như thế nào trong chính người bệnh đó, diễn biến ra sao, đã thực sự kết thúc hay vẫn tiếp tục tồn tại âm ỉ rồi bùng phát khi có cơ hội. Một số nghiên cứu khoa học trên thế giới đưa ra rằng trong chất thải của bệnh nhân cũng mang mầm bệnh này nên chúng tôi phải thu thập nhiều loại bệnh phẩm để khẳng định hoàn toàn tình trạng âm/dương tính", thạc sĩ Trang nói thêm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích