Pháp tê liệt vì Covid-19, người Việt như ngồi trên đống lửa

Thứ tư, 15/04/2020, 07:48
Nước Pháp rơi vào tình trạng "ngủ đông" vì dịch Covid-19, người Việt gặp không ít bất lợi nhưng vẫn cố gắng có những sáng kiến để thời gian cách ly bớt dài và thêm ý nghĩa.

Sau một tháng thực hiện cách ly xã hội, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 13/4 một lần nữa lại xuất hiện trên truyền hình để công bố việc kéo dài thời hạn cách ly đến 11/5. Trong cộng đồng người Việt tại Pháp, nhiều người lâm đối mặt với không ít khó khăn với diễn biến mới này.

Nước Pháp rơi vào tình trạng "ngủ đông"

Nỗi lo phổ biến nhất là chuyện giấy tờ. Xã hội Pháp đang trong giai đoạn “ngủ đông”. Trừ các bệnh viện đang căng mình điều trị cho số bệnh nhân Covid-19 chưa có chiều hướng giảm, các cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc mở cửa phục vụ nhu cầu thiết yếu, thì mọi hoạt động khác đều tê liệt.

Thủ tục hành chính không thuộc lĩnh vực thiết yếu nên dĩ nhiên không được ưu tiên. Mặc dù có quy định thẻ cư trú cho người nước ngoài sẽ tự động gia hạn thêm 3 tháng nữa nhưng nhiều bạn trẻ Việt Nam vẫn không khỏi lo lắng.

Phap te liet vi Covid-19, nguoi Viet nhu ngoi tren dong lua hinh anh 1 3500.jpg

Một phụ nữ theo dõi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu hôm 13/4. Ảnh: Reuters.

Lam, sinh viên đại học sống tại Paris, về Việt Nam trên những chuyến bay cuối cùng trước ngày Pháp đóng cửa biên giới. Thẻ cư trú của Lam sẽ hết hạn vào tháng 6 tới trong khi các trường đại học vẫn chưa có lịch mở lại. Lo sợ bị từ chối khi nhập cảnh vào Pháp sau cách ly, Lam đã chia sẻ câu chuyện của mình trong nhóm Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp và nhận được khá nhiều cảm thông. Các bạn trẻ khuyên nhau liên hệ ĐSQ và TLSQ Pháp tại Việt Nam để được hướng dẫn vì không ai có câu trả lời thực sự cho tình huống này.

Ở chiều ngược lại, những người Việt vừa đặt chân đến Pháp theo diện du học hay kết hôn cũng đang mắc kẹt trong tình trạng chờ giấy tờ. Linh theo chồng sang Pháp hồi cuối tháng 2/2020, chưa kịp biết nước Pháp thế nào thì đã phải chịu cảnh cách ly, chỉ quanh quẩn trong nhà. Mọi thủ tục giấy tờ phục vụ cho việc cư trú tại Pháp như đổi bằng lái xe, bảo hiểm xã hội... đều án binh bất động. Linh lo giấy xác nhận bằng lái mang từ nhà qua sẽ bị quá hạn, phải nhờ người nhà ở Việt Nam làm lại, hay lỡ có bầu giai đoạn này cũng sẽ không được bảo hiểm chi trả phí thăm khám. Chưa kể, Linh còn khá căng thẳng vì “lạ nước lạ cái” khi sống trong môi trường mới, từ việc ăn uống, thói quen sinh hoạt cho đến giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ mới mẻ mà cô chỉ vừa ở trình độ sơ cấp.

Nỗi lo tài chính cũng là chủ đề nóng trong cộng đồng người Việt tại Pháp giai đoạn này. Những tưởng trường chỉ đóng cửa trường chừng một tháng, Minh, sinh viên năm 2, lên đường về nhà ở Việt Nam giữa lúc cơn bão Covid-19 hoành hành tại Pháp.

Không ngờ tình hình dịch bệnh còn kéo dài, các nước châu Âu còn đóng cửa biên giới chưa biết đến khi nào. Minh như ngồi trên đống lửa vì tiền phòng trọ ở Paris vẫn phải trả hàng tháng với giá không hề rẻ. Anh lên mạng tìm người cho thuê lại phòng nhưng không nhiều hy vọng tìm được khách thuê. “Giá như biết trước thì mình có thể thanh lý hợp đồng thuê nhà trước khi về” - anh nói, tuy nhiên cũng thừa nhận rằng điều đó sẽ khiến anh cực kỳ khó khăn trong việc tìm lại phòng trọ sau khi hết dịch.

Nhiều sáng kiến để những ngày cách ly bớt dài và thêm ý nghĩa

Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 13/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có nhắc đến tình cảnh của những người cách ly trong một không gian phòng ốc chật chội, chỉ sống qua ngày bằng các loại thực phẩm tinh bột với chi phí khiêm tốn. Đó không phải là chuyện hy hữu gì đối với nhiều sinh viên Việt Nam tại Pháp, khi mà họ bị mất việc làm thêm và hàng tháng vẫn phải trả tiền thuê nhà.

Phap te liet vi Covid-19, nguoi Viet nhu ngoi tren dong lua hinh anh 2 phap_2.jpg

Binh sĩ tuần tra dọc bờ sông Seine ở Paris hôm 10/4. Pháp sẽ kéo dài thời hạn cách ly đến 11/5. Ảnh: New York Times.

Không những thế, giá thực phẩm tại Pháp cũng tăng ít nhất khoảng 50% trong thời gian này do thị trường không còn nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ đến từ Tây Ban Nha hay các nước Bắc Phi. Ngay đối với nhiều người Pháp, việc tiêu thụ sản phẩm Pháp hàng ngày cũng là một sự xa xỉ vì hàng Pháp mặc nhiên được đánh giá là chất lượng cao hơn, có nghĩa là giá cả cũng đắt hơn.

Nước Pháp còn kéo dài thời hạn phong tỏa đến 11/5. Bên cạnh những khó khăn, cộng đồng người Việt tại Pháp cũng có nhiều sáng kiến để những ngày cách ly bớt dài và thêm ý nghĩa.

Trên mạng xuất hiện nhiều lời kêu gọi quyên góp, hỗ trợ may khẩu trang ủng hộ đội ngũ nhân viên y tế nơi tuyến đầu, những người hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân mà thiếu thốn thiết bị bảo hộ.

Một số khác thành lập các lớp dạy tiếng Pháp online miễn phí dành cho những người mới sang, hay dạy tiếng Việt cho trẻ em sinh trưởng tại Pháp, trong lúc mọi cơ sở đào tạo đều đóng cửa.

Nhiều người chia sẻ công thức nấu các món ăn Việt trong tình cảnh nguồn nguyên liệu hạn chế, chẳng hạn như làm bánh cuốn từ bánh tráng, làm đậu hũ từ đậu gà,...

Tính đến 14/4, Pháp có gần 140.000 người nhiễm và hơn 15.000 người tử vong vì virus corona. Tổng thống Pháp tuyên bố kéo dài tình trạng cách ly thêm một tháng nữa.

Sau ngày 11/5, các doanh nghiệp, trường học cấp cơ sở sẽ mở cửa trở lại. Riêng lĩnh vực nhà hàng, du lịch, khách sạn và các trường đại học vẫn tiếp tục đóng cửa. Mọi sự kiện hội hè, tụ tập đông người đều bị cấm cho đến sớm nhất là giữa tháng 7/2020. Trên các diễn đàn, diễn văn của Tổng thống Pháp gây tranh cãi với quyết định cho trẻ em đi học trở lại sớm vì trẻ có thể là nguồn lây bệnh về cho gia đình.

Theo Zing

Các tin cũ hơn