Năm 1852, bác sĩ Victor Burq đã đến thăm một nhà máy luyện đồng ở Quận 3 của Paris. Tại đây, công nhân sử dụng nhiệt và hóa chất để chiết xuất một thứ kim loại màu nâu đỏ. Đó là một công việc đầy nguy hiểm. Burq đã nhận xét rằng nhà máy có cơ sở vật chất tồi tệ cùng với đó là nguy cơ tử vong cao đối với những người làm việc tại đây.
Tuy nhiên, 200 nhân viên làm việc ở đó là những người đã tránh được dịch tả bùng phát ở thủ đô nước Pháp vào năm 1832, 1849 và 1852. Khi Burq biết được điều này, ông đã mở một cuộc điều tra chi tiết về những người làm việc trong các nhà máy luyện đồng ở Paris và các thành phố trên khắp thế giới.
Dịch bệnh liệu có bớt lây lan nếu chúng ta có nhiều vật dụng hơn làm từ đồng? Ảnh: (Alex Plesovskich). |
Trong đại dịch tả năm 1854 -1855, bác sĩ Vitorc Burq không thể tìm thấy bất kỳ ca tử vong nào liên quan đến những thợ kim hoàn hoặc tất cả những người làm việc với các chất liệu bằng đồng. Trong quân đội, ông thấy rằng những nhạc sĩ chơi nhạc cụ bằng đồng thau cũng được an toàn.
Vào năm 1855, dịch tả đã khiến 6.176 người tử vong trong tổng số 1.677.000 người nhiễm bệnh. Nhưng trong số 30.000 nhân viên làm việc trong các ngành công nghiệp đồng khác nhau, chỉ có 45 người tử vong do dịch bệnh này.
Sau khi tới thăm 400 doanh nghiệp và nhà máy khác nhau ở Paris, đi kèm với đó là các thu thập báo cáo từ Anh, Thụy Điển và Nga ở trên 200.000 người, ông đã đưa ra kết luận với Viện Hàn lâm Khoa học và Y học Pháp vào năm 1867 rằng đồng hoặc hợp kim của nó là những thứ có thể ngăn ngừa dịch tả một cách hiệu quả.
Đồng có tác dụng diệt khuẩn rất tốt, và tác dụng này đã được người cổ đại biết tới. |
Ngày nay, chúng ta đã có cái nhìn sâu hơn về lý do tại sao một người làm việc trong các cơ sở luyện đồng ngày này qua ngày khác sẽ được bảo vệ khỏi mối đe dọa của vi khuẩn. Đồng là một chất kháng khuẩn hiệu quả, nó có khả năng giết chết vi khuẩn và virus chỉ trong vòng vài phút. Vào thế kỷ 19, việc tiếp xúc với đồng và hợp chất của đồng là một bước trong quá trình khử trùng của cơ thể.
Kể từ đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đồng và hợp chất của nó có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn đe dọa đến cuộc sống của chúng ta. Điều này đã được chứng minh khi nó có thể chống lại các virus bao gồm norovirus, một loại virus gây ra các chứng nôn mửa; MRSA, vi khuẩn tụ cầu; các chủng E.coli độc hại gây bệnh từ thực phẩm và có thể bao gồm cả virus SARS-CoV-2, thứ gây ra đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu hiện nay.
“Nếu đồng được sử dụng nhiều hơn trong các bệnh viện hoặc ở các khu vực giao thông có mật độ đông đúc, nơi nhiều người chạm vào các bề mặt vật chất, những chỗ có thể chứa nhiều virus và vi khuẩn thì nó có thể đóng vai trò quan trọng với sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, nó lại không được sử dụng nhiều ở các không gian công cộng, cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhà của chúng ta”, Michael Schmidt, giáo sư vi sinh tại Đại học Y khoa South Carolina, người chuyên nghiên cứu về ứng dụng của đồng cho biết.
Rất nhiều mầm bệnh có thể tồn tại trên các bề mặt rắn tới 4-5 ngày. Khi chúng ta chạm vào các bề mặt, chúng có thể từ tay đi vào mũi, miệng hoặc mắt con người.
Đồng có thể là vũ khí hiệu quả chống lại virus corona? (Ảnh: Vice). |
Trên bề mặt đồng thì các loại vi trùng, virus không thể tồn tại. Khi một mầm bệnh tiếp xúc với bề mặt đồng, chất liệu này sẽ nhả ra ion đồng có điện tích. Các ion đồng sẽ phá vỡ lớp màng bọc của vi khuẩn và virus, và phá luôn cả DNA hoặc RNA bên trong. Chúng khiến cho mầm bệnh bị tiêu diệt hoàn toàn.
Một trong những sách đầu tiên nói về tác dụng của đồng là cuốn Sách giấy cói Smith, do nhà nghiên cứu Edward Smith phát hiện. Cuốn sách này được cho là của danh y Ai Cập Imhotep viết ra vào năm 2600-2200 trước Công nguyên. Trong sách, đồng được mô tả là dùng để khử trùng các vết mổ và nước uống. Những binh lính Ai Cập hoặc Babylon cũng áp vũ khí đồng thiếc (hợp chất giữa đồng và thiếc) lên vết thương hở để sát trùng.
Tại Ga trung tâm New York, được xây dựng cuối thế kỷ 19, những bậc thang cũng có tay nắm bằng đồng.
Năm 2015, nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí lâu đời nhất về vi sinh American Society for Microbiology cho thấy nhiều chủng virus corona nhanh chóng bị bất hoạt khi đưa lên bề mặt đồng, trong khi có thể tồn tại tới nhiều ngày trên các chất liệu như thép không rỉ, gốm, kính hay gang.
Nghiên cứu cho thấy sau 4 giờ trên bề mặt đồng (góc dưới bên trái), virus SARS-CoV-2 đã không còn đạt ngưỡng nhận biết được (LOD). (Ảnh: medRxiv). |
Trong một nghiên cứu đang chờ xuất bản lên tạp chí New England Journal of Medicine do chính phủ Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), đại học Princeton và đại học California kết luận nhựa và thép không rỉ là những chất liệu bề mặt mà SARS-CoV-2 có thể tồn tại lâu nhất, lên tới 3 ngày. Trong khi đó, virus này chỉ tồn tại được 4 giờ trên bề mặt đồng.
"Không thể tìm thấy virus SARS-CoV-2 còn hoạt động trên bề mặt đồng sau 4 giờ, và với virus SARS-CoV-1 (gây bệnh SARS năm 2003) là 8 giờ", nghiên cứu kết luận.
Tay nắm tại Ga trung tâm New York được làm từ chất liệu đồng. (Ảnh: Grand Central Terminal). |
Nếu đồng diệt khuẩn hiệu quả như vậy, vì sao chúng ta không sử dụng chất liệu này nhiều hơn? Nó hoàn toàn có thể được tráng trên tay nắm cửa, tay nắm ở ga tàu, phòng cấp cứu, bình nước, thậm chí là vỏ ốp iPhone. Đồng là một trong những kim loại được tái chế nhiều nhất thế giới, vậy vì sao chất liệu này ít được sử dụng trên các thiết bị như vậy?
“Việc chúng ta ít sử dụng đồng và các hợp chất của nó là do chúng ta thích các vật dụng bằng nhựa và các chất liệu khác hơn. Chúng ta đã chuyển từ giường đồng, lan can đồng và tay nắm cửa bằng đồng sang các chất liệu như thép không rỉ, nhựa và nhôm”,ông Michael Schmidt giải thích lý do vật liệu này ít được sử dụng.
Một trong những lý do là chưa có đủ khuyến cáo từ bác sĩ. Theo giáo sư Bill Keevil của đại học Sunderland, các bác sĩ thường cho rằng bạc có tác dụng diệt khuẩn tốt hơn đồng. Tuy nhiên, để diệt khuẩn thì mặt tráng bạc lại phải ẩm, còn khô thì không có tác dụng tốt bằng đồng.
Mọi người thường nghĩ đồng sẽ đắt, tuy nhiên thực tế là chất liệu này không quá đắt đỏ, và nếu sử dụng để diệt khuẩn thì là khoản đầu tư hoàn toàn xứng đáng.
Nguyên nhân lớn nhất có lẽ là đồng dễ bị rỉ sét. Các vật liệu làm bằng đồng phải thường xuyên lau mới có thể giữ được vẻ ngoài bóng bẩy, và chắc chắn là tốn công sức hơn thép không rỉ, nhựa hoặc kính. Cũng cần lưu ý là dù có bị rỉ, đồng vẫn có tác dụng diệt khuẩn.
"Đồng có thể diệt khuẩn bất chấp bề mặt trông tệ thế nào. Kể cả khi đã rỉ xanh rồi thì nó vẫn có thể diệt các loại vi khuẩn, virus", ông Schmidt chia sẻ.
Chuyên gia nghiên cứu về đồng cho biết đại dịch Covid-19 có thể là một cơ hội để mọi người hiểu rõ hơn về tác dụng của đồng. Một trong những đường lây lan được cảnh báo đối với virus SARS-CoV-2 là qua tay, và nơi nguy hiểm nhất chính là những bề mặt mà nhiều người chạm vào như nút bấm thang máy, tay nắm.
"Tôi tin chắc rằng đồng sẽ có tác dụng vì virus, vi khuẩn là những thứ gây ra bệnh. Nếu số lượng vi sinh vật giảm xuống, nghĩ đơn giản là chúng ta sẽ nhiễm bệnh ít hơn", Giáo sư Schmidt kết luận.
Theo Zing