Thực tế, bà Clinton đã thắng về phiếu phổ thông, giống kết quả từ hầu hết cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử. Bà thắng phiếu phổ thông với cách biệt 2,1% so với đối thủ Donald Trump, gần với mức dự báo 3% được đưa ra trong các cuộc thăm dò cử tri trước đó.
Nhưng trong bầu cử Tổng thống Mỹ, phiếu đại cử tri mới là yếu tố quyết định và đó là lý do nhiều cuộc thăm dò không phản ánh thực tế, đặc biệt là ở ba bang "Vành đai Rỉ sét" gồm Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, vốn từ lâu đã được coi là các "bang xanh" ủng hộ đảng Dân chủ. Năm 2016, Trump đã biến cả ba nơi này thành "bang đỏ", bang bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa, với cách biệt sít sao.
Ở bang chiến trường Bắc Carolina, các cuộc thăm dò gần ngày bầu cử năm 2016 nhất cho kết quả rất khác nhau. Cuộc thăm dò của New York Times cho thấy hai ứng viên hòa nhau. Thăm dò của CBS News và Quinnipiac cho thấy Clinton dẫn trước với cách biệt 3%. Đài truyền hình Raleigh WRAL cho biết Trump dẫn trước với cách biệt 7%. Trong khi đó, con số thực tế là Trump thắng với cách biệt 3,6%.
"Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 là một sự kiện kinh ngạc đối với các nhà thăm dò dư luận ở Mỹ", Hiệp hội Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Mỹ đánh giá. "Các cuộc thăm dò như vậy đã khiến nhiều hãng truyền thông dự đoán khả năng Hillary Clinton đắc cử Tổng thống là khoảng 90%."
Phần lớn cuộc thăm dò năm nay cho thấy Biden đang dẫn trước Trump. Nhưng nhìn lại năm 2016, liệu mọi người có nên tin vào các cuộc thăm dò năm nay?
Tổng thống Trump (trái) và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: AFP.
Các nhà thăm dò, các giáo sư và nhà phân tích chính trị nói rằng kết quả năm nay đáng tin hơn vì các cuộc khảo sát hiện nay đặt một số câu hỏi mà họ đáng lẽ phải hỏi vào năm 2016, đặc biệt là vấn đề liệu người được phỏng vấn có trình độ đại học hay không.
"Những người có trình độ đại học thường sẵn sàng trả lời điện thoại và trao đổi với người thăm dò ý kiến", Jason Husser, giám đốc chương trình thăm dò ý kiến của Đại học Elon (ECU) ở Bắc Carolina, cho biết. Những người này có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ nên các cuộc thăm dò cho kết quả ảo nghiêng về Clinton. Vì vậy, thăm dò không thể phản ánh tình hình thực tế tại các bang "Vành đai Rỉ sét", nơi cử tri đa phần là công nhân không có trình độ đại học chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều bang khác.
"Nhiều cử tri có trình độ học vấn thấp hơn đi bầu vì chủ nghĩa dân túy của Trump", Brock McCleary, nhà thăm dò ý kiến của đảng Cộng hòa, cho biết.
Amy Walter, biên tập viên Cook Political Report, cho biết khác biệt giữa người có trình độ đại học và không có trình độ đại học đã trở thành "một trong những ranh giới phân định lớn nhất, đặc biệt là giữa các cử tri da trắng".
Peter Francia, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học East Carolina, cho biết năm nay, các nhà thăm dò cố gắng khắc phục tình trạng "kết quả ảo" bằng cách chú ý đến trình độ học vấn của cử tri. Họ có thể lấy mẫu nhiều hơn từ các cử tri có học vấn thấp hơn hoặc tiến hành theo một công thức toán học để đảm bảo tỷ lệ người không học đại học tham gia thăm dò tương ứng với tỷ lệ nhóm cử tri này trong khu vực bầu cử.
Courtney Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Pew, nói rằng nhiều đơn vị thăm dò đang thực hiện những điều chỉnh đó, nhưng không phải tất cả. "Điều này thật đáng báo động", bà nói, cho biết một số cuộc thăm dò được thực hiện trong năm nay ở Florida, Michigan và Wisconsin không được cải thiện.
"Những thách thức về cấu trúc mà chúng ta gặp phải thời năm 2016 vẫn tồn tại", bà nói.
Tom Jensen, giám đốc công ty thăm dò Public Policy Polling (PPP) ở Raleigh, chỉ ra một điểm khác biệt khác trong năm nay: những cử tri thầm lặng, hay những người chưa đưa ra quyết định sẽ bầu cho ai. Dường như năm nay có ít người ra quyết định muộn hơn. Các ứng viên không thuộc hai chính đảng cũng thu hút ít cử tri hơn so với các ứng viên đảng Tự do và đảng Xanh năm 2016.
Tháng 9/2016, công ty của Jensen báo cáo kết quả thăm dò ở Michigan là Clinton dẫn trước Trump, với tỷ lệ lần lượt của hai ứng viên là 44% đến 40%. Tháng 9 này, kết quả thăm dò là Biden 50% còn Trump 46%. "Cùng mức cách biệt với năm 2016, nhưng nhiều cử tri đã quyết định hơn", Jensen nói.
"Khoảng trống lớn trong năm 2016 khiến những cử tri thầm lặng có tác động lớn đến cuộc đua", Jensen nói. "Hầu hết những người chưa quyết định ở Michigan nghiêng về đảng Cộng hòa, nhưng họ không thích Trump. Nhưng cuối cùng, họ quyết định thà bỏ phiếu cho Trump còn hơn Clinton".
"Điều những nhà thăm dò đã không làm vào năm 2016 là hỏi ý kiến cử tri một tuần trước ngày bầu cử. Đó mới là lúc nhiều người ra quyết định. Cuộc đua trước đó luôn ổn định nhưng 4 hoặc 5 ngày trước bầu cử, nó có thay đổi lớn", Walter nói thêm.
Jensen còn rút ra một bài học khác từ năm 2016: Đừng giả định rằng những người không bỏ phiếu trong một vài cuộc bầu cử gần đây sẽ không đi bầu lần này.
"Rất nhiều cử tri đã không đi bầu trong một thập kỷ trước. Họ không được coi là cử tri 'tiềm năng'. Năm 2016, chúng tôi không hỏi ý kiến họ", ông nói. "Bây giờ chúng tôi gọi cho tất cả mọi người chứ không dựa trên lịch sử bỏ phiếu nữa. Rốt cục, hồi năm 2016, Trump đã có sức hút độc nhất vô nhị với những người vốn từ lâu hờ hững với bầu cử".
Nhưng khi còn vài tuần nữa là đến ngày bầu cử 2020, hai luồng dư luận, một bên là sự ủng hộ mãnh liệt dành cho Trump và bên kia là ác cảm nặng nề đối với ông, đã khiến nhiều người sớm đưa ra quyết định.
Trong cuộc thăm dò gần đây nhất của ECU, 96% người dân Bắc Carolinia dự định bỏ phiếu cho Trump hoặc Biden cho biết họ đã chốt lựa chọn của mình. Chỉ 4% là những "cử tri thầm lặng" có thể thay đổi quan điểm vào phút chót.
Walter khuyên mọi người nên nhìn vào xu hướng trong các cuộc thăm dò "thay vì chú ý vào những con số". Ông nhấn mạnh cuộc thăm dò nào cũng có sai số.
Husser nhấn mạnh mọi người nên nhớ rằng mỗi cuộc thăm dò là "một phép đo, không phải là dự đoán". Với những bất ngờ có thể xảy ra vào tháng 10 hoặc trước đó, "mọi thứ có thể dễ dàng thay đổi".
Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử năm 2016, giám đốc FBI James Comey thông báo cơ quan này mở lại vụ điều tra Clinton dùng email cá nhân để xử lý công vụ. Vài ngày sau, ông lại đóng cuộc điều tra, nhưng các đảng viên Dân chủ cho rằng quyết định của Comey đã gây thiệt hại không thể khắc phục cho Clinton. Số phiếu dành cho Clinton trong các cuộc thăm dò sau đó giảm xuống.
Năm 2016, một số hãng truyền thông nói rằng dựa trên phân tích của họ về các cuộc thăm dò, cơ hội Clinton đắc cử là trên 85%. "Điều khiến mọi người mông lung là dự báo đã phóng đại khả năng giành chiến thắng của Clinton", Francia nói.
David McLennan, từ Đại học Meredith ở Raleigh, nhấn mạnh: "Thăm dò dựa trên điều có thể xảy ra, không phải chắc chắn".
Hơn nữa, Mỹ đang tổ chức bầu cử Tổng thống trong bối cảnh khủng hoảng y tế công cộng tồi tệ nhất trong hơn 100 năm. Covid-19 đặt ra cả khó khăn và thuận lợi cho những nhà thăm dò ý kiến.
Điều thuận lợi là nhiều người ở nhà hơn vì Covid-19. "Nhiều người trả lời câu hỏi hơn bình thường", Jensen nói. "Chúng tôi có tỷ lệ phản hồi tốt hơn".
Tuy nhiên, McLennan đặt câu hỏi liệu việc các sinh viên ở lại các quận hay bang quê nhà thay vì đến các trường đại học sẽ ảnh hưởng thế nào đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.
Walter cho rằng một trong những ẩn số lớn nhất là "điều gì xảy ra ở những nơi như Bắc Carolina, khi số lượng người bỏ phiếu qua thư cao kỷ lục. Liệu những người chưa từng bỏ phiếu năm nay có nhập cuộc?". Liệu những tuyên bố không có cơ sở của Tổng thống Trump rằng bỏ phiếu qua thư sẽ dẫn đến "gian lận" có ảnh hưởng đến bầu cử không?
Theo Francia, những câu hỏi đó chưa có câu trả lời. Năm 1918, người Mỹ đã bỏ phiếu khi đại dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành, nhưng mô hình từ năm đó không giúp ích được gì nhiều. Thời đó, phụ nữ thậm chí không được bỏ phiếu.
"Chúng tôi không thể nói 'điều này từng xảy ra rồi. Chúng ta có thể dự đoán được tình hình sắp tới'", Walter nói. "Không có căn cứ nào để nhìn vào nhằm đưa ra dự đoán".