Ông Biden sẽ nhậm chức trong buổi lễ phá vỡ mọi truyền thống

Thứ ba, 19/01/2021, 09:47
Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ chưa từng có tiền lệ, giữa mối nguy "kép" về an ninh và dịch bệnh.

Trước mỗi buổi lễ nhậm chức tổng thống, thành phố Washington, D.C. thường trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đây là dịp hàng trăm nghìn người ủng hộ trên khắp cả nước đổ về thủ đô, chờ đợi tân tổng thống chính thức lên nắm quyền.

Năm nay, dưới ảnh hưởng của đại dịch và bất ổn chính trị, trung tâm quyền lực của Mỹ yên ắng một cách lạ thường. Ngày 6/1, đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ để phản đối kết quả bầu cử bất lợi. Vụ bạo loạn khiến cả thế giới sững sờ, đồng thời đặt thêm nguy cơ với lễ nhậm chức của ông Biden.

Lễ nhậm chức của ông Joe Biden hứa hẹn là một sự kiện được truyền hình trực tiếp thay vì tràn ngập đám đông tụ tập như mọi năm, theo AFP.

Phong tỏa

Sau ngày 6/1, giới chức Mỹ quyết định thắt chặt an ninh trên toàn quốc. Riêng thủ đô Washington, D.C. phải trải qua một đợt phong tỏa lịch sử, vốn là biện pháp từng được áp dụng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Le nham chuc cua ong Joe Biden anh 1

Toà nhà Quốc hội Mỹ chuẩn bị cho lễ nhậm chức tổng thống. Ảnh: Yahoo News.

Trong thời gian chuẩn bị cho lễ nhậm chức, hầu hết mọi nẻo đường ở Washington đều trở nên vắng lặng. Tại khu vực gần toà nhà quốc hội, lực lượng Vệ binh Quốc gia đã triển khai nhiều chốt chặn ngụy trang để đề phòng bất ổn.

Theo AFP, các cây cầu chính dẫn vào nội thành bị phong tỏa trong hai ngày. Điện Capitol, Nhà Trắng và các trụ sở của chính phủ đều được tăng cường mức độ an ninh, với sự có mặt của khoảng 25.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia, gấp 2,5 lần những lễ nhậm chức trước.

Thông thường, lễ nhậm chức tổng thống thu hút khoảng một triệu người. Trước tình hình căng thẳng hiện tại, đội chuyên trách của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã kêu gọi người ủng hộ nên ở nhà. Họ dự định tổ chức một buổi lễ được truyền hình trực tiếp từ Điện Capitol và không có khách tham dự.

Truyền thống

Trong ngày tân tổng thống nhậm chức, các nhà lập pháp, quan chức chính phủ và thẩm phán hàng đầu thường tập trung tại mặt tiền phía tây của Điện Capitol. Song đại dịch có thể phá vỡ truyền thống này, buộc các vị chức sắc phải hạn chế tham gia hoặc thực hiện giãn cách xã hội.

Theo chương trình ngày 20/1, các vị giám mục đứng đầu nhà thờ sẽ mở đầu với lời chúc phúc. Tiếp đó, ca sĩ Lady Gaga xuất hiện để hát bài quốc ca Mỹ. Nhà thơ 22 tuổi, Amanda Gorman, cùng ca sĩ Jennifer Lopez cũng biểu diễn trong buổi lễ.

Le nham chuc cua ong Joe Biden anh 2

Thủ đô Washington được tăng cường an ninh trước ngày ông Joe Biden nhậm chức. Ảnh: AP.

Đến khoảng giữa trưa, Thẩm phán Tòa Tối cao John Roberts sẽ hướng dẫn Tổng thống đắc cử Joe Biden đọc lời tuyên thệ nhậm chức. Phó Tổng thống Kamala Harris cũng thực hiện nghi lễ tương tự cùng Thẩm phán Sonia Sotomayor.

Theo truyền thống, vị Tổng thống sắp mãn nhiệm và các cựu Tổng thống Mỹ đều tham dự buổi lễ nhậm chức. Hành động này thể hiện sự thống nhất, đồng lòng với quy trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Trong lễ nhậm chức năm nay, các cựu Tổng thống Bill Clinton, George Bush và Barack Obama sẽ góp mặt trong khi ông Jimmy Carter, 96 tuổi, không tham dự vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus corona.

Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuyên bố sẽ vắng mặt, sau nhiều nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử nhưng bất thành. Ông Trump dự kiến rời thủ đô Washington, D.C. trong buổi sáng ngày 20/1, trở thành Tổng thống thứ tư trong lịch sử không có mặt tại sự kiện nhậm chức của người kế nhiệm.

Như vậy, buổi lễ sẽ không có phần chào hỏi truyền thống giữa người đứng đầu Nhà Trắng và người sắp kế nhiệm.

Trực tuyến

Lễ nhậm chức Tổng thống thường đi kèm lễ diễu hành, các buổi hòa nhạc hay tiệc tùng. Song ông Joe Biden và bà Kamala Harris luôn cảnh giác trước nguy cơ đại dịch. Họ quyết định phát trực tiếp các hoạt động ăn mừng, thay cho thông lệ hàng năm.

Theo kế hoạch, chuỗi hoạt động ăn mừng sẽ diễn ra trong 5 ngày. Trong ngày 19/1, ông Biden và bà Harris sẽ chủ trì một lễ tưởng niệm trực tuyến dành cho 400.000 bệnh nhân tử vong vì mắc Covid-19 tại Mỹ.

Đến ngày 20/1, họ cùng tổ chức một sự kiện trực tuyến mang tên “Cuộc diễu hành trên khắp nước Mỹ”. Thông qua màn ảnh nhỏ, người dân tại 50 tiểu bang, bao gồm các diễn giả, nghệ sĩ, sẽ lần lượt xuất hiện trên sóng truyền hình.

Le nham chuc cua ong Joe Biden anh 3

Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AP.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh những người hùng trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đồng thời thể hiện sự đa dạng, di sản và sức mạnh của toàn nước Mỹ. Sự kiện trong tối 20/1 có sự tham gia của John Legend, Justin Timberlake và Demi Lovato.

Thị trưởng thành phố Washington, D.C., ông Muriel Bowser, khuyến cáo người dân nên theo dõi các sự kiện thông qua màn ảnh nhỏ.

Ông Maju Varghese, lãnh đạo Ủy ban Nhậm chức, cho biết: “Chương trình đã đổi mới hình thức để giữ an toàn cho mọi người. Cách làm này cũng giúp người dân trên toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn, từ người già đến trẻ nhỏ, đều được tham dự sự kiện”.

Hạ nghị sĩ Cedric Richmond, đồng chủ tịch Ủy ban Nhậm chức, tái khẳng định niềm tin vào một buổi lễ an toàn, bất chấp cảnh báo từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về nguy cơ biểu tình vũ trang trên khắp cả nước.

Ông Richmond nói: “Cơ quan Mật vụ đã chuẩn bị suốt hơn một năm qua. Hiện có nhiều bên phối hợp tổ chức, bảo đảm sự an toàn cho buổi lễ, bao gồm lực lượng Vệ binh Quốc gia, An ninh Nội địa, Thị trưởng Washington và nhiều người khác”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn