Tổng thổng Donald Trump liệu có còn quyền lực và ảnh hưởng sau khi rời Nhà Trắng?
Thứ ba, 19/01/2021, 16:06
Với Tổng thống Donald Trump, con đường phía trước của ông sẽ vô cùng gian nan, chẳng theo quy tắc và không giống bất kỳ Tổng thống rời nhiệm sở nào trước đây, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Phần lớn các cựu Tổng thống Mỹ dành thời gian sau khi rời khỏi chức vụ để đi đánh golf, xây dựng thư viện riêng, phát biểu những bài diễn văn kiếm bộn tiền, viết hồi ký và chê bai về những gì Tổng thống tiếp theo sẽ làm.
Tương lai bất định chưa từng thấy
Thế nhưng với Tổng thống Donald Trump, con đường phía trước của ông sẽ vô cùng gian nan, chẳng theo quy tắc và không giống bất kỳ Tổng thống rời nhiệm sở nào trước đây, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Cho đến giờ, người ta vẫn không thể biết khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày thứ Tư, ông sẽ ở đâu. Ông là Tổng thống đầu tiên tính từ Tổng thống Andrew Johnson vào năm 1869 từ chối tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.
Tuy nhiên hiện chẳng ai biết ông định sẽ làm gì tiếp. Thậm chí người ta cũng không thể chắc rồi ông sẽ ở đâu sau khi rời khỏi Nhà Trắng. Ông từng nói ông sẽ sống tại câu lạc bộ ở Mar-a-Lago ở Florida, tuy nhiên hàng xóm láng giềng đang phản đối việc ông sống ở đây toàn thời gian.
Trong ngắn hạn và có thể trong trung hạn, những lựa chọn của Tổng thống Trump thời kỳ hậu bầu cử sẽ bị giới hạn bởi vụ bạo loạn đã xảy ra ngày 6/1/2021 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ dẫn đến việc ông bị luận tội lần thứ 2. Nếu ông bị kết tội trong phiên họp của Thượng viện Mỹ lần tới, chắc chắn ông sẽ bị cấm ra tranh cử Tổng thống Mỹ lần thứ 2.
Giờ đây, một số doanh nghiệp tên tuổi lớn nhất nước Mỹ đang “bỏ rơi” Tổng thống, họ không cho ông tham gia mạng xã hội, chặn ông không được tiếp cận với dịch vụ của họ.
Hàng chục triệu người Mỹ chỉ trích ông, thương hiệu cá nhân ông vì vậy chịu ảnh hưởng tiêu cực, ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh của đế chế bất động sản, khách sạn và khu đánh golf nghỉ dưỡng của ông.
Thế nhưng cùng lúc đó, vẫn còn hàng chục triệu người Mỹ ủng hộ ông, chính vì vậy, ông Trump vẫn sẽ có thể trở thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ bất chấp ông có ra tranh cử Tổng thống Mỹ hay không.
Việc không còn được xuất hiện trên các kênh truyền thông xã hội mạnh nhất của Mỹ sẽ khiến ông phải tìm ra cách mới để duy trì sự ủng hộ và có thể là kiếm tiền từ những người ủng hộ trung thành với ông. Dù rằng ông sẽ bị đẩy ra khỏi các cơ hội truyền thông chính thống, ông sẽ vẫn có thể có chỗ đứng với quan điểm bảo thủ của mình, ông có thể lập ra trang mạng xã hội riêng nhằm cạnh tranh với Twiiter.
Tất nhiên các kịch bản trên sẽ có thể trở thành hiện thực nếu ông không bị “nhấn chìm” bởi hàng loạt vụ kiện cáo dự kiến sẽ xảy đến ngay khi ông rời khỏi chức vụ. Ngay cả trước vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ, ông đã phải đối mặt với không ít vụ kiện và thậm chí cả điều tra hình sự. Những tuyên bố của ông về gian lận bầu cử và cáo buộc kích động bạo loạn sẽ chỉ khiến cho rủi ro pháp lý của ông lên cao hơn nữa. Cũng không thể loại bỏ khả năng ông sẽ phải đi tù.
Chắc chắn không thể coi thường Trump. Dường như mọi chuyện tưởng đã kết thúc vào thập niên 1990 khi mà ông vướng vào hàng loạt vụ phá sản, ông đã vươn lên mạnh mẽ. Và rồi khi mà sự ủng hộ của ông giảm lên, người ta lại thấy ông bật lên và thu hút được lượng người trung thành mới và rồi vào được Nhà Trắng. Dù ông thất bại trước ông Joe Biden, chênh lệch ủng hộ giữa ông và ông Biden cũng thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng trước đó.
Lực lượng trung thành sau lưng Donald Trump
Trước vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội, dường như ông Trump vẫn được coi như chính trị gia hàng đầu của Đảng Cộng hòa, thậm chí ông có thể ra tranh cử Tổng thống vào năm 2024 hoặc là người có tiếng nói ảnh hưởng lớn trong đảng. Ông cũng từng được kỳ vọng sẽ có động thái trả thù nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa từng phản đối ông, trong đó nổi bật nhất phải kể đến thống đốc bang Georgia Brian Kemp, người từng từ chối thay đổi kết quả bầu cử tại bang này.
Sự kiện ngày 6/1/2021 đã thay đổi tất cả.
Kết quả khảo sát của Pew vào ngày 15/1/2021 cho thấy sự bất bình với ông Trump đang ngày một lớn dần, 68% người trả lời nói rằng họ không muốn ông vẫn tiếp tục là một nhân vật chính trị trong những năm tới.
Vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 đã làm chia rẽ Đảng Cộng hòa. Dân biểu Liz Cheney, thành viên cao cấp thứ 3 của Đảng Cộng hòa ở Hạ viện là một trong số mười chính trị gia đã quay lưng với Đảng Cộng hòa và ủng hộ Đảng Dân chủ luận tội Tổng thống Trump với tội danh kích động nổi loạn.
Một số chính trị gia Đảng Cộng hòa trong đó có lãnh đạo Đảng Cộng hòa Mitch Mc Connell cũng nói đến khả năng họ cởi mở với việc kết tội Trump, như vậy sẽ chặn được kịch bản ông này ra tranh cử Tổng thống vào năm 2024.
Hàng chục doanh nghiệp, nhóm vận động kinh doanh và nhà tài trợ trước đây từng ủng hộ Đảng Cộng hòa đã nói họ sẽ tạm ngưng hoặc ngừng góp tiền cho những chính trị gia ủng hộ quan điểm của ông Trump về bầu cử Mỹ.
Thế nhưng ông Donald Trump vẫn được sự ủng hộ của phe dân túy trong Đảng Cộng hòa. Ngày 8/1/2021, 2 ngày sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ, ủy ban của Đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục bầu một số đồng minh của Donald Trump bao gồm ông Ronna Romney McDaniel và Tommy Hicks vào các vị trí quan trọng trong đảng.
Và kể cả sau những gì đã xảy ra, phần đông Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa vẫn phản đối việc luận tội, gần 2/3 không hài lòng với việc ủng hộ xác nhận kết quả bầu cử của ông Biden. Kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy phần lớn cử tri Đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ Trump và không đổ lỗi cho ông về vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội.
Tư vấn cao cấp cho chiến dịch tranh cử năm 2012 của ông Mitt Romney, ông Kevin Madden, nhận xét: “Mọi chuyện sẽ không thay đổi chỉ sau một đêm. Quyền lực mà ông có cũng như sức ảnh hưởng của ông là có thật và nó vẫn luôn hiện hữu”.