Dịch vụ mới: Cúng giỗ online

Thứ năm, 19/04/2012, 15:14
Từ bác sỹ online, se duyên online, nghĩa trang online và đầu tháng 10 vừa qua một dịch vụ "độc": cúng giỗ online xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam. Dịch vụ tâm linh đặc biệt này đã ngay lập tức làm dấy lên nhiều tranh luận...

Các tin khác

>>Đồng Tháp: Không phát hiện cá diêu hồng nhiễm chất cấm

>>Công nghệ “nấu” iPhone cũ tại Việt Nam

>>Người đẹp chuyển giới tố bị hãm hiếp ... 19 lần


"Làm giỗ" bằng một cú click

Trong tiềm thức, người Việt Nam luôn quan niệm "sống mái nhà, chết nấm mồ". Khi còn sống, trong cuộc bươn bải mưu sinh, người ta luôn dành dụm để cất được mái nhà lấy chỗ che mưa nắng.

Tuy nhiên cách thức mà con cái thờ cúng ông bà tổ tiên cũng có nhiều thay đổi theo thời gian. Giờ con cháu muốn mộ ông bà, người thân luôn ấm áp, sạch sẽ, tươm tất đơn giản chỉ cần thực hiện bằng một cú ...click chuột vi tính.
 

“Siêu công viên nghĩa trang” Lạc Hồng Viên (Nguồn: Lachongvien.com)
 

Dịch vụ này hầu hết được thao tác qua công cụ internet tại địa chỉ lachongvien.vn. Khách hàng có "mộ phần" tại "nghĩa trang" ở trang mạng này chỉ click vào mục cúng giỗ online sau đó chọn các gói dịch vụ phù hợp với yêu cầu của mình.

Hiện tại công ty này cung cấp khoảng 20 gói dịch vụ từ cúng Tết đến lễ cúng ông bà tổ tiên... Khách hàng sẽ tự chọn các món đồ lễ cúng tại phần mộ người thân với mức giá đã được đăng tải.

Giờ làm lễ, nội dung khấn tế hoặc yêu cầu về người thực hiện việc khấn cúng nếu được yêu cầu công ty nay cũng sẽ đáp ứng đầy đủ. Sau khi thực hiện xong việc cúng giỗ, bộ phận dịch vụ hậu cần sẽ gửi email (video và hình ảnh) cho khách hàng thông báo về kết quả triển khai gói dịch vụ mà gia đình đã đăng ký.

Ông Trần Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu chia sẻ: "Theo thống kê của công ty thì hiện tại có khoảng 30 % khách hàng được an táng tại nghĩa trang Kỳ Sơn Lạc Hồng Viên (tỉnh Hòa Bình) đăng ký sử dụng dịch vụ này. Thực ra việc ra mắt dịch vụ cúng giỗ online chỉ là việc hoàn thiện thêm các dịch vụ cho khách hàng an táng tại nghĩa trang Kỳ Sơn, Lạc Hồng Viên, để người nhà yên tâm hơn với "ngôi nhà" của người thân mình đang được yên nghỉ tại đây".

Dịch vụ cúng giỗ online của ban quản lý nghĩa trang Lạc Hồng Viên vừa công bố đã được khách hàng đón nhận với nhiều thái độ khác nhau. Nhiều người cho rằng đây là sự hỗ trợ cần thiết cho nhiều khách hàng. Những trường hợp không thể lên mộ người thân chăm sóc, cúng lễ có thể thuê nhân viên Công ty dịch vụ làm. Tuy nhiên không ít người e ngại dịch vụ thuê người làm cúng lễ qua internet này đang làm cho các giá trị văn hóa tâm linh bị thương mại hóa quá đà.

Đạo hiếu có bị mai một?

Dáng vẻ ngơ ngác, quần áo dính đầy bụi bặm, 2 người đàn ông trạc ngoài 70 loay hoay hỏi thăm bảo vệ tìm địa chỉ của công ty có nghĩa Trang Kỳ Sơn,  Lạc Hồng Viên. Họ đang đi làm một công việc mà không ai muốn làm nhưng tất cả đều phải làm, đó là tìm cho mình một ngôi nhà ở thế giới bên kia.
 

Ông Trần Tuấn Anh trong một lần khảo sát nghĩa trang ở Singapore
 

Bác Nguyễn Văn Hải, ở ô Chợ Dừa, Hà Nội chia sẻ: "Lúc trẻ lo làm sao mua được một ngôi nhà để an cư lạc nghiệp. Nhưng đến khi đã 70 như tôi, việc quan tâm nhất là làm sao cho mình một chỗ yên nghỉ khi về cõi vĩnh hằng. Tôi cũng có 3 người con, 2 đứa đang làm việc ở nước ngoài, một đứa đang ở TP. HCM.

Tôi tự đi tìm hiểu những dịch vụ liên quan đến thế giới bên kia để con cái không phải lo nghĩ nhiều. Khi được hỏi về dịch vụ cúng giỗ online mà công ty này đang triển khai, bác Hải chia sẻ: "Theo truyền thống văn hóa của Việt Nam thì nó không phù hợp. Tuy nhiên như bản thân tôi, mộ ông bà ở cách hàng trăm cây, đi lại khó khăn, một năm cũng chỉ có thể lên với ông bà 1 lần. Trong khi đó các dịp lễ tiết, tôi đều mong mộ gia tiên luôn có hương khói thì dịch vụ này lại là điều cần thiết".

TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng: "Dịch vụ này cho thấy một hiện thực xã hội, có thể nói con người giờ có đầy đủ các dịch vụ đến tận chân răng. Chúng ta đang dịch vụ hóa tuyệt đối hầu hết mọi việc trong xã hội. Dịch vụ cúng giỗ online cũng giống như dịch vụ điện hoa. Nó phần nào thể hiện mong muốn của con người là được chia sẻ, được quan tâm với người đã mất. Nó cho người đang sống có được sự "vuốt ve" tâm linh. Bởi họ đang cố gắng làm những điều để an ủi tinh thần cho chính họ chứ không phải vì người khác".

Theo ông Trần Tuấn Anh: "Với các mộ phần tại nghĩa trang Kỳ Sơn, chúng tôi chỉ mong muốn giúp đỡ những người không có điều kiện chăm sóc mộ phần người thân chứ không nghĩ rằng việc ra mắt dịch vụ này sẽ làm thay được nghĩa vụ, tình cảm với người đã khuất của các thân nhân. Thậm chí chúng tôi luôn khuyến khích những gia đình có người thân yên nghỉ tại nghĩa trang lên thăm mộ phần với các chuyến đi do công ty tổ chức".

Bác Nguyễn Bích Hường, 65 tuổi (Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: "Cúng giỗ qua mạng chỉ nên xem là một việc làm mang tính dịch vụ thay mặt gia đình chăm sóc, hương khói cho mộ phần người thân đỡ cô quạnh, người thân cũng qua đó mà đỡ phải áy náy vì mình không có điều kiện thăm viếng thường xuyên. Còn đạo hiếu của kẻ làm con cháu, dù ở xã hội nào, thì cái tâm vẫn là điều quan trọng nhất".
 

Niềm an ủi tinh thần?
 

"Dịch vụ này có tính hiện đại, mang đúng hơi thở của một xã hội phát triển nhưng nó không phù hợp với đời sống tâm linh người Việt Nam truyền thống. Dịch vụ này tốt, tiến bộ nhưng hiệu ứng với xã hội đến đâu còn tùy vào người sử dụng dịch vụ này với tâm thế ra sao. Đối với những con cháu ở xa vài nghìn cây số hay ở nước ngoài thì thực sự dịch vụ là một niềm an ủi tinh thần. Tuy nhiên ở bất cứ một xã hội nào, văn minh cũng không thể thay thế cho văn hóa. Dịch vụ sẽ là niềm an ủi cho những người con xa quê những người không có điều kiện để trực tiếp thực hiện nghi thức tâm linh với người thân. Còn với những ai lạm dụng dịch vụ này để ỷ lại thay vì có thể đến trực tiếp thì chính bản thân họ bị lương tâm phán xét".

  (PGS.TS Nguyễn Quý Đức, Viện văn hóa và phát triển).

 
Theo Người đưa tin

Các tin cũ hơn