Các tin khác
>> Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton quậy tưng bừng ở quán bar
>> Người tố cáo Lindsay Lohan đánh nhau tại quán bar có bằng chứng?
>> Chàng Tây V-League vô địch hát karaoke
Từ phòng karaoke
Phòng karaoke đúng nghĩa sẽ là nơi ca hát, giao lưu và giải tỏa căng thẳng với những đồ ăn và thức uống đơn giản, không say. Nhưng hiện nay do công tác quản lý các quán hát chưa được chặt chẽ, nên hiện tượng có đồ uống có cồn trong phòng vẫn tồn tại.
Cộng với việc sau mỗi bữa nhậu, các cô cậu thanh niên lại rủ nhau đi hát để “xả” hơi rượu. Nhưng một nghịch lý, rượu lại tiếp rượu, sẵn có trong phòng các bạn không ngừng mở nắp, mời và chúc tụng nhau. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các bạn trẻ muốn được nhảy.
Chị Nga, ở thôn Đức Quân, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Mình đang làm ở Hà Nội và thỉnh thoáng có về quê, có lần về mình cũng đi hát rồi nhảy với bạn bè, bọn mình nhảy trong phòng karaoke vì ở đây không có “bar”, mà nhảy cũng chỉ là thú vui, giải trí bình thường và bắt kịp với cuộc sống hiện đại, tùy thuộc vào bản thân mình mà cuộc chơi trở nên lành mạnh hay không. Bọn mình hay chọn những dịp nghỉ lễ, tết, họp lớp hoặc lúc có bạn bè đông vui thì đi nhảy”.
Mỗi lần các bạn trẻ hát chán sẽ được thay bằng đĩa nhạc sàn, nonstop với nhịp độ nhanh, mạnh, âm thanh lớn và bắt đầu nhún nhảy. Theo từng giai điệu nhạc mà những thanh niên trong cuộc sẽ có những điệu nhảy khác nhau, đôi khi lại hét lên các từ ngữ kỳ lạ “huây, huây…” hay “hú, hu…” và thậm chí có những tình huống va chạm vào nhau gây mất đoàn kết.
Đến đám cưới quê
Giới trẻ nông thôn không chỉ biến karaoke thành quán “bar” mà đám cưới cũng trở nên “sôi động” một cách lạ lùng.
Khác xa với nét văn hóa trong đám cưới làng quê, vào buổi tối giữa 2 ngày lễ sẽ là những bài hát của bạn bè, câu thơ của người cao tuổi chúc mừng hạnh phúc. Nay là nơi các cô cậu thanh niên thi nhau nhảy nhót, tiệc rượu. Không khác gì trong sàn, bởi các cô cậu cũng uốn lượn, reo hò theo điệu nhạc và đôi khi còn có những cử chỉ gây phản cảm.
Chị Hồng Duyên (26 tuổi) đang là giáo viên tại huyện Yên Bình: “Mình đi dự nhiều đám cưới ở đây và đám cưới nào, các bạn thanh niên cũng nhảy nhạc sàn. Nó không thích hợp với ở quê lắm nhưng theo mình thì nó rất vui, sôi động và tạo không khí trong hôn lễ, thể hiện được sự năng động, cá tính của mọi người.
Quán karaoke đã trở thành sàn nhảy cho các bạn trẻ. (Ảnh minh họa)
Còn với bác Trần Nhật Ký, thôn Tân Tiến I, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, Yên Bái lại có quan điểm rằng: “Về nếp văn hóa thì sẽ có nhiều góc nhìn tế nhị, nhiều mặt. Ở làng quê vốn yên bình, thuần túy nhưng rồi một ngày nào đó cũng sẽ du nhập nền văn hóa nước ngoài, hiện đại nên một bộ phận thanh, thiếu niên cho rằng phải nhảy mới là hiện đại.
Đám cưới ở làng quê trước đây sử dụng loa đài để hát vui nhất là ở tuổi trẻ. Thanh niên chọn nhảy nhót thì nếu thực sự hiểu biết về nét nghệ thuât này tôi thấy tế nhị, rất đẹp. Nhưng ở nông thôn, thanh niên nhảy không ra bài bản, không đẹp, có khi cầm chai cầm cốc lại trở thành nhố nhăng, không nhảy thì uống ít, nhảy thì uống nhiều hơn.
Nhảy nếu biết nhảy phải có giai điệu, bài bản các kiểu nhảy chứ không lộn xộn, va chạm vào nhau cộng với hò hét, rượu chè làm xuống cấp văn hóa làng quê. Nếu có một tổ chức mở lớp dạy khiêu vũ, nhảy thì rất đẹp và tốt, chứ giờ nó chẳng ra ngoại lai mà là bắt chước, không có gì là đẹp cả”.
Và cái khó của người chủ
Mặc dù các chủ quán không có ý định mở quán để phục vụ giới trẻ, thanh niên nhảy nhưng vì ở nông thôn và các thị trấn nhỏ rất vắng khách, chỉ làm ăn theo thời vụ những dịp lễ lớn, tết tư nên họ đành lòng chiều khách hàng.
Thấy được tính bất tiện từ việc kinh doanh loại hình này, gia đình ông Vũ Văn Cường, xã Xuân Ái huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã bỏ quán karaoke sau 3 tháng kinh doanh và chấp nhận thua lỗ so với vốn đầu tư, mặc dù thu nhập rất cao so với mức thu nhập của những người làm nghề nông.
Bởi trước đó, ông cũng dùng nhiều biện pháp nhắc nhở, quy định cấm thay đĩa, bật nhạc sàn và nhảy trong phòng hát nhưng đâu vẫn vào đấy, những vị khách trẻ coi như chưa nghe thấy gì từ chủ quán.
Ông Cường cho biết: “Phòng hát nhà tôi ở khu trung tâm, nên rất gần các hộ gia đình khác. Mỗi lần thanh niên, chúng nó nhảy, thì âm thanh lớn quá nên làm ảnh hưởng đến hàng xóm, nhất là người cao tuổi. Vì chúng nó hay nhảy khuya và nhà mình xây cách âm nhưng với phòng hát thì cũng được chứ với nhạc nhảy thì không hạn chế âm thanh được.
Có khi chúng nó nhảy, bật nhạc to quá, mà nhà tôi sát ngay bên cạnh còn rung cả tường lên. Đi làm cả ngày mệt nên muốn tối nghỉ ngơi cũng khó cùng với việc hàng xóm phản ánh nên tôi bỏ không kinh doanh loại hình này, chuyển sang hình thức khác còn giữ được tình làng, nghĩa xóm”.
Còn với những phụ huynh có con lấy chồng lấy vợ, cũng không thể cấm được các vị khách mời trẻ, bạn bè của con cái mình mở nhạc và nhảy nhót. Dù họ biết sẽ ảnh hưởng tới xóm làng và mất đi nét văn hóa của đám cưới xưa, nhưng vẫn phải chấp nhận và dùng giải pháp hạn chế bằng cách chỉ cho nhảy 1 tiếng hay đến 10 giờ là phải kết thúc.
Là ngày hạnh phúc cả đời của con cái mình, họ đồng ý như vậy nhưng lại lo lắng và mong sẽ không có chuyện gì xảy ra khi thanh niên nhảy bởi trong một số đám cưới đã từng xảy ra xích mích, đụng độ.
Theo VTCNews