Cụ Sử trước căn nhà tềnh toàng rách nát
“Thương con, ruộng lại ít lúc ấy còn khỏe như các anh này, tôi làm đủ nghề để nuôi chúng ăn học làm sao cho con tôi không thua kém gì so với con cái người ta”, vừa kể cụ vừa chỉ tay về phía chúng tôi.
Gần 9 năm trời sống trong cảnh “gà trống nuôi con”, cụ Sử đi bước nữa với người đàn bà có tên Nguyễn Thị Hợi. Hạnh phúc lại một lần nữa dang rộng vòng tay đón chào người đàn ông chịu thương chịu khó ấy. Họ có tiếp với nhau 2 mặt con cộng thêm đứa con riêng của bà Hợi tất cả là 6 đứa.
Cuộc vui chưa được bao lâu đã lại tới hồi kết, lấy nhau chưa đầy 10 năm người vợ thứ của cụ ngã bệnh rồi từ giã cõi đời, để lại cụ cùng những đứa con thơ dại.
Tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, nhặt nhạnh từng đồng để nuôi con khôn lớn. Rồi những đứa con của cụ lần lượt ra đi tìm tổ ấm riêng của họ.
Tất cả tình yêu thương, niềm hy vọng bám víu duy nhất của cụ đặt trên vai người con trai có tên Trần Hãn Dũng, nhưng rồi lại một lần nữa cụ cười ra nước mắt.
Ở cái tuổi 80 nhưng cụ vẫn phải gồng gánh những công việc vườn tược
“Năm 2000 tôi hỏi cưới vợ cho nó. Mới đầu về thì cô con dâu hiền và đảm việc nhà lắm, nhưng sau vài tháng nó trở nên hỗn láo, rồi hai vợ chồng chúng nó đòi xin ra ngoài ở. Tôi đành nuốt đắng cay cho đất chúng đi thôi”. Cụ sử kể.
Nhắc đến người con dâu cụ kể tiếp “Nó tên Trần Thị An. Năm 2003 trong lúc nó gây gổ túm tóc đánh nhau với bà hàng xóm tôi chạy ra chưa kịp khuyên thì bị nó đánh gẫy một cái răng đây này”. Vừa nói cụ vừa nhe răng chỉ cho chúng tôi nhìn.
“Tình cảnh của ông Sử khổ lắm các cháu ạ, một mình nuôi 6 đứa con khôn lớn nhưng khi chúng có gia đình riêng thì chẳng ai nhận nuôi ông. Tôi chơi với ông ấy từ bé đến lớn, nhưng ít ra tôi còn may mắn hơn ông ấy vì con trai tôi nó hiếu thảo lắm…”, cụ Quyên người hàng xóm của cụ Sử chia sẻ.
Giờ đây người bạn thân nhất của cụ có lẽ là rượu, thuốc lá và người dân xã Tiến Thắng tốt bụng, dù chỉ là bó rau hay hộp thuốc lá với cụ cũng là một tấm lòng.
Mức thu nhập mỗi ngày của cụ thật khiến chúng tôi ngạc nhiên “Già rồi chẳng làm được gì nữa chỉ quay sợi mỗi ngày được 2000-3000 thôi”, cụ Sử nói tiếp.
Chia tay cụ, trên đường trở về chúng tôi cứ bị ám ảnh bởi cụ già ốm yếu tóc bạc phơ đang ngồi quay sợi và văng vẳng bên tai câu nói: “Dạo này tôi hay mơ gặp vợ con tôi lắm, chắc chẳng còn lâu nữa đâu… "
Theo GDVN