>>Kiếm sống ở hầm Thủ Thiêm
>>'Nữ hoàng' thể thao bán cà phê kiếm sống
>>Giải Đồng siêu mẫu bán nước mía kiếm sống
Những đứa trẻ hành xác mưu sinh
8h tối, dọc khu nhậu trên đường Lam Sơn, Đồng Nai (Q.Tân Bình), nhiều khách đang uống ăn bất chợt giật mình bởi tiếng hô to “ê... hây” của một thiếu niên chừng 16 tuổi.
Trong bộ trang phục hoa văn vàng đỏ như diễn viên của một đoàn kịch hay mãi võ nào đó, cậu lầm lũi tiến đến trước mặt thực khác rồi bắt đầu giở bộ đồ nghề trong chiếc túi nhỏ làm bằng vải ra.
Đầu tiên, cậu dốc đầy xăng vào miệng rồi đốt cháy chiếc que (trên đầu có gắn bùi nhùi) rồi phun cho lửa tóe ra phừng phực. Mọi người bắt đầu ngạc nhiên và tò mò chú ý.
Tiếp theo là màn nuốt than, cậu bất ngờ bỏ cục than đang cháy vào miệng ngậm xèo xèo cho đến khi than nguội mới thôi. Thế nhưng, rùng rợn nhất phải là màn cuối: “nuốt rắn”. Nhìn con rắn nhỏ được cậu nuốt dần dần vào họng, nhiều "khán giả bất đắc dĩ" không khỏi rùng mình xót xa.
Khi con rắn đã đi qua cổ họng đến tận phần đuôi, cậu mới rút ra. Chưa hết, sau màn đó “diễn viên” lại tiếp tục cầm con rắn lên rồi lựa nó chui qua lỗ mũi thòng xuống miệng ngoe nguẩy. Có những thực khách đã phải quay mặt đi...
Màn trình diễn chỉ kéo dài khoảng 5 phút. Sau mỗi màn trình diễn như thế, cậu bé lại lầm lũi thu dọn đồ nghề và cầm chiếc thố đến từng bàn để xin tiền. Có người cho 10 ngàn đồng, 5 ngàn đồng, có người tỏ vẻ thích thú thì cho hẳn mấy chục nghìn. Mỗi lần như thế cậu lại cúi đầu cảm ơn.
Cũng có người quay mặt đi khi chiếc thố chìa ra cạnh mình. Cuộc nhậu trên bàn xao lên một chút vì màn biểu diễn giờ lại được tiếp tục, cậu bé lại lặng lẽ xách đồ nghề đến địa điểm khác để tiếp tục cuộc mưu sinh.
Sau lần đó vài hôm, tại một khu vực khác ở phố cà phê dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, tôi lại bắt gặp một thiếu niên chừng 14 tuổi. Không cầu kỳ chào hỏi, cậu lặng lẽ giở đồ nghề ra rồi bắt đầu say sưa với màn trình diễn lắc đĩa, nuốt kiếm, nhai bóng đèn, phun lửa... của mình. Với những người thường xuyên café ở đây, những trò biểu diễn này không còn gì là mới lạ.
Tuy nhiên, đó không phải là điều “dị nhân” nhí này quan tâm. Những điều cậu làm không phải là một thứ nghệ thuật hay võ thuật gì quá to tát, quá kỳ bí, đặc sắc để người khác lúc nào cũng phải trầm trồ. Trong cái thành phố xô bồ này có hàng trăm người làm được như cậu. Vì thế, cậu biểu diễn như một thói quen, một kiểu lao động mua vui cho thiên hạ để gom cho mình từng đồng bạc lẻ.
Biểu diễn cho thực khách xem xong, Linh - tên của “dị nhân nhí” ngồi cùng chúng tôi tâm sự. Cậu cho biết mình quê ở Bến Tre, cách đây nửa năm, cậu theo chân một người chú họ lên Sài Gòn kiếm sống, rồi nhờ một cơ duyên cậu quen được “sư phụ”.
Sau 3 ngày ngồi nhà luyện vài chiêu "bí quyết" như nuốt lửa, nuốt rắn, nhai than… Linh được các đàn anh, đàn chị đẩy ra đường để hành “nghề”. Khi chúng tôi hỏi liệu làm như thế thì có bị bỏng hay không, cậu chìa ra cho chúng tôi thấy cái lưỡi bị phồng rát chính từ những lần đi làm “xiếc” kiếm sống.
Im lặng một lúc rồi Linh lảng tránh cái nhìn của tôi, chùng giọng: “Nhiều hôm về tới nhà, tụi con mệt rã rời, mồm miệng thì bỏng rát, ăn không nổi nên húp tạm bát cháo trắng”.
Tôi định hỏi Linh một chút nữa thế nhưng cậu bắt đầu tỏ vẻ lảng tránh không trả lời. Có lẽ, đó là một trong những "nguyên tắc" đã được thống nhất của những cậu bé làm công việc này.
Cậu vội vàng kết thúc cuộc trò chuyện bằng một nụ cười gượng gạo và tiếp tục đi bàn khác xin tiền. Tôi chỉ kịp dúi vội tờ 20 nghìn vào chiếc mũ cáu đen của cậu rồi nhìn cái dáng người gầy gò, bụi bặm khuất dần sau tiếng nhạc át đi và những ánh đèn xanh đỏ.
Theo Nguoiduatin