>> Ly kỳ những vụ bắt tội phạm bị truy nã
>> Ly kỳ những vụ chết đi sống lại
>> Ly kỳ cây sanh 14 tỷ của Ngô Đình Cẩn
>> Ly kỳ chuyện câu “thủy quái” ở Đảo Cò
Về Đường Lâm, qua khỏi cổng làng Mông Phụ, dừng xe tránh nắng ở quán nước dưới gốc đa trước cầu Cam Lâm, vừa dợm hỏi thì cô bán hàng đã chỉ ngay vào anh chàng tầm 30 tuổi ngồi ghế bên: "Đây này, cứ đi theo anh này, cũng từ nơi xa về xin sữa cho vợ đấy!".
Một bầu sữa huyền thoại
Từ cầu Cam Lâm, đường vào Giếng Sữa phải đi qua Đình thờ Bố cái đại vương Phùng Hưng và Lăng Ngô Quyền. Hai ven đường đồi gò san sát như bát úp.
Con đường huyền thoại, mẹ Âu Cơ dẫn 50 con lên non, gặp cơn nắng cháy đã lấy gậy chọc thành giếng lấy sữa cho con uống để có sức mạnh tiếp tục hành trình |
Cách rặng duối cổ thụ khoảng 200m có một tấm bia xi măng to ghi hai chữ Đền Mẫu, rẽ trái là đồi Hổ gầm. Dân địa phương quen gọi Đồi Gầm. Tương truyền nơi đây gần ngàn năm trước, cụ Phùng Hưng ở tuổi tráng niên đã tay không đấm chết mãnh hổ.
Đi sâu vào lòng đồi, tầm hơn 200 mét nữa chúng tôi gặp một ngã ba. Rẽ sang trái là ngôi đền thiêng thờ thánh mẫu Lê Thị Lan và em trai Lê Anh Tuấn, người đất Đông Sàng, đều là tướng giỏi của Hai bà Trưng được dân làng nơi đây lập miếu phụng thờ. Rẽ phải 50 mét nữa, chúng tôi tận mắt nhìn thấy Giếng Sữa huyền thoại, hay người ta còn gọi là Giếng Sữa Chuông Sa.
Ngôi miếu với tường đá ong, mái lợp ngói ri, tựa đồi nhìn xuống một lòng giếng nhỏ - bầu sữa huyền thoại |
Trong khuôn viên nhỏ dưới những tán lá cổ thụ, một ngôi miếu, cao khoảng hơn mét, rộng chừng 2 mét. Ngôi miếu với tường đá ong, mái lợp ngói ri (ngói mũi nhỏ) tựa lưng vào vách đồi nhìn xuống một lòng giếng nhỏ, ước lớn hơn vành nón lá. Từ đáy giếng vòng quanh lên tang giếng là những viên đá ong xếp dọc, thời gian mưa nắng đã lưu lại những rêu phong.
Nhìn từ trên xuống, lòng giếng ăm ắp nước, chỉ cần cầm chiếc gáo nhỏ, ngồi xuống mà thò tay đã có thể múc nước lên. Nước Giếng Sữa trong vắt, vị ngọt mát vô cùng. Điều kỳ lạ là mực nước của giếng chênh lệch mặt ruộng dưới con rộc mé ngoài hơn một mét nhưng giếng không bao giờ cạn. Quanh năm nước giếng ăm ắp đầy.
Ai đã tạo ra giếng nước kỳ diệu này? Theo lời kể của các cụ cao tuổi làng Cam Lâm thì Giếng Sữa đã có ngàn năm tuổi, nhưng không ai lý giải được nguồn gốc của chiếc giếng và sự thật vẫn che phủ bởi một điều gì thần bí.
Sự ra đời của bầu sữa vĩ đại vẫn còn nhiều điều huyền bí |
Người thì kể huyền thoại Mẹ Âu cơ dẫn năm mươi con lên rừng, qua vùng Đường Lâm gặp cơn nắng cháy đã chọc gậy thành giếng, cấp nguồn nước cho con mình đủ sức mạnh cho cuộc hành trình về non cao.
Người lại kể huyền thoại nữ tướng Lê Thị Lan của Hai bà Trưng, trên đường về thăm quê gặp mẹ con người hành khất, đứa trẻ khát sữa khóc ngằn ngặt trên tay. Bà liền cầm kiếm vạch đất và một tia nước vọt lên.
Kỳ diệu thay, khi người mẹ uống nước này và vuốt vài giọt cho con mình uống, dòng nước mát ngọt đã khiến má trẻ hồng hào, và bầu sữa bỗng căng mọng.
Người lại cho rằng nữ tướng Lê Thị Lan đã tạo ra dòng sữa cho những đứa trẻ hành khất khát |
Huyền thoại là vậy, và thực tế vẫn chứa đựng phép màu khó lý giải, bao trăm năm nay, hàng năm vẫn có nhiều bà mẹ hoặc người nhà về ngôi miếu nhỏ làm lễ, xin nước giếng sữa về nấu cháo, uống nước. Cứ 10 người đến thì khoảng 8 người quay về trả lễ chỉ sau 3 ngày. Nghĩa là “cầu được ước thấy” và sữa đã về!
Chiều uống nước tối bầu ngực căng tràn
Điều kỳ lạ là người trong làng đến Giếng Sữa cầu xin thường không linh ứng. Còn ngoài làng, ai đến cầu đều như nguyện cả. Có người lý giải vì người làng đã hưởng lộc từ khách thập phương, là các vật phẩm dâng cúng để lại nên không thể xin được sữa từ giếng này, giống như kiểu các bậc “bề trên” đã ban phát công bằng.
Bà cụ quán nước kể rằng, chính con bà đã tìm thấy dòng sữa sau khi uống nước ở giếng |
Người đến cầu xin sữa tại miếu thờ nếu không theo đúng nghi lễ cũng khó được như lòng mong muốn. Xưa kia, các chị các mẹ đến Giếng Sữa cầu xin phải thành tâm và biện lễ thủ lợn.
Anh bạn đi cùng cho biết: “Nhiều người không tin, đến xin theo kiểu được thì được không được cũng không sao, thì chẳng bao giờ được. Giếng này thiêng lắm, nó như hiểu được cảm nghĩ của từng người đấy”.
Theo các lão cao niên trong làng, người đến hành lễ phải bỏ “tiền hành sai” đặt theo “vía” đứa trẻ. Trai thì tiền 7 tờ, gái tiền 9 tờ. Sau đó nhờ cụ thủ đền Đền Mẫu giúp đọc lời văn cúng. Về nhà đem nước xin từ giếng về nấu cháo và làm nước uống cho bà mẹ trẻ. Chậm nhất 3 ngày sữa mẹ sẽ đầy ắp.
Diệu kỳ, nhiều người chiều uống nước, tối má ửng hồng, bầu ngực căng tràn dòng sữa mát cho con bú |
“Đúng rồi đấy chú ạ! Ngày trước con dâu tôi đẻ con so, bị tắc sữa, con đói khóc cả ngày. Tôi lên đây lấy nước về cho nó uống. Lạ thay chỉ sau vài giờ là có”, cụ Tứ, bán quán nước cạnh giếng, móm mém nhai trầu thủ thỉ.
Xung quanh câu chuyện giếng sữa này, có khá nhiều câu chuyện thú vị lạ lùng. Một anh người Tích Giang vợ đẻ mà con khát sữa gặp bạn vùng Đường Lâm mách bảo. Vốn không tin vào những điều huyền bí, nhưng nghĩ đến cảnh con thơ thiếu sữa đành “thử” cầu xin.
Theo đúng lời hướng dẫn, sau khi dùng nước Giếng Sữa nấu cháo cho vợ ăn bữa chiều, nửa đêm vợ kêu tức vú và hai bầu ngực đã căng tràn sữa. Anh nọ xanh mắt sắm lễ tạ và sám hối trước thánh thần.
Đến bầu vú mẹ lễ xong phải để lại lễ vật, nếu không sẽ không linh ứng |
Ngày trước thì thế, nay người ta thay đổi, có thể xôi gà, có thể bánh kẹo tùy tâm. Tuy nhiên, lễ vật cúng xong phải bỏ lại, chỉ mang về chút lộc gọi là. Dân làng, mục đồng đi qua cứ vô tư ăn uống. Lễ vật càng nhiều người ăn, sữa mẹ về càng nhiều.
Câu chuyện xung quanh Giếng Sữa vô vàn điều thú vị. Anh bạn đi cùng thủ thỉ: “Kỳ lạ thay! Phải chăng vùng địa linh nhân kiệt mới có thể sản sinh một mạch nguồn ngọt mát như Giếng Sữa - bầu vú mẹ thiên nhiên ban tặng cho người vùng đất hai Vua”.
Theo VTC news