Bóng ma "Khổng Tử" vẫn ám ảnh giáo dục

Thứ tư, 18/07/2012, 08:08
  Cách người Việt “vô tư” chấp nhận lo lót, chạy cho con vào trường điểm, lớp chuyên, cho con học thêm ở chính cô đang dạy con mình… đang làm sâu sắc cảm nhận “bị cái ma học nó ám” trong xã hội từng chịu ảnh hưởng đạo Khổng/Nho giáo.

>>Thứ trưởng Giáo dục: ’Không có chuyện lộ đề thi Toán’
>>Báo Mỹ: Nỗi phiền muộn của giáo dục Việt Nam
>>Ngành giáo dục ngày càng tuột dốc không phanh?
>>“Nền giáo dục nước mình còn… nghênh ngang lắm”

Trong một bài viết của AP đề cập sự kiện “đạp đổ cổng trường thực nghiệm” có câu: “Ở đất nước chịu ảnh hưởng Khổng giáo này cái sự học là nỗi ám ảnh toàn dân (In this Confucian nation where education is a national obsession…)”. Bài được dịch đăng tải trên nhiều báo Việt, với một số đoạn lược dịch.
 
Học giả quốc tế đều không giấu sự hoài nghi cả về sự tồn tại của ông Khổng Tử, cũng như không loại trừ rằng nhiều cánh nhánh đã được cài cắm thêm vào cây đại thụ tư tưởng của ông thánh không thành đạt lúc sinh thời này.
 
Trò phải an phận bình đựng kiến thức “đã chín kỹ”
 
Một cỡ giầy cho mọi cỡ chân
 
Học giả hiện đại Đông Âu nghiên cứu về Khổng giáo nhằm giải thích vì sao hệ tư tưởng này lại có ảnh hưởng mạnh đến thế ở Trung Quốc cả ngày nay, và gần đây lại được rót vào bình mới, thành học thuyết “xã hội hài hoà” cho Trung Quốc đầu thiên niên kỷ mới, để điều chỉnh những va đập lợi ích…
 
Theo học giả Đông Âu, hệ lụy của tư tưởng Khổng giáo đối với giáo dục là sự đúc sẵn cho từng thân phận trong xã hội một thứ khuôn phép, dẫu là trò trong quan hệ với thầy, con trong quan hệ đối với cha, thần dân trong quan hệ với kẻ cai trị, hay cấp dưới với cấp trên...
 
“Một trong những cơ sở trật tự xã hội, theo Khổng giáo - là sự phục tùng tuyệt đối người trên. Phải tuân thủ ý chí, lời dặn, nguyện vọng của người trên một cách mù quáng, đó là đòi hỏi thông thường kẻ dưới - người trên; của thuộc cấp với thượng cấp, của mỗi thần dân trong phạm vi vương quốc, của từng người trong phạm vi họ tộc, gia đình. Khổng Tử cho rằng quốc gia, nhà nước là một thứ gia đình lớn”, với vua là “con trời”, quan là “cha mẹ dân”… Ông cho gia đình là (vương) quốc nhỏ…”- nơi quá khứ quan trọng hơn tương lai, quyết định hiện tại và tương lai.
 
Cho rằng người dân thường (thời cổ đại) chủ yếu là vô học, thậm chí không hiểu được là mình cần gì, Khổng Tử viết: “Cần phải bắt nhân dân đi theo con đưởng họ phải đi, mà không cần giải thích cho họ làm thế để làm gì” .
 
Sự nhấn mạnh các giá trị của gia đình, họ mạc dẫn tới xu thế càng đẻ nhiều càng vui, và xu hướng họ hàng nâng đỡ, nhờ cậy lẫn nhau...
 
Về tâm lý trẻ em dưới ảnh hưởng đạo Khổng/Nho giáo, các tác giả Đông Âu viết: “Đi chệch ra khỏi các khuôn đúc sẵn là không được phép. Không chấp nhận một ngoại lệ, một chơi trội, một bản sắc riêng, một xuất chúng về đầu óc; không một lý thuyết nào được tỏ ra cao siêu hơn (đạo Khổng) có quyền tồn tại trong nền văn minh Khổng giáo.

Các quy chế về sùng bái người đi trước là vô cùng khe khắt, và một cách giáo dục như thế trấn áp mọi thiên hướng cá nhân ngay từ khi còn nhỏ tuổi.

Ngay từ tấm bé, mỗi cá thể phải làm cho mình quen đi với các thang giá trị , rằng cá tính, nội tâm, “cái tôi” chẳng là gì với khuôn phép dùng chung, đã được thiết kế hợp lý (từ thời cổ đại), và là bắt buộc cho tất cả”.

 
Vòng luẩn quẩn
 
Nhiều tác giả Tây Âu khảo sát quan hệ họ hàng trong văn minh Khổng/Nho giáo, mối quan hệ của tư tưởng đạo Khổng với tệ nepotism (thói đời của một số người có quyền lực hoặc có ảnh hưởng, tìm mọi cách ưu đãi bà con thân thuộc của mình, nhất là cho họ công ăn việc làm…), cũng là một hình thức tham nhũng về chính trị.
 
Một số tác giả phương Tây cho rằng đạo Khổng, dù không ra mặt, đã hỗ trợ tham nhũng, vì lẩn tránh các giá trị của pháp luật (pháp trị).

Hệ thống thi cử của phong kiến châu Á cho phép cả những ai giỏi học vẹt (“thuộc làu kinh sử”) qua được các kỳ thi để trở thành quan chức, rồi “cả họ được nhờ”, cả về danh lẫn lợi. Nhưng khoa cử là con đường tiến thân duy nhất, khiến có những sĩ tử suốt đời lọ mọ đi thi.

 
“Lều chõng” còn là thứ đòn bẩy cho tham nhũng. Vì một chế độ tuyển chọn nhân tài kiểu “học gạo” với những kiến thức phô trương, bay bướm, chỉ cốt sao không phạm huý; một cách phân bố nhân sự kiểu “nepotism” (cổ cánh) làm cho dẫn đến một quan trường kém tài và nhũng nhiễu, như người Pháp tổng kết.

Kết quả là kinh tế phát triển kém, lương công chức thấp, kết quả là công chức, trong cái vòng luẩn quẩn ấy, lại càng ngập sâu vào tham nhũng và o bế họ hàng, kéo bè kết cánh …

 
Di căn qua chữ “lễ”
 
Tư tưởng Khổng giáo nguyên nhân chính đã làm cho Trung Quốc không phát triển được suốt 2000 năm, vì Khổng giáo (Nho giáo), là trụ cột cho chế độ phong kiến (chuyên chế gia đình trị, bóc lột, tham nhũng).

Khổng tử còn đề xướng “lễ trị”để củng cố tôn ti trật tự phong kiến, cho dù gốc của lễ nghĩa phải là sự tự giác, các quy tắc lễ nghĩa là những giá trị tinh thần, không thể là một “bộ luật” bắt buộc.

 
Chữ “lễ” trong Khổng giáo nhấn mạnh quá mức các quan hệ họ hàng, thân tộc, tính cục bộ địa phương, áp đặt sự phục tùng các tầng trên trong đại gia đình đa thế hệ, trong các phường hội đồng hương. Ưu tiên dòng dõi, di sản chính trị (“con vua lại làm vua”), không trọng tài đức, đóng góp của “người dưng”. …
 
Từ “phú quý sinh lễ nghĩa” củng cố hình thái “gia đình trị” trong quản trị, ra mặt hoặc ngấm ngầm. Lễ nghĩa họ hàng, đồng hương biện minh cho các vận động, giật dây, đưa những người cùng huyết thống, cùng quê, lên các cương vị lẽ ra phải được khách quan lựa chọn để dành cho những người có tài đức, công tâm.

Nhấn mạnh tuổi tác, quá khứ, thâm niên, dẫn đến nếu có tài đức bằng nhau thì người già lại được chọn. Kết quả của thứ “lễ giáo” này là một thứ “vườn ươm” tham nhũng, cơ hội, bè cánh, bao che, thủ cựu…

 
Áp đặt tư duy từ trên xuống, tuyển chọn viên chức thuần tuý qua sát hạch lý thuyết suông, ngấm ngầm “nhất bên trọng” về lợi ích cục bộ của huyết thống và sinh quán, đặt riêng tư trên luật pháp… là nguyên nhân gây tê liệt chức năng nền giáo dục, nền kinh tế - là gốc rễ truyền nhiễm tham nhũng từ đời này sang đời khác ở các nước từng chịu ảnh hưởng của đạo Khổng.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn