Thấy bệnh nhân hỏi han lằng nhằng, cô phiên dịch và bác sĩ người Trung Quốc ở phòng khám Maria Thái Thịnh (Hà Nội) nói với nhau bằng tiếng Trung: “Giải quyết con này nhanh còn cho đứa khác vào…”
Tháng 12/2011, sau khi xem quảng cáo rất hay trên truyền hình, chị Nguyễn Mai Ly ở Hoàn Kiếm, Hà Nội có đưa một người bạn thân cùng cơ quan với chị (công tác trong quân đội) đi khám tại phòng khám Maria. Người bạn của chị bị đứt dây vòng tránh thai.
“Giải quyết con này nhanh còn cho đứa khác vào…”
"Khi vào khám, chúng tôi được một bác sĩ nữ người Trung Quốc và một phiên dịch viên tiếp, tôi nhớ không nhầm tên phiên dịch viên là Trang. Tôi khá bất ngờ vì thái độ của cô phiên dịch viên này - rất xấc xược với bệnh nhân. Cô ta hất hàm, lỳ lỳ chẳng nói chẳng rằng như kiểu mình là người ban phát, còn tụi tôi có bệnh thì phải khúm núm qụy lụy vậy".
Tuy nhiên, điều làm chị Ly bất ngờ nhất là vị bác sĩ Trung Quốc chỉ hỏi bệnh qua loa vài câu; sau đó cô phiên dịch lo hết, từ việc tự tay tích vào phiếu chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân đến việc hướng dẫn bệnh nhân xét nghiệm thế nào.
“Tôi thấy băn khoăn vì phiên dịch chỉ có nhiệm vụ diễn đạt ý giữa bác sĩ và bệnh nhân. Vậy mà cô ta lại đang làm công việc của một bác sĩ”, chị Ly tiếp tục phân trần.
Phiếu chỉ định xét nghiệm cho thấy, có khoảng 10 xét nghiệm cần phải thực hiện, bao gồm: xét nghiệm nước tiểu, thử máu, nang sán… Tổng số tiền xét nghiệm hết hơn 1 triệu đồng.
Chị Nguyễn Mai Ly.
Với phiếu xét nghiệm này, chị Mai Ly cứ đi từ băn khoăn này đến băn khoăn khác: Chỉ kiểm tra xem có bị viêm nhiễm gì do đặt vòng không thôi mà sao phải thử máu, xét nghiệm nang sán (trong khi nang sán chỉ làm để kiểm tra có vô sinh hay không?).
"Thấy bất thường, tôi liền nháy chị bạn và bảo: 'Chết, chúng tôi thiếu tiền nên có gì sẽ quay lại phòng khám sau'. Ngay lập tức, cô y tá nói rất nhẹ nhàng: 'Em có bao tiền? Không sao đâu, chị sẽ miễn phí cho em khâu xét nghiệm nước tiểu nhé, vậy của em chỉ còn 900 nghìn thôi. Em khám thì khám luôn đi, vì cũng bị viêm nhiễm nặng rồi, để lâu sẽ chuyển sang ung thư đấy!'.
Nghe vậy, bạn chị Ly hoảng hốt, thế là quyết định làm xét nghiệm luôn. Và kết quả cho thấy, bạn chị Ly bị viêm âm đạo rất nặng, viêm cổ tử cung lộ tuyến nặng, có nguy cơ ung thư, vô sinh… Giải pháp duy nhất là chữa kết hợp đặt thuốc, sục ozzon, uống thuốc, và phải dùng dao Leep…
“Chị bạn tôi gần như suy sụp sau khi nghe phiên dịch thuật lại lời vị bác sĩ Trung Quốc phán”, chị Ly kể.
Qua tìm hiểu trên mạng và xem một số tài liệu y học, chị Ly được biết, phương pháp dao Leep chỉ sử dụng với các ca nặng. Người ta sẽ dùng một con dao vào cạo hết những lớp xù xì ở cổ tử cung và nó cực kì ảnh hưởng tới tử cung. Thường thì đây là biện pháp cuối cùng trong việc chữa trị viêm cổ tử cung lộ tuyến.
Sau này có thời gian vào các diễn đàn trên mạng, chị Ly còn được biết, đa số các bệnh nhân chữa viêm cổ tử cung lộ tuyến ở đây đều được yêu cầu sử dụng phương pháp này mà không cần biết bệnh nặng hay nhẹ.
Vì không phải là người trực tiếp đi khám bệnh nên tôi khá tỉnh táo, liền gạt chị bạn sang để hỏi bác sĩ và cô phiên dịch: “Vậy tổng chi phí là bao nhiêu?". Cô phiên dịch thay mặt bác sĩ trả lời và cũng rất mập mờ “khoảng vài triệu”. Chị lại hỏi: "Vài triệu là khoảng mấy triệu, điều trị xong là khỏi hẳn đúng không?". Cô phiên dịch tiếp: “Không thể nói trước được là bao lâu mới khỏi, còn tùy vào từng cơ địa, tùy từng bệnh nhân”.
Điều làm chị Ly sốc nhất là ngay sau khi trả lời bệnh nhân, cô phiên dịch quay sang trao đổi với vị bác sĩ người Trung Quốc bằng tiếng Trung, trong khi chị Ly cũng học và thông thạo tiếng Trung nên hiểu được câu chuyện: “Giải quyết con này nhanh còn cho đứa khác vào…”.
"Nghe đến đây, tôi một mực lôi chị bạn ra khỏi phòng khám Maria ngay lập tức", chị Ly không giữ nổi bình tĩnh khi kể lại.
60 triệu để giữ được thai dù đã uống thuốc kháng sinh
Để bạn mình yên tâm, chị Mai Ly đưa bạn đến xếp hàng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và chờ khám. Mặc dù phải xếp hàng rất lâu nhưng cuối cùng, chị Ly và bạn thở phào vì bác sĩ kết luận: Chẳng có bệnh tật gì, chỉ bị viêm rất nhẹ, đặt thuốc vài ngày là khỏi. Còn lộ tuyến thì chỉ cần đốt mất 5 phút là xong.
“Tổng chi phí từ khám đến đốt, mua thuốc… chỉ hết hơn 1 triệu đồng và bệnh của bạn tôi thì khỏi hoàn toàn”, chị Ly kể.
Chưa hết bức xúc, chị Mai Ly còn kể tiếp cho chúng tôi nghe về một trường hợp bệnh nhân mà chị gặp tại phòng khám Maria trong lúc ngồi chờ đợi bạn mình. Đó là một sản phụ ở Quảng Ninh, cũng xem quảng cáo trên truyền hình nên lặn lội lên khám.
Phòng khám Maria - nơi xảy ra vụ tử vong bất thường của
bệnh nhân Nguyễn Thu Phong đêm 14/7.
Chị phụ nữ này hiếm muộn nên mãi mới có thai và đang mang thai 8 tuần. Do không biết mình có thai nên chị đã trót uống thuốc kháng sinh và đi khám dưới Quảng Ninh, bác sĩ đã kết luận là không giữ được thai nhi.
“Tôi không biết lương tâm của phòng khám này bị tha đi đâu rồi mà họ dám khẳng định với chị ấy rằng, giữ được thai nhưng phải mất 60 triệu”, chị Mai Ly bức xúc. Ngay lập tức, chị Mai Ly liền khuyên người phụ nữ này vào bệnh viên trung ương để các bác sĩ kiểm tra lại.
Mang câu chuyện này đến hỏi các chuyên gia phụ khoa, phóng viên được biết: Nếu sản phụ trót uống thuốc kháng sinh thì buộc phải bỏ thai nhi, nếu không, thai nhi sẽ bị dị tật!