Tại huyện Tiên Yên, từ Quốc lộ 18A, thuộc xã Đông Ngũ vào xã Đại Dực khoảng 10km, khoảng hơn chục điểm thu gom lá cây rừng kiểu này.
Chị Lý Thị Mai thu gom lá Chu - Ka bán
Chị Lý Thị Mai (45 tuổi, ngụ thôn Đông Hồng, xã Đông Ngũ) cho biết trên Dân Việt, cách đây khoảng 1 tháng, một người chị họ làm ăn ở vùng biên về nhà bảo, chị đang thu gom lá Chu-Ka để bán cho thương nhân Trung Quốc.
Được biết, giá lá tươi mua từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg về phơi khô bán với giá 14.000 đến 22.000 đồng/kg. Trừ công sức bỏ ra cũng có lãi từ 3.000 đến 6.000 đồng/kg.
Từ đó, vợ chồng chị Mai bỏ bê việc đồng áng đi vào rừng thu gom lá Chu-Ka về bán. Mỗi ngày, chồng chị thu gom được khoảng hơn 1 tạ lá.
Sau vài tháng thu gom, chị Lý Thị Mai tính toán hiệu quả gấp nhiều lần so với việc làm đồng nên từ già đến trẻ trong xã đều háo hức vào rừng tuốt lá.
Người dân thôn Đông Hồng kể việc bán lá kiếm bộn tiền nhưng thu gom được lá thì rất khó khăn. Sau một vài trường hợp trèo cây tuốt lá bị ngã, nhiều người đã dùng dao đốn hạ cây rừng để lấy lá.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tình trạng thu gom lá Chu – Ka bất thường diễn ra ồ ạt tại các khu vực miền đông gồm Huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, TP. Móng Cái.
Tại Đông Ngũ chỉ có khoảng 500ha rừng tự nhiên nên việc thu gom lá này, bà con phải đi lấn sang nhiều cánh rừng lân cận để tìm lá.
Trước tình trạng này, ngày 1/11, UBND tỉnh đã có điện khẩn chỉ đạo cơ quan kiểm lâm và các thành phố, huyện miền đông kiểm tra, xác định rõ động cơ thu mua này báo cáo tỉnh xử lý.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2012, nghe tin tư thương Trung Quốc "mở cửa" thu mua rễ cây sim, hàng nghìn người dân ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đổ xô lên đồi, rừng đào bới, kiếm rễ, chất lên xe công nông, xe bán tải xuất bán sang bên kia biên giới.
Do nhiều người khai thác, cây sim biến mất khỏi đồi, núi ven thôn, bản, bà con phải tìm đến vùng sâu, vùng xa kiếm tìm.
Nhiều xã ở huyện Lộc Bình cũng diễn ra cảnh tương tự, như các xã: Tam Gia, Xuân Dương, Tú Đoạn, Xuân Mãn, Khuất Xá...
Sim có tác dụng giữ đất, nước, chống xói mòn, trôi màu, là thảm thực vật quan trọng giữ nguồn nước biên giới.
Trước đây, chúng ta cũng đã có bài học về việc đua nhau khai thác lấy rễ cây hồi, râu ngô, móng trâu, bán sang bên kia biên giới, ảnh hưởng đến môi trường, mất an ninh lương thực, cây đặc sản và dược liệu quý.
Chưa biết những thương lái mua lá cây Chu – Ka với mục đích gì, nhưng trước đó những đầu nậu Trung Quốc đã khiến người dân điêu đứng khi liên tục thu mua đỉa, khuyến khích người dân Hà Tĩnh tận diệt ong bầu.