“Bội thực” thông tin về thực phẩm “bẩn"

Thứ hai, 22/10/2012, 07:49
Đó là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Để có bữa ăn an toàn cho mọi nhà”, do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức mới đây. Theo đó, tình trạng thực phẩm ô nhiễm trên thị trường rất phức tạp, tuy nhiên người dân cũng không nên hoang mang bởi có rất nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến lĩnh vực này.

>>Thực phẩm nhiễm độc được bán ở nhiều chợ 
>>Tràn lan chất tẩy thực phẩm khô
>>Clip: Loạn xạ thực phẩm chức năng
>>8 năm nữa, thực phẩm mới hết... “bẩn”

Mối nguy nhiều nhưng chưa đáng ngại?

Liên tiếp những thông tin về thực phẩm mất an toàn như hoa quả có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, gà thải ở nước ngoài được nhập về bày bán trong các siêu thị, hàng tấn nội tạng động vật đã thối hỏng được tuồn qua biên giới, ấu trùng đỉa có trong sữa và một số đồ ăn… xuất hiện dồn dập thời gian gần đây khiến người dân rất hoang mang.

Cũng vì thế, mở đầu cuộc tọa đàm, các chuyên gia về ATVSTP đã được yêu cầu trả lời một câu hỏi hết sức thẳng thắn: Có phải hiện nay, tất cả các thực phẩm đều có nguy cơ gây hại sức khỏe không? Đại diện các cơ quan quản lý thừa nhận, những thông tin dồn dập như vậy khiến cộng đồng lo lắng, tuy nhiên để khẳng định cần phải có số liệu thống kê, bằng chứng khoa học cụ thể.

Chẳng hạn, với thông tin hoa quả nhập khẩu để hàng tháng không hư hỏng, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản - Bộ NN&PTNT cho biết, qua lấy mẫu thực phẩm giám sát trong 3 năm gần đây, tỷ lệ rau quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép dao động từ 4,4 đến 6,44%, tỷ lệ thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép chiếm 30%.

 
tan.jpg - 41.05 KB
 
Thanh tra y tế Hà Nội lấy mẫu thực phẩm ở chợ Nghĩa Tân để kiểm nghiệm

Riêng về hoa quả, vừa rồi Cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện 14/558 mẫu các loại quả có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP – Bộ Y tế bổ sung: “Không thể nghĩ quả táo, quả cam có gì đấy thì mới có thể để được lâu, mà phải qua kiểm nghiệm. Chúng ta không nên phỏng đoán, đánh giá theo cảm quan”.

Ông Phong nhấn mạnh “rõ ràng tỷ lệ ô nhiễm tại Việt Nam là có nhưng so với các nước trong khu vực thì cũng không đáng lo ngại”. 

Hay như các thông tin về việc có đỉa trong sữa, hoa quả, thực phẩm ăn sẵn… các chuyên gia đều khẳng định việc đỉa trong sữa đã tiệt trùng là khó có thể xảy ra và rằng những thông tin kiểu này cần phải được thẩm định.

Theo ông Phong, một sản phẩm sữa, thực phẩm khi vận chuyển, bảo quản mà không tuân thủ đúng các quy định thì vi sinh vật rất dễ xâm nhập, thậm chí sinh ấu trùng. Nếu chỉ căn cứ vào một sản phẩm có ấu trùng mà kết luận như vậy là không thỏa đáng.

Tương tự, với thông tin gà thải từ Hàn Quốc được nhập về bán tại siêu thị, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C cho rằng, cần phải kiểm tra trong phòng thí nghiệm thì mới có thể kết luận chính thức. “Big C đã tạm dừng bán mặt hàng này để chờ kết luận, nếu kết quả khẳng định thịt gà này không đảm bảo thì sẽ dừng bán vĩnh viễn” – ông Dũng cho biết.

Người dân nên tự phòng bệnh

Thống kê của ngành y tế cho thấy, mỗi năm cả nước xảy ra hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm với khoảng 5.000 người phải nhập viện. Con số này ước lượng có thể lớn hơn rất nhiều bởi hiện chúng ta không có hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và ngay cả các nước có hệ thống giám sát đầy đủ thì các trường hợp ghi nhận cũng chỉ bằng 10% so với thực tế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong bình luận: “Hoa Kỳ có gần 300 triệu dân, với điều kiện kinh tế cao, mà một năm có 75- 76 triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm, trong khi đó Việt Nam có gần 90 triệu dân, con số thống kê về ngộ độc thực phẩm như thế thực sự là rất ít”. 

Ông Phong phân tích, nước ta có hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, do đó không thể vì an toàn mà dẹp hết. Việc đảm bảo ATVSTP phải phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của từng thời kỳ.

Ông Phong khuyến cáo, người tiêu dùng nên cố gắng mua thực phẩm, sản phẩm nông sản của những cơ sở đã được chứng nhận. Còn nếu không có điều kiện, phải sử dụng sản phẩm ở chợ cóc, chợ lẻ thì phải ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ quả… vì tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật có thể xử lý bằng rửa trôi và thực hiện tốt ăn chín uống sôi.

 
Theo ANTD

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn