>> Việt Nam triệu đại diện Trung Quốc để phản đối vụ Bình Minh 02
>> Tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02
TS Trần Công Trục. Ảnh: MĐ |
Đó là quan điểm của TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ khi đề cập hành động tàu đánh cá Trung Quốc làm đứt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam – PVN) ngày 30.11. Ông Trục nói: Tôi không bất ngờ trước động thái của Trung Quốc.
TS Trần Công Trục phân tích thêm: sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 và sau diễn biến tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 tại Phnom Penh (Campuchia), Trung Quốc ồ ạt thực hiện rất nhiều hoạt động gần như trên tất cả các lĩnh vực: Đầu tiên là việc in đường lưỡi bò lên hộ chiếu.
Và trước đó là thành lập Thành phố Tam Sa, rồi xuất bản tập bản đồ về thành phố này. Họ cũng cho phép tỉnh Hải Nam quản lý thành phố này, đưa ra các quy định có quyền kiểm tra, kiểm soát, trục xuất các tàu thuyền của nước ngoài khi hoạt động trong vùng biển này. Họ cũng đẩy mạnh các hoạt động thăm dò dầu khí, đưa tàu cá xuống vùng Biển Đông.
“Những điều này chắc chắn đã được Trung Quốc tính toán rất kỹ lưỡng cả trên phương diện pháp lý và thực tế. Hàng loạt hành động này xảy ra rõ ràng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà đều là những tính toán có bài bản, có kế hoạch tác chiến hẳn hoi”, TS Trục đánh giá.
Tàu Bình Minh 02 của PVN bị tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp ngày 30/11 (Dẫn ảnh: Petro Times) |
TS Trục cho rằng, ông không ngạc nhiên bởi trước đó, Trung Quốc đã rao giảng: “Trung Quốc sẵn sàng làm mọi việc để tất cả cùng ngồi lại đàm phán hòa bình, đưa ra những bộ quy tắc ứng xử làm cơ sở giải quyết những tranh chấp, để những tranh chấp này không bùng nổ và làm rối thêm tình hình”. Thế nhưng ngay sau đó, họ lại đổ tội cho các nước thành viên ASEAN là do "các anh không tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử DOC nên Trung Quốc chưa thể ngồi vào bàn đàm phán”.
“Chúng ta không thể hy vọng vào thiện chí của họ mà ngay lúc này phải có những ứng xử phù hợp, đảm bảo cho sự đoàn kết, hợp tác và tinh thần của việc đàm phán hòa bình, giải quyết tranh chấp theo đúng nguyện vọng của các nước trong khu vực và thế giới”, TS Trục khẳng định.
Về phía Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Biên giới chính phủ cho rằng, rõ ràng Việt Nam trước sau vẫn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam luôn có thái độ phản đối bất kỳ hành động nào, kể cả quân sự nhằm gây căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông.
“Chúng ta luôn khẳng định rằng chúng ta không bao giờ từ bỏ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với những quần đảo này. Việt Nam có vai trò rất lớn trong khu vực này vì chúng ta là nước ven biển, tiếp giáp, đối diện với Trung Quốc trên vùng Biển Đông với 3.200km ven biển. Do vậy, đối tượng chính để Trung Quốc nhằm vào tất nhiên là Việt Nam.
Nhưng không chỉ Việt Nam mà Philippines cũng là đối tượng của họ. Chúng ta hẳn còn nhớ vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, cho đến nay Trung Quốc vẫn duy trì lực lượng tại khu vực này, trong khi Philippines không còn lực lượng tại đây”, TS Trục nhấn mạnh.
“Với tất cả những hành động của Trung Quốc, theo tôi không phải vì thế mà chúng ta nhụt chí. Đây là hành động rất nguy hiểm vì Trung Quốc muốn tạo ra sự tranh chấp tại những vùng không có tranh chấp. Như vậy, chí ít trước mắt họ làm nhụt ý chí của những đối tác muốn làm ăn với Việt Nam. Thực tế họ đã làm được điều đó. Đó là điều chúng ta cần lưu ý. Và muốn không lặp lại tình trạng đó, Việt Nam và cả những nước trong khu vực phải có hành động cụ thể làm cho các đối tác thế giới hiểu rõ hơn, vững tâm hơn.
Chúng ta cũng cần có chính sách hỗ trợ khi đối tác của Việt Nam muốn làm ăn tại khu vực này. Tất cả những cái đó phụ thuộc vào lãnh đạo của Đảng và Nhà nước của chúng ta. Sự lobby, sự vận động của Trung Quốc, họ làm nhiều lắm, trong tình hình đó nếu chúng ta không có chính sách cần thiết thì sẽ bị thua thiệt nhiều”, ông Trục cảnh báo.
Theo ĐVO