Người Trung Quốc chạy nước rút trước 'ngày tận thế'
Thứ bảy, 08/12/2012, 18:24
Đóng thuyền 'cứu sinh', quyên hết gia tài làm từ thiện hay đua nhau mua nến về dự trữ là những cách mà người dân Trung Quốc đang làm để chuẩn bị cho "ngày tận thế" mà họ tin sắp xảy ra.
Nến trở thành mặt hàng "gây sốt" ở Tứ Xuyên. Ảnh: Whatsonningbo
Theo Telegraph, tại tỉnh Tứ Xuyên, người dân đổ xô đi mua nến về tích trữ, phòng khi lời tiên tri của người Maya cổ đại về ngày tận thế 21/12 xảy ra.
"Hàng trăm cây nến đã được bán đi, khách hàng liên tục đổ ra chợ hỏi mua khiến nhiều tiệm cháy hàng", Huang Zhaoli, một chủ cửa hàng ở chợ Neijing nói.
Ông Li, chủ một tiệm tạp hóa ở Guangfa, thành phố Thành Đô, cho biết thêm: "Dạo này có nhiều người đến mua nến lắm. Ban đầu chúng tôi không hiểu tại sao nhưng sau đó nghe một số người bàn tán về chuyện bóng tối bao trùm trái đất".
Nguồn gốc của sự hoang mang trong người dân bắt nguồn từ một bài viết trên mạng xã hội Sina Weibo, trong đó cho rằng "thế giới sẽ bị bao phủ trong bóng tối ba ngày khi tận thế xảy ra".
Kể từ đầu tháng 12, "người Maya" đã trở thành cụm từ "hot" trên Weibo, khi hàng triệu người Trung Quốc bình thường vốn thờ ơ giờ lại đâm ra nghi ngờ, phấp phỏng. "Nếu người Maya nói đúng, tôi sẽ không thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng" là một trong những câu phổ biến nhất.
Tại Thượng Hải, cảnh sát đã phát ra một cảnh báo chung về ngày tận thế. "Tận thế chỉ là tin đồn", cảnh sát cho biết trong một thông báo trên Internet. "Đừng tin vào điều đó và đừng để bị lừa".
Một phát ngôn viên cảnh sát cho hay họ đã xử lý 25 vụ việc liên quan đến ngày tận thế chỉ trong vòng 24 giờ. Hầu hết những kẻ lừa đảo đều lợi dụng những người già cả tin, dụ dỗ họ dành hết tiền tiết kiệm để làm từ thiện như một nghĩa cử đẹp trước ngày diệt vong.
Tại Nam Kinh, vợ một giáo sư đại học 54 tuổi đã thế chấp một phần ba giá trị của căn nhà 3 triệu nhân dân tệ (gần 480.000 USD) để lấy tiền quyên góp cho các trẻ em nghèo vì muốn "làm một điều gì đó có ý nghĩa trước tận thế".
Tháng trước, một người đàn ông ở Khu tự trị Tân Cương, phía tây Trung Quốc, cũng dành hơn một triệu nhân dân tệ (hơn 160.000 USD) tiền tiết kiệm để đóng một chiếc tàu đủ chỗ cho 20 người.
Lu Zhenghai bắt đầu đóng còn tàu dài gần 20 mét từ năm 2010. "Đến thời điểm tận thế, mọi người có thể trú ngụ trong đó", Lu nói. Tuy nhiên, khi "ngày tận thế" đang đến gần, Lu cũng hết sạch tiền để hoàn thiện chiếc tàu. Lu cho biết nếu ngày tận thế không xảy ra, ông sẽ dùng con tàu này để đưa khách du lịch đi ngắm cảnh.
Ở Thành Đô, một công ty lập trình web đã tuyên bố cho các nhân viên của mình nghỉ việc trong hai ngày 19 và 20/12 tới. "Chúng tôi cho rằng họ cần dành những giây phút cuối cùng đó cho gia đình thân yêu của họ. Chúng tôi mong mọi người có một ngày tận thế ý nghĩa", công ty trên nói.
Trung Quốc chưa từng có lịch sử tin vào sự khải huyền, và làn sóng hoang tưởng hiện tại bắt đầu từ bộ phim Hollywood năm 2009 về ngày tận thế "2012". Trong khi được chào đón nồng nhiệt ở mọi nơi, bộ phim cũng thắng lớn tại Trung Quốc, khi các khán giả bị lôi cuốn vào kế hoạch xây dựng các lô cốt để cứu nhân loại của quân đội Trung Quốc trong phim.
Lu Jiehua, một giáo sư về Xã hội học, đại học Bắc Kinh, cho biết trên Global Times rằng làn sóng hoang tưởng trên phản ánh một nỗi lo lắng chung đang lan rộng trong xã hội Trung Quốc.
"Việc người dân Tứ Xuyên đổ đi mua nến không chỉ cho thấy sự sợ hãi của họ về thảm họa sắp xảy ra mà còn phản ánh sự thiếu tin tưởng của họ đối với cuộc sống và xã hội", ông nói.