GS Chu Hảo: Dưỡng nhân cách hơn "nhồi" kỹ năng

Thứ sáu, 14/12/2012, 07:24
Các trung tâm, các tổ chức hiện nay đua nhau dạy trẻ cái gọi là kỹ năng sống. Theo nhận định của GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà Xuất bản Tri thức, việc đó thực ra có hại nhiều hơn có lợi. Bởi thay vì bồi dưỡng nhân cách, tài năng cho trẻ, người ta lại chỉ chú trọng dạy trẻ cách đối phó với những vấn đề xảy ra.

Dạy trẻ để được tôn trọng

Thực tế là khi một đứa bé hay bị bắt nạt, ở lớp các cô giáo thường huấn luyện theo kiểu dạy trẻ phải nhìn thẳng vào mặt bạn và bảo bạn không được làm thế. Ở nhà bố mẹ cũng dạy như vậy, thậm chí còn dạy con phản kháng, đánh lại bạn. Như vậy, đáng lẽ bồi bổ cho trẻ nhân cách để trẻ tự giải quyết được vấn đề thì người lớn lại chỉ chú ý rèn giũa cho trẻ kỹ năng đối phó với các vấn đề xảy ra. 

"Cái đó không tốt. Lẽ ra người lớn phải dạy cho trẻ làm thế nào để được các bạn tôn trọng, chẳng hạn như con yếu về sức khoẻ nhưng nếu trí tuệ con hơn, con biết giúp đỡ các bạn, con chứng tỏ được rằng con thông minh hơn thì các bạn sẽ tôn trọng con hơn", GS Chu Hảo khẳng định.

Giáo sư nêu một trường hợp cụ thể mà ông đã đọc được trên báo nước ngoài về một bà mẹ châu Á đưa con sang Bắc Âu. Cô bé đến trường học tiểu học, nhưng vì rất rụt rè và chưa quen môi trường xã hội mới nên hay bị các bạn bắt nạt, chê cười. Người mẹ đến phàn nàn với cô giáo và được cô giáo khuyên tìm hiểu xem con giỏi cái gì thì cô giáo và gia đình sẽ hướng cho cô bé phát triển thật giỏi, thật nổi bật năng khiếu đó.

Bà mẹ về nghĩ mãi và nhận ra con có tài vẽ tranh thủy mặc, một tài lẻ mà chắc chắn không có bạn nào ở lớp biết được. Đến khi tranh của cô bé được triển lãm ở trong lớp thì các bạn hoàn toàn ngưỡng mộ và không còn bắt nạt hay chê cười cô bé nữa.

Theo GS Chu Hảo, ở những nước như nước Mỹ khuyến khích tài lẻ, tài vặt. Chẳng hạn như trường Đại học Havard không phải tuyển những học sinh giỏi nhất môn toán, lý, hóa mà tuyển những trẻ có đầu óc sáng tạo đã đành rồi nhưng đứa trẻ ấy phải có điểm mạnh riêng của mình, ví dụ như có tài chơi piano rất giỏi, hay đánh bóng chày, biết chơi bóng rổ...

"Khi chúng tôi đến Texas, hiệu trưởng của một trường tiếp chúng tôi, có gọi một học sinh người Việt đến nói chuyện. Cậu bé là đội viên đội bóng bầu dục. Mặc dù có thể nó học kém hơn đứa khác, nhưng được vào đội bóng nó hãnh diện lắm, vì nó được khẳng định tài năng của mình trước bạn bè và bạn bè trong trường, trong lớp rất nể phục nó", GS Chu Hảo chia sẻ.

hoc sinh
Nhiệm vụ của các nhà giáo dục là phải tìm ra loại hình thông minh mà trẻ phát triển nổi bật để bồi dưỡng...

7 loại hình thông minh

Trong xã hội hiện vẫn giữ quan niệm hết sức lỗi thời cho rằng một đứa trẻ thông minh là phải giỏi toán, giỏi các môn tự nhiên. Thực tế, lý thuyết về trí thông minh đa dạng được TS Howard Gardner, giáo sư về giáo dục tại Đại học Harvard đề xuất năm 1983.

Theo đó, trí thông minh, năng khiếu của mỗi người có thể xác định theo 7 loại hình, gồm năng khiếu về ngôn ngữ, thông minh logic- toán học, năng khiếu về không gian, năng khiếu âm nhạc, năng khiếu về vận động thân thể, năng khiếu về tương tác và năng khiếu về tự nhận thức bản thân hoặc nội tâm.

Theo lý thuyết này, mỗi người đều luôn sở hữu tất cả 7 loại trí thông minh, nhưng mức độ biểu hiện khác nhau. Có thể bạn đạt được mức độ thông minh cao ở một hay hai loại hình, nhưng cũng rất có thể bạn là người biểu hiện rõ ràng, đầy đủ cả 6 hoặc 7 loại trí thông minh. Cũng có người chỉ phát triển và đạt đến trình độ cao chỉ một loại trí thông minh nào đó, trong khi các loại hình thông minh khác lại phát triển chậm hơn.

 Nền giáo dục của ta không chú trọng phát huy nhân cách, tài năng của từng đứa trẻ theo từng lĩnh vực trẻ giỏi, có năng khiếu, mà chỉ nhồi nhét kiến thức chung chung và trang bị kỹ năng đối phó. Nhiệm vụ của các nhà giáo dục là phải tìm ra loại hình thông minh mà trẻ phát triển nổi bật để bồi dưỡng, giúp trẻ phát triển tài năng đó như một cách khẳng định mình để được bạn tôn trọng.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn