Trả dân “món nợ” 11 năm

Thứ tư, 02/01/2013, 07:39
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đánh dấu một bước đột phá của hoạt động Quốc hội với việc thông qua nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (viết tắt là Nghị quyết lấy PTN).

Về thực chất, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định rằng, đây không phải là vấn đề mới mà thực ra là "món nợ" mà Quốc hội đã nợ dân hơn 11 năm qua. Bởi Hiến pháp 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) tại điểm 7 Điều 84 đã quy định Quốc hội tiến hành "bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn".

phieu tin nhiem

Các đại biểu QH ấn nút thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy vậy, đã 11 năm trôi qua nhưng việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa được thực hiện. Về nguyên nhân thì có nhiều, nhưng rõ nhất là do pháp luật chưa quy định rõ các căn cứ, cơ sở để đề xuất việc bỏ phiếu tín nhiệm, cũng như chưa làm rõ mối quan hệ giữa việc đánh giá tín nhiệm cán bộ và việc bỏ phiếu tín nhiệm, chưa phân biệt tầm quan trọng và gắn kết hai quy trình lấy PTN và bỏ PTN.

Bên cạnh đó, cũng có thể do đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, tế nhị, ảnh hưởng lớn tới công tác cán bộ cấp cao - vốn từ lâu được coi là "vùng cấm" trong đời sống chính trị của nước ta - nên việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp vẫn còn lấn cấn, phải chờ thời điểm chín muồi…

“Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một “văn hóa từ chức” để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”.

Đại biểu Dương Trung Quốc

Và thời điểm chín muồi đó cũng đã tới! Cơ sở để nghị quyết được thông qua lần này, sau 11 năm "án binh bất động", có thể hiểu là do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động.

Nhưng trong số đó, nóng nhất, bức xúc nhất chính là tình trạng thoái hóa về tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức nhà nước, thậm chí là cán bộ lãnh đạo cấp cao.

Sự thoái hóa đến mức báo động này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị T.Ư 4 của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản VN và sau đó được quán triệt, triển khai thực hiện rầm rộ, rộng khắp với quy mô lớn chưa từng thấy trong toàn Đảng.

Tuy đây đó vẫn còn vài ý kiến lo ngại (và không phải không có cơ sở) rằng việc lấy PTN thường xuyên sẽ làm "vo tròn" hoạt động của các cán bộ chủ chốt, làm giảm nhiệt huyết, sự xông xáo và cống hiến của họ bởi sợ va chạm, sợ mất uy tín và thậm chí là cả… mất thời gian để tìm cán bộ thay thế, nhưng việc nghị quyết lấy PTN được Quốc hội thông qua với tỷ lệ rất cao (95,1%) cho thấy nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận lớn từ cơ quan dân cử có quyền lực cao nhất đất nước. Và đó cũng chính là ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Có một điểm rất mới trong đời sống sinh hoạt chính trị cũng nảy sinh từ nghị quyết lấy PTN. Trong nghị quyết này có quy định: Người có quá nửa số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức và Quốc hội cũng sẽ có cơ chế để cho người đó chủ động xin từ chức, như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà cụm từ "văn hóa từ chức" lần đầu tiên được các ĐBQH thẳng thắn đặt ra trên nghị trường, mà đáng chú ý lại chính trong phiên chất vấn với người đứng đầu Chính phủ.

"Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một "văn hóa từ chức" để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?" - câu hỏi thẳng thắn, truyền tải một thông điệp mạnh mẽ từ vị ĐB kiêm sử gia Dương Trung Quốc đã khiến cho người dân có niềm tin lớn hơn vào những đổi mới mạnh mẽ và dân chủ trong hoạt động nghị trường, khi mà họ đã dần mất niềm tin vào những lời xin lỗi - đã và đang được nói ra quá nhiều trên nghị trường.

Và cũng với thông điệp này, người dân có quyền tin vào một sự vươn mình mạnh mẽ của đời sống chính trị nước nhà, bắt nguồn từ sự ra đời của nghị quyết lấy PTN - đó là "văn hóa từ chức".

Theo Danviet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích