Lãnh đạo cũng tham nhũng thì...
Ở Đà Nẵng, việc công khai hình ảnh của công chức để người dân đánh giá qua mạng đã khiến cho thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, người dân hài lòng hơn. Theo ông nếu áp dụng rộng ra các địa phương thì có dễ không?
Tôi nghĩ là cái đó làm được. Nhưng quan trọng là người đứng đầu thôi. Nếu ông chủ tịch và ông bí thư mà không nghiêm thì không thể có một bộ máy trong sạch được. Lãnh đạo cũng là một mắt xích trong đường dây tham nhũng thì khó lắm. Rồi sẽ lại vẫn cái điệp khúc: "Các cậu chú ý rút kinh nghiệm nhé", chỉ mỗi câu đó thôi.
Mức độ hài lòng của ông đối với cán bộ công chức hiện nay thế nào?
Nói chung là có người tốt người không. Nhưng nhìn chung ở các cấp lãnh đạo thì vẫn còn tiêu cực và sai phạm nhiều lắm
Ông nghĩ sao về cách phục vụ của công chức đối với người dân hiện nay?
Người dân đến cửa quan lúc nào cũng với tâm thế của một người đi xin xỏ. Đến là để kính thưa, kính gửi, đứng ở dưới nhìn lên. Giống như cửa quan ngày trước ấy. Mà quan ngày trước "ăn" không khiếp như bây giờ đâu. Xưa nhờ cậy gì thì biếu con gà là xong, chứ giờ thì cái gì cũng phải tiền và rất nhiều tiền.
Không người dân nào nghĩ là công chức có nhiệm vụ phục vụ mình. Cũng bởi vậy, người ta ngại đến cửa quan lắm!
Vì sao lại phải ngại ạ?
Chỉ riêng việc làm nhà, đi xin cấp phép cũng mất lắm công. Nào là phải trình bản vẽ thiết kế, vì sao lại thế này, vì sao lại thế kia. Đi đi lại lại khổ sở vất vả lắm. Nhưng nếu biết cách đưa tiền cho họ, chẳng cần phải có giấy phép, cứ về mà ung dung xây, chẳng ai kiểm tra đâu mà lo. Nếu không biết "chạy", kể cả có giấy phép xây dựng rồi, thì một hai tuần lại có đoàn kiểm tra.
Làm có đúng bản vẽ không, sao hất đất thế này, để cát thế kia mất vệ sinh... Lập biên bản xử phạt. Thế là lại phải đưa phong bì ra. Nói chung, giờ cứ đến cửa quan là mất tiền nên người ta ngại.
Ông Trần Quang Chương, Bí thư Chi bộ phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. |
Khó một tí là phải mất tiền
Ông nhận định thế nào về hệ thống hành chính và người thực thi hiện nay?
Thực tế, người dân đi làm các thủ tục bình thường như chứng nhận, photo, công chứng bằng cấp đơn giản thì không vấn đề gì. Nhưng hễ có việc gì khó khăn một cái là sẽ có chuyện. Hễ cần đến sự giúp đỡ của cán bộ là phải có tiền. Có tiền thì mới xong, mới nhanh, mới xuôi được.
Ông đã trải qua việc nào như vậy chưa?
Đó là việc về cái số nhà của tôi. Trước đây tổ trưởng dân phố và bí thư chi bộ thống nhất với bà con tự gắn số nhà chứ không theo quy hoạch. Đến lúc phường có chủ trương thực hiện đúng theo quy hoạch thì số nhà phải thay đổi theo. Vậy là nhà tôi từ số 10 thì thành số 15.
Trong khi sổ đất đai của tôi làm thì số nhà là 10. Giờ muốn thay đổi thành số đúng hiện nay thì phải mất tiền. Đúng quy định thì vẫn làm được, nhưng khó lắm. Họ bắt đi đi lại lại nhiều lần, bắt phải thế này, bắt phải thế kia, phải giải trình vì sao trước kia số này giờ này số kia. Thôi thì mình cứ đưa tiền họ làm cho nhanh.
Mình có bằng chứng như vậy, sao không tố cáo họ nhận tiền?
Thì mình cần thì mình mới làm thế chứ người ta có bắt mình phải thế đâu. Chẳng qua là qua sông thì phải lụy đò thôi. Không nói ra, nhưng ai đi làm thủ tục đó cũng biết thế. Muốn nhanh thì phải tiền. Đó là luật bất thành văn rồi.
Vì sao lại thế?
Thì cũng vì miếng cơm manh áo của họ cả thôi. Không nói ra, không công khai nhưng thực chất nó là thế. Đi làm cái giấy chứng nhận, có rồi nhưng họ cứ bảo chưa có nên chưa đưa cho mình đấy. Hẹn đến dăm bảy lần, mình biết ý thì cũng phải đưa tiền cho nhanh thôi. Còn nếu mình cứ lì, quyết không đút lót, cứ đi đi lại lại thế thì chắc chúng nó cũng đoán cái ông này chai sạn rồi, phải "nhả" thôi.
Nếu được đánh giá công chức hành chính nói chung, ông sẽ nói gì?
Có lần mình hỏi một người công chức hành chính là lương bao nhiêu, cháu bảo là lương 2,5 triệu đồng/tháng. Mà lại còn nuôi 2 đứa con ăn học, thì làm sao mà đủ được. Đôi khi mình cũng phải thông cảm thôi. Chưa nói rằng xin được vào vị trí đó cũng đã phải tốn bao nhiêu tiền rồi.
Có phục vụ gì đâu mà bảo là tốt hơn!
Nếu Hà Nội cũng áp dụng đánh giá chấm điểm công chức qua mạng, ông nghĩ thế nào?
Tôi nghĩ người dân như tôi và những người xung quanh đây thì chưa biết dùng internet cũng như chưa biết sử dụng nó như công cụ để làm việc đâu. Có phải ai cũng biết dùng máy tính đâu. Hai nữa là người ta cũng không muốn làm những việc đó vì phiền phức, tội vạ.
Đánh giá người nào đó không tốt, lỡ mà lộ ra, bị trấn áp thế này thế kia thì cũng sợ. Thực tế, có người chống tham nhũng, đi tố cáo xong là bị ném phân vào nhà, bị dọa dẫm đến hoảng loạn rồi. Người ta cũng ngại và không muốn động chạm.
Vậy thì nền hành chính nó sẽ mãi không phát triển được?
Thì người ta bảo thời thế thì phải chịu thế, chứ biết làm thế nào được. Liệu chúng ta có ngay lập tức dám cắt lương, đuổi việc 50% người không làm được việc? Hay là biên chế công chức thì vẫn cứ tăng lên? Ngay ở cái UBND phường tôi. Trước đây thì cái phòng ấy kê 1 bàn, sau đó thêm 1, rồi lại thêm một. Người làm cứ tăng dần dần lên mà công việc thì cả năm chẳng có gì để làm.
Tăng cán bộ để phục vụ người dân tốt hơn mà?
Có phục vụ gì đâu mà bảo là tốt hơn! Đa phần họ cứ ngồi thế thôi chứ chẳng làm gì cả.
Trong TPHCM, đã có 2 cán bộ bị đuổi việc vì đóng góp ý kiến của người dân, chắc hẳn là nếu áp dụng thì những người làm láo sẽ thấy sợ?
Tôi tin là hiện nay ta chưa làm được vì tham nhũng hiện không phải là một cấp mà nó đã là một hệ thống rồi. Cái quan trọng là phải có một người lãnh đạo trong sạch, dám nói dám làm.
Vậy là những bất cập trong thủ tục hành chính sẽ vẫn còn, nếu người lãnh đạo đó có gì khuất tất?
Thì đúng là như thế mà. Nếu lãnh đạo nghiêm thì cấp dưới cũng như thế. Lơ mơ là bị đuổi việc thì họ sẽ sợ. Nhưng, tìm được người nghiêm giống như ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thì hiếm lắm.
Xin cảm ơn ông!
- Hàng xóm nhà tôi xin cấp phép làm nhà 4 tầng, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, bà ấy thay đổi thiết kế, chỉ làm 2 tầng thôi. Thế là đoàn kiểm tra xuống quát tháo ầm ầm là sao xin giấy phép làm 4 tầng mà lại chỉ làm 2 tầng thôi, lập biên bản xử phạt! Họ quát thế, bà ấy cũng sợ quá. Thế là chạy vội vào nhà làm 3 cái phong bì. Khi đi ra, một trong số đó bảo là bộ phận của họ có 5 người cơ. Thế là lại lúi húi vào làm thêm 2 cái phong bì nữa. Thế là không bị lập biên bản. Chuyện nghe thì có vẻ lạ, nhưng có thật đấy! |
Theo Kienthuc