Tuyên bố mới đây của Trung Quốc rằng bắt đầu từ năm tới, các tàu hải giám của nước này sẽ “ngăn chặn và tấn công” các tàu nước ngoài tại các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại biển Đông, đã cho thấy những nguy cơ chưa từng có về tự do hàng hải tại khu vực vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Bắc Kinh mới đây còn cho lưu hành tấm hộ chiếu mới cho công dân nước này trong đó in chìm bản đồ Trung Quốc bao gồm cả các vùng lãnh thổ tranh chấp tại biển Đông và các khu vực khác. Động thái này đã làm dấy lên các cuộc tranh cãi ngoại giao.
Hình in chìm đường lưỡi bò trong hộ chiếu mới của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế phản đối. |
Hơn thế nữa, Campuchia, một đồng minh chủ chốt của Trung Quốc, đã ngăn không đưa ra kết luận về vấn đề tranh cãi lãnh thổ hiện tại trong chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới kết thúc. Philippines đã chính thức phản đối hành động này.
Có rất nhiều yếu tố có thể giải thích cho thái độ quyết liệt mới đây của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Nhằm thống nhất quyền lực, bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc rõ ràng không muốn đối mặt với rủi ro làm mất lòng công chúng khi làm giảm đi vị thế đang lên trong vấn đề được để lại từ thế hệ lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào.
Giống như việc Israel đã kiểm chứng cam kết của Tổng thống Mỹ vừa tái đắc cử Barack Obama về vấn đề Trung Đông với việc tiến hành một loạt hành động bất ngờ nhằm vào dải Gaza, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang muốn thử thách cái gọi là “sự hiện diện” của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương bằng cách gây phiền nhiễu cho các đồng minh của Mỹ tại khu vực.
Sau hơn hai năm với tuyên bố “hiện diện” của Mỹ, vẫn còn những câu hỏi kéo dài về mục đích, tính khả thi và ảnh hưởng của chính sách này.
Tàu chiến Liễu Châu loại 054A thuộc loại mạnh nhất của Trung Quốc vừa được điều ra biển Đông. |
Kiểm chứng “sự hiện diện”
Trong thời gian Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) 2010 diễn ra tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã trực tiếp tuyên bố về sự can dự của Mỹ vào tranh chấp tại biển Đông với tuyên bố Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong vấn đề “tự do hàng hải” tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Quyết định của ông Obama lựa chọn Đông Nam Á là điểm tới thăm chính thức đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai là một dấu hiệu - ít nhất là mang tính biểu tượng - cho cam kết của Chính phủ Mỹ về việc tái khẳng định vai trò của nước này là một “điểm tựa cho ổn định và thịnh vượng” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon, khi nói về chuyến công du Đông Nam Á mới đây của ông Obama, trong đó bao gồm các chặng dừng chân tại Campuchia, Myanmar và Thái Lan, cho biết: “Mỹ là một cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương, có lợi ích gắn bó chặt chẽ với trật tự chính trị, an ninh và kinh tế của châu Á. Sự thành công của Mỹ trong thế kỷ 21 gắn chặt với sự thành công của châu Á”.
Trong khi Mỹ nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế trong chính sách “hiện diện” của mình, được minh chứng thông qua việc thúc đẩy thỏa thuận tự do thương mại trong khu vực được biết đến với tên gọi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Washington đồng thời lập lờ nhiều hơn về khía cạnh quân sự.
Như một nghiên cứu mới đây của hai chuyên gia David Berteau và Michael Green thuộc Trung Tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) đã chỉ ra: “Bộ Quốc phòng Mỹ đã không tuyên bố rõ ràng về chiến lược ẩn sau kế hoạch về lực lượng của họ, cũng như thẳng thắn về chiến lược với các nguồn lực theo cách phản ánh đúng tình hình ngân sách hiện tại”.
Mỹ đã tuyên bố kế hoạch bổ sung vài nghìn quân cũng như điều chuyển khoảng 10% thiết bị hải quân tới khu vực trong thập kỷ tới. Giả định rằng chính quyền Obama thành thật về kế hoạch đó, thì cũng không có lý do rõ ràng cho sự lập lờ về chiến lược như vậy.
Trong những tháng gần đây, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhiều lần khẳng định với Trung Quốc rằng chính sách “hiện diện” không nhằm kiềm tỏa sự vươn lên của Trung Quốc.
Để nhấn mạnh những tuyên bố này, Hải quân Mỹ mới đây đã tuyên bố hoàn toàn cởi mở với sự tham dự của Trung Quốc trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2014. Trong khi nhanh chóng phát triển năng lực hải quân và “chống tiếp cận”, Trung Quốc dường như hoài nghi đối với những lời xoa dịu của Mỹ về “sự hiện diện”.
Chuyên gia Michael Green viết trong báo cáo của CSIS: “Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ đối mặt với thách thức ngân sách cơ bản: Thậm chí với lời cam kết từ chính quyền bảo đảm năng lực ổn định của Mỹ tại châu Á trong khi cắt giảm lực lượng tại những nơi khác, kế hoạch cắt giảm 487 tỷ USD có nghĩa là sẽ làm rỗng tài sản của các lực lượng khác theo những cách mà rốt cuộc sẽ làm giảm tài sản của PACOM khi khủng hoảng xảy ra tại Trung Đông hay nơi nào đó”.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới đây đã nói rằng việc cắt giảm thêm 500 tỷ USD ngân sách quốc phòng theo như điều khoản “cô lập” trong dự luật ngân sách được quốc hội thông qua sẽ gây ra “hỗn loạn, lãng phí và tổn hại, không chỉ cho quốc phòng mà cho tất cả các cơ quan khác của chính phủ”.
Khuyến khích phái diều hâu
Một số nhà phân tích chiến lược tin rằng những bất ổn về khả năng cung cấp tài chính cho chính sách “hiện diện” sẽ khuyến khích các nhân tố ủng hộ chính sách diều hâu trong bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc, trong đó có cả ý định thúc đẩy giới hạn trong tranh chấp lãnh thổ như một giải pháp mang tính dân tộc chủ nghĩa để củng cố tính pháp lý và quyền lực trong nước.
Với sự khiêu khích mới đây và việc ASEAN không thể đưa ra dù chỉ là những nguyên tắc tạm thời cho sự ràng buộc pháp lý của Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông, một số nhà phân tích chiến lược hiện nghi ngờ liệu tranh chấp lãnh hải và nguy cơ ngăn cản tự do hàng hải có dẫn đến một sự đối đầu vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm tới.
Trong một phản hồi sau tuyên bố “ngăn chặn và tấn công” tàu thuyền nước ngoài của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết: “Tất cả các bên liên quan cần tránh mọi hành động đơn phương hoặc gây hấn có thể làm gia tăng căng thẳng hay hủy hoại triển vọng của giải pháp đàm phán”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ George Little đã nêu rõ: “Là một cường quốc Thái Bình Dương, chúng tôi có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải cũng như tự do thương mại và phát triển kinh tế. Các đồng minh, đối tác và sự có mặt lâu dài của chúng tôi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tất cả đều phục vụ cho những mục tiêu đó”.
Trong khi đó, cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã cảnh báo kế hoạch ngăn chặn và tấn công tàu nước ngoài của Trung Quốc trong khu vực biển Đông sẽ làm gia tăng quan ngại và lo lắng của tất cả các bên, đặc biệt là các bên cần sự tiếp cận, lưu thông và tự do trong khu vực”.
Bất chấp những cảnh báo, hiện chưa rõ Trung Quốc có sẵn sàng với sự đối đầu đang tăng mạnh trong khu vực. Quyết định “ngăn chặn và tấn công”, lần đầu được các quan chức đảo Hải Nam tuyên bố, chưa được các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc hoàn toàn công khai. Trung Quốc không chỉ bày tỏ cam kết về tự do hàng hải tại biển Đông, Bắc Kinh còn lập lờ về “hành động trái phép” hay sự vi phạm tới chủ quyền của Trung Quốc của các tàu nước ngoài.
Các quan chức hàng đầu của đảo Hải Nam như Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại vụ tỉnh Hải Nam Ngô Sĩ Tồn đã cố gắng xoa dịu các nước láng giềng khi nói rằng quy định mới chỉ áp dụng đối với các tàu có hành động phi pháp (cũng không được xác định rõ ràng) trong phạm vi 12 hải lý vùng đặc quyền của Trung Quốc, hay trên vùng biển thuộc lãnh hải nước này.
Những hành động gần đây của Trung Quốc nhằm đáp trả những sự quyết tâm ngày càng tăng của các đồng minh của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như việc Nhật Bản nỗ lực mua lại quần đảo tranh chấp Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông, Philippines thúc đẩy sự can dự lớn hơn của Mỹ. Nhưng dù tất cả các bên tăng cường hùng biện hay đe dọa, nguy cơ về một cuộc xung đột tại khu vực biển Đông tiếp tục gia tăng.
Theo PL&CS