Sài Gòn có còn nét xưa?

Thứ bảy, 16/02/2013, 09:38
Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Tp.HCM đã và đang hiển hiện nhiều công trình mang tính lịch sử - văn hóa cũng như nhiều cảnh quan kiến trúc thuộc nhiều trường phái khác nhau. Tuy nhiên, sự tồn vong của các di sản kiến trúc này đang phải đối mặt với mặt trái của việc đô thị hóa và áp lực phát triển kinh tế.

Mang dấu ấn sông nước đặc trưng Nam Bộ, nhưng lại phát triển kỹ thương, đô thị Sài Gòn-Tp.HCM có đặc trưng văn hóa độc đáo. Quá trình phát triển Sài Gòn xưa đã để lại những dấu ấn thông qua các công trình kiến trúc có giá trị, gắn liền với các thời kỳ tiêu biểu như thời kỳ thành lập Thành Gia Định, Sài Gòn thời Pháp thuộc, thời kỳ 1954-1975 và giai đoạn 1975 đến nay.

bat dong san

Quá trình phát triển Sài Gòn xưa đã để lại những dấu ấn thông qua các công trình kiến trúc có giá trị, gắn liền với các thời kỳ tiêu biểu như thời kỳ thành lập Thành Gia Định, Sài Gòn thời Pháp thuộc, thời kỳ 1954-1975 và giai đoạn 1975 đến nay.

Công trình xưa núp bóng cao ốc

Tp.HCM có một quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và quý giá cần được bảo vệ và khai thác. Tuy nhiên, cơn lốc đô thị hóa, cao tầng hóa đang được “hợp thức hóa” bằng việc chỉ xác định những kiến trúc được cấp bằng di sản quốc gia.

Hiện nay, mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển đô thị và bảo tồn cảnh quan kiến trúc ở Tp.HCM chưa được giải quyết hợp lý. Áp lực giải quyết tăng trưởng kinh tế trong quá trình phát triển đô thị đã lấn át việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc.

Ths. Kiến trúc sư Phạm Phú Cường phân tích 3 hiện tượng điển hình cho việc xâm hại di sản đô thị ở Thành phố. Thứ nhất là các công trình di sản bị tháo dỡ để nhường chỗ cho các dự án xây dựng mới. Nhiều công trình thuộc danh sách bảo tồn cảnh quan kiến trúc đã và đang có kế hoạch bị tháo dỡ như cầu Sở Thú, cầu Ông Lãnh, khu nhà tại giao lộ đường Hai Bà Trưng và Lê Duẩn, cụm biệt thự ở quận 3 nằm trong mảng cảnh quan tiêu biểu nhưng số lượng biệt thự còn lại đang ít dần.

Nhiều công trình nhà xưởng, cầu, kho có tuổi đời trăm năm dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã bị xóa bỏ trong quá trình thi công Đại lộ Đông-Tây.

Hiện tượng thứ hai là tính chất bối cảnh của di sản đô thị bị rạn vỡ. Đây là kết quả của việc xây chen nhà cao tầng vào các khu đô thị lịch sử. Thống kê có khoảng 100 công trình cao 15 tầng trở lên được thỏa thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, chỉ tính trên địa bàn quận 1,3,4 từ năm 1991 đến nay. Không dưới 50 công trình trong số đó đã xây dựng hoàn tất. Quá trình xen cấy này làm biến đổi cơ bản các yếu tố cấu thành hình ảnh đô thị đặc trưng.

Chẳng hạn như không gian quảng trường Nhà hát Thành phố dường như bị thu nhỏ lại dưới công trình đồ sộ của khách sạn Caravelle. Hay tính liên tục và đồng nhất về chiều cao của cảnh quan đường Đồng Khởi bị xâm hại bởi những công trình mới “đột ngột” về tầng cao, khối tích và cả phong cách kiến trúc (tòa nhà Vincom, Khách sạn Sheraton, tòa tháp Time Square...)

Thứ ba là sự tương phản gay gắt giữa kiến trúc cũ và mới. Đây là kết quả của việc hiện đại hóa thiếu chọn lọc về phương diện hình thức. Hiện tượng này có thể quan sát được tại nhiều nơi. Như khối tháp cao tầng đồ sộ với vỏ bao che kính “vô cảm” và phần mái phi tỷ lệ của tòa nhà Vincom hoàn toàn tương phản, không thể hiện sự tiếp nối với tính chất lịch sử của trục đường Đồng Khởi.

Rào cản trong bảo tồn kiến trúc

Tại một hội thảo về “Di sản kiến trúc đô thị Tp.HCM” do Hội Kiến trúc sư Thành phố tổ chức hồi cuối năm 2012, Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng đã bức xúc, quanh trụ sở UBND Thành phố, các công trình xưa cũ bị tháo dở, xây mới với yêu cầu giả cổ.

Những “hàng giả” này được sáng tạo tùy thích; các mô típ, gờ chỉ, cột, mặt tiền, mái vòm, mái đón cho hoa văn không theo một tỷ lệ nào. Hay những biệt thự quận 3 được xây dựng trong khu vực đường sá phải, ẩn mình trong cây xanh và những hàng rào nhẹ nhàng đang được chia lô nhà phố, hàng quán, lâu lâu đục lõm xây chung cư cao tầng, hoặc các cao ốc văn phòng nhôm kính.

Theo PGS. TS Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. HCM, mặc dù có khung pháp lý và hệ thống các luật liên quan đến bảo tồn cảnh quan, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn nhiều bất cập.

Thành phố chậm xây dựng và ban hành quy chế quản lý đã dẫn đến sự thay đổi nhanh cảnh quan kiến trúc trong thời gian gần đây. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng vẫn còn phải giải quyết từng trường hợp cụ thể do chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh như trường hợp ụ tàu Ba Son, Nhà khách chính phủ...

Mặt khác, Thành phố cũng chưa có các nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, hệ thống và cụ thể các đối tượng cần được bảo tồn, để có định hướng và quy định cụ thể cho công tác bảo tồn. Thêm nữa, chức năng nhiệm vụ của các ngành, cấp chưa rõ ràng, nhận thức về bảo tồn một số nơi chưa đầy đủ.

Hay vấn đề sở hữu liên quan đến đối tượng bảo tồn như biệt thự, nhà ở tư nhân chưa có chính sách giải quyết lợi ích hài hòa để người dân tham gia vào bảo tồn một cách hiệu quả. Trước sự thay đổi nhanh của cảnh quan kiến trúc, UBND Thành phố đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch và chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc Thành phố.

Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản kiến trúc đô thị là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn và tốn nhiều công sức, tâm trí lẫn tiền bạc.

Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của Thành phố, sự tham gia tự nguyện của cộng đồng. Trước mắt cần thực hiện một số việc như tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để nâng cao nhận thức, tự nguyên tham gia chương trình bảo tồn.

Thứ hai là xây dựng phương pháp tổ chức triển khai và bảo tồn di sản, trước hết là xây dựng tiêu chí để đánh giá xếp hạng các công trình cần bảo tồn.

Thứ ba là tổ chức đánh giá, phát hiện và lập danh sách di sản theo chủng loại và cấp bậc để có giải pháp phù hợp cho từng loại di sản. Cuối cùng là luật pháp hóa kết quả xếp hạng bằng việc công nhận và quyết định xếp hạng di sản; công bố rộng rãi cùng việc ban hành chính sách phù hợp cho công tác bảo tồn.

Theo Vneconomy

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích