Khi nội chiến ở Syria bùng nổ, chủ nhà bỏ trốn, để lại người phụ nữ Việt Nam giúp việc trong ngôi nhà bị khóa trái cửa ở một vùng tan hoang vì chiến tranh và không còn mấy bóng người. Không thức ăn, súng đạn ầm ầm, chị đã gần như tuyệt vọng...
Lần theo địa chỉ mà Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, phóng viên NTNN đã gặp được chị Dương Thị Lan, ở thôn 6, xã Nga Bạch (Nga Sơn, Thanh Hóa). Chị là 1 trong 3 phụ nữ đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khỏi Syria và trở về Việt Nam an toàn.
Máu và xác chết
“Đêm nào tôi cũng mơ thấy những cảnh tượng hãi hùng, bom đạn và xác chết ở Syria” - chị Lan bắt đầu kể cho chúng tôi nghe. Nơi chị làm việc là thành phố Allepo, điểm nóng trong cuộc nội chiến ở Syria. Chị kể, khi cuộc nội chiến bùng nổ, cả thành phố luôn sống trong tiếng bom đạn, chết chóc và luôn lo sợ tính mạng sẽ bị cướp đi bất cứ lúc nào.
Chị đi làm với danh nghĩa là người giúp việc trong gia đình, nhưng thực tế, gia đình nhà chủ này có một nhà máy sản xuất đồ nhựa và chị bị đưa đến đó làm việc. Nhà máy cách nơi ở khá xa, vì vậy, phải đi qua con đường từ nhà đến nơi làm là nỗi kinh hoàng đối với chị. Chị Lan miêu tả, đường phố ở Allepo tan hoang, đi đâu cũng thấy những ngôi nhà nham nhở vì bị bắn phá.
Hãi hùng nhất là khi đang đi thì thấy tiếng súng nổ ầm ầm, như kề sát bên mình, dân chúng chạy tán loạn, người ngã xuống, máu đổ… Nhưng chị vẫn phải kiếm sống, không còn cách nào khác là phó thác cho sự may rủi.
Nhiều người nước ngoài ở Syria đang chờ được di chuyển khỏi “điểm nóng” này
Rồi một ngày, khi chị tỉnh dậy và đi đến chỗ làm, nhà máy sản xuất nhựa đã biến thành đống đổ nát sau một cuộc giao tranh dữ dội từ đêm hôm trước. Không có nơi làm việc, chị Lan phải ở trong gia đình chủ và làm giúp việc trong nhà.
Không lâu sau đó, vào khoảng đầu tháng 6, sau một đêm tỉnh dậy, chị thấy ngôi nhà trống trơn không một bóng người. Chị phát hiện ra cửa nhà đã bị khóa từ bên ngoài, những người trong gia đình đã lặng lẽ bỏ đi di tản mà không hề cho chị biết. Họ bỏ lại chị trong ngôi nhà mà không có nhiều đồ ăn dự trữ. Đến ngày thứ 3, thứ 4, không có đồ ăn nữa, trong khi hàng đêm súng đạn vẫn nã rền ở khu vực ngay sát ngôi nhà. Không có cách gì để thoát ra ngoài, cũng không có một bóng người nào đi ngang qua để có thể nghe được tiếng kêu cứu, chị Lan gần như tuyệt vọng.
Vào thời điểm ấy, chị bước đến cửa sổ được chắn song sắt và đau khổ nghĩ rằng phải bỏ mạng ở xứ tha hương này, thì chị Lan bỗng nhìn thấy một người lính đi ngang qua tòa nhà. Vì ở trên tầng cao, nên người lính này không nghe được tiếng chị gọi. Chị Lan đã phải dùng một chiếc cốc thủy tinh ném xuống đường để đánh động người lính già, sau đó kể lại sự việc. Người lính này sau khi nghe chị Lan nói thì bỏ đi 30 phút và khi ông quay lại, có thêm 1 cảnh sát Syria đi cùng.
Họ giải cứu chị ra khỏi ngôi nhà và cảnh sát đã đưa chị lên xe thùng, cùng những người lao động nhập cư khác từ Indonesia, Philippines đi về hướng thủ đô Damascus.
Những ngày tị nạn
Khi đến Damascus, chị Lan bị đưa vào trại tị nạn cùng những người Philippines khác. Sau khi cảnh sát xác nhận Việt Nam không có Đại sứ quán tại Syria, họ hỏi chị có quen biết ai là người Philippines không. Rất may mắn, nơi làm việc cũ của chị cũng có vài người Philippines, nên cuối cùng họ quyết định chuyển chị đến trú trong tòa nhà Đại sứ quán Philippines ở Damascus.
Tại đây, chị được họ cho ăn ở, và làm công việc nấu ăn, trước khi liên lạc được với Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phải mất hai tháng rưỡi sau đó, người của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) mới tìm đến chị và hỗ trợ tiền vé máy bay để đưa chị ra khỏi Syria, trở về Việt Nam.
Cùng với chị Dương Thị Lan, 2 người phụ nữ khác cũng đã được giải cứu, trong đó có một người đã trở về Việt Nam, và là hàng xóm của chị Lan. Còn người phụ nữ thứ 3 đã ra khỏi Syria và đang chờ chuyến bay trở về Việt Nam. Chị Lan cũng cho biết, những người Việt Nam khác ở Syria cùng cảnh ngộ với chị đang được trú trong Đại sứ quán Philippines. |
Chị Lan kể, đến bây giờ, khi đang ở trên quê hương, chị cũng không thể tin nổi mình đã được giải cứu. Hàng đêm, chị bừng tỉnh, người vã mồ hôi, vì cứ nghĩ, mình vẫn đang còn ở nơi cửa tử.
Chị Lan đến Syria để mong tìm được một tương lai sáng hơn cho gia đình, khi con gái chưa được 2 tuổi. 6 năm nơi xứ người, hành trang của chị là một túi quần áo và 500 USD do Đại sứ quán Philippines ở Syria hỗ trợ.
Chị nói, trước khi đi, chị phải đóng 32 triệu đồng (ở thời điểm năm 2007) và trong vòng 6 năm đó, chị chỉ nhận được 1 năm tiền lương với mức lương 150 USD/tháng. Sau năm đầu tiên đó, nhà chủ nói rằng, họ trả lương qua người môi giới, và cho đến khi kết thúc hợp đồng, chị mới được nhận số lương đó. Kể từ đó, 5 năm qua, chồng và con gái chị Lan không hề được nhận đồng tiền nào gửi về từ Syria, trong khi khoản nợ ngày ra đi cứ tăng dần vì tiền lãi. Khi chị đặt chân về đến sân bay Nội Bài, lúc đó đã 1 giờ đêm, chồng chị đang bệnh nặng nằm cấp cứu ở Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, mẹ chồng thì già yếu, nên chị lặng lẽ bắt xe khách trở về nhà.
Đón chị là cô con gái nay đã lên 8 tuổi, lạ mẹ. Trở về từ tay trắng, nhưng vợ chồng chị giờ đây quyết tâm sẽ bám trụ trên quê hương mình bằng chính nghề nông của gia đình. Khi được hỏi, chị có mong sẽ tìm một cơ hội nào nữa đi ra nước ngoài để đổi đời, chị Lan nói gấp gáp: “Tôi sợ lắm rồi, đến nơi, môi giới đã thu hộ chiếu, coi như mình đã là tù nhân…”.
Theo Dân Việt