Tuyệt vọng tìm kiếm sinh viên mất tích ở đỉnh Fansipan

Thứ bảy, 14/09/2013, 15:21
Tròn 2 tháng sau khi mất tích trên đỉnh Fansipan, thông tin về sinh viên Phạm Ngọc Ánh vẫn bặt vô âm tín.
Bố mẹ và người thân của em vẫn nỗ lực tìm kiếm, chờ mong, hy vọng Ánh bị tai nạn, mất trí nhớ cũng được, miễn là đừng bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm.

Vụ mất tích vẫn là một bí ẩn

Trong căn nhà nhỏ tại thôn Trung, xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội), bức tranh đầu tiên của Phạm Ngọc Ánh vẽ về Phật Bà nghìn tay nghìn mắt vẫn được treo ở một góc trang trọng nhất. “Những lúc nhớ con, nhìn vào bức ảnh của con để chúng tôi còn hy vọng sẽ có một phép màu”, bà Đỗ Thị Phương Dung, mẹ của Ánh chia sẻ câu đầu tiên khi chúng tôi hỏi thông tin về Ánh.

Tuyệt vọng tìm kiếm sinh viên mất tích ở đỉnh Fansipan
Bức ảnh cuối cùng của Phạm Ngọc Ánh sau khi chinh phục đỉnh Fansipan (Ảnh do gia đình cung cấp).

“Tối 7/7, Ánh được anh họ là Đỗ Thanh Sang rủ đi chơi theo đoàn du lịch lên Sa Pa để chinh phục đỉnh Fansipan. Sau khi nghe ước muốn của con là lên đó khám phá một lần cho biết nóc nhà Đông Dương, chúng tôi cũng đồng ý để cháu đi, không ngờ đó là chuyến đi mà đến bây giờ chưa biết số phận cháu như thế nào”, bà Dung cho biết.

Nói về con, bà Dung bảo, Ánh rất thông minh, đam mê vẽ và khá lãng tử. Chính vì thế, sau khi thi đỗ vào khoa trang trí nội ngoại thất, chuyên ngành hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Ánh đã chứng tỏ rất tốt năng khiếu của mình.

“Ánh là người ít nói nhưng lại khá chững chạc so với bạn bè cùng trang lứa. Từ cấp 3 đến nay, cháu rất hay tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện với rất nhiều dự định trong tương lai nhưng…”, mẹ của Phạm Ngọc Ánh nói trong nước mắt.


Ông Phạm Ngọc Hải, bố của Ánh cho biết, từ trước tới nay, Ánh rất thích du lịch, đi phượt ở vùng núi cao cùng bạn bè. Trước mấy hôm đi chinh phục đỉnh Fansipan cùng anh họ, Ánh cũng mới đi chơi tại Khu Du lịch Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) về.

Nói về thông tin mất tích của Ánh, ông Hải kể, sau khi chinh phục đỉnh Fansipan, ngày 12/7, cả nhóm của Ánh cùng xuống núi.

Đến trạm nghỉ chân ở mốc 2.800m, khi cả nhóm đang ngồi nghỉ, Ánh nói với mọi người là sẽ xuống trước.Tuy nhiên, khi cả nhóm xuống đến nơi thì không thấy Ánh đâu cả, mọi người đã chờ suốt đêm nhưng không thấy Ánh về.

“Anh họ của Ánh đã gọi điện về báo tin cho gia đình, thật sự lúc đó chúng tôi rất lo lắng. Sau hai ngày không có thông tin của Ánh, tối 14/7, tôi đã tức tốc đi tàu lên Sa Pa tìm con”, ông Hải kể lại.


Sự việc mất tích của Phạm Ngọc Ánh khiến dư luận xôn xao, vì đây là vụ mất tích đầu tiên và dài ngày nhất của du khách trong quá trình chinh phục đỉnh Fansipan.

Ngay khi nhận được tin báo, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã kết hợp cùng các cơ quan, ban, ngành huy động hàng chục thành viên để tham gia tìm kiếm nhưng đều không có kết quả. Và đến nay tròn 2 tháng, mọi thông tin và nguyên nhân mất tích của sinh viên Phạm Ngọc Ánh vẫn đang là một bí ẩn.

Chờ đợi trong tuyệt vọng

Hàng ngày, bà Dung cứ như người mất hồn không làm nổi việc gì. Bà chỉ biết đi ra đi vào rồi ngắm ảnh của Ánh cho vơi hết nỗi buồn, nhớ nhung về đứa con trai. Mỗi khi nhìn vào bức ảnh mà con vẽ được điểm 10 treo ở phòng khách và dụng cụ vẽ của con ở quanh nhà, lòng bà lại đau đớn không nói nên lời.

“Sau khi nghe thông tin về con, ngoài lực lượng công an và kiểm lâm tham gia tìm kiếm, tôi cũng đã chủ động thuê thêm nhiều người dân bản địa có kinh nghiệm đi rừng, biết nhiều đường ngang, lối tắt hỗ trợ.

Để phòng trường hợp Ánh vì một vấn đề gì đó mà không thể liên lạc được, chúng tôi đã in ra rất nhiều hình ảnh của con và xuống gửi ở các bản làng xung quanh đó nhưng cũng không có kết quả. Với địa hình hiểm trở như dãy núi này, việc tìm kiếm Ánh cũng rất khó khăn.

Nói thật, sau 1 tháng ở trên Sa Pa để tìm con nhưng bặt vô âm tín, tôi cũng phải quay về và bây giờ chỉ biết trông chờ mà không còn cách nào khác nữa”, ông Hải cho biết.


Theo ông Hải, Ánh là đứa con rất ngoan, trước giờ Ánh chưa lúc nào đi đâu mà không thông báo cho bố mẹ.

“Mặc dù là người cá tính nhưng Ánh lại sống rất tình cảm, chưa làm gì để bố mẹ phải buồn. Nhiều lúc cứ nghĩ, có lẽ vì một điều gì đó mà Ánh đi xa một thời gian rồi về với bố mẹ và anh trai thôi”, bà Dung nghẹn ngào.

Những lúc trời mưa, nhìn ra sân bà lại nhớ con da diết. Thường ngày, mỗi khi trời mưa không đi đâu, đứa con trai của bà thường mang dụng cụ ra ngoài sân, mặc áo mưa, che ô và ngồi vẽ. Hình ảnh quen thuộc đó đã ăn sâu vào tâm trí của bà Dung và ông Hải.


Nhìn những bức tranh của Ánh vẽ, ông Hải bảo, Ánh có một niềm đam mê vẽ thực sự. Từ lúc nhỏ còn đi học mẫu giáo, Ánh đã vẽ rất đẹp. Lớn lên, khả năng vẽ của cháu càng tốt lên nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn nên ông không cho Ánh đi học các lớp năng khiếu được.

Đến kỳ thì Đại học năm trước, Ánh bảo thi vào Khoa Hội họa của ĐH Mỹ thuật Công nghiệp thì tôi mới gom góp được ít tiền đưa cho con đi ôn thi. Ngay bức ảnh bút chì đen trắng đầu tiền, Ánh đã đạt điểm tối đa.


“Nhiều khi cũng nghe nó nói bạn bè kiếm được nhiều tiền khi làm thêm nhưng tôi vẫn muốn cho cháu học hành thật tốt đã. Kiếm tiền cũng quan trọng, gia đình tôi không khá giả nhưng tôi không muốn cháu vì mưu sinh mà phải vất vả.

Đối với các sự kiện tham gia vẽ tranh trong hoạt động xã hội, từ thiện thì tôi luôn ủng hộ cháu hết mình. Được cái, cháu cũng năng động, thích được tham gia các hoạt động cộng đồng lắm. Tiếc là khi niềm vui chưa được trọn vẹn, thì lại xảy ra câu chuyện như thế này”, ông Hải nói.


Lấy ra bức ảnh cuối cùng mà Ánh chụp trên đỉnh Fansipan, bà Dung nghẹn ngào: “Ngày nó đi háo hức bao nhiêu thì bây giờ bố mẹ, gia đình và người thân phải chờ đợi trong tuyệt vọng bấy nhiêu. Chỉ mong con bị thất lạc hoặc tai nạn mất trí nhớ đang ở đâu đó rồi sẽ quay về với gia đình”.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn