Trong số 10 hạng mục giải thưởng vừa được trao cho những thành tựu "đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ”, đáng chú ý có giải Ig Nobel Hòa bình dành cho Tổng thống Belarus với luật cấm vỗ tay nơi công cộng và giải sức khỏe cộng đồng cho nghiên cứu về việc phục hồi dương vật bị cắt cụt.
Hai nhà nghiên cứu Nhật và Trung Quốc trên bục nhận giải Ig Nobel ở hạng mục y học. Ảnh: Reuters. |
Tại mùa Ig Nobel lần thứ 23 này, ban tổ chức đã tiến hành trao giải thưởng kết hợp hạng mục thiên văn học và sinh vật học đầu tiên cho nhóm của Eric Warrant, đến từ Đại học Lund (Thụy Điển), vì khám phá "bọ hung biết nhìn các vì sao trên trời để tìm đường về nhà".
Nhóm nghiên cứu phát hiện, sau khi lăn tròn một cục phân, bọ hung sẽ trèo lên nó và nhảy vòng tròn. Hành động có vẻ kỳ lạ này, thực tế sẽ giúp bọ hung quan sát bầu trời, sử dụng các điểm sáng và ánh sáng trên dải Ngân hà như một loại la bàn để định hướng đi.
Theo ông Warrant, các động vật di trú về đêm khác như chim và sâu bướm cũng có khả năng quan sát thiên văn như vậy. Nhà nghiên cứu này cho rằng, công trình của ông và các cộng sự có thể ứng dụng trong việc thiết kế các robot và cỗ máy tự động phục vụ con người, "dù viễn cảnh này có khả năng phải vài năm nữa mới xảy ra".
Về hạng mục Ig Nobel hòa bình, giải thưởng năm nay đã thuộc về Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người ban hành luật cấm vỗ tay nơi công cộng và lực lượng cảnh sát quốc gia Belarus do "đã bắt giữ một người đàn ông cụt một tay vì vỗ tay".
Nhà nghiên cứu Masanori Niimi đến từ Đại học Teikyo ở Tokyo, Nhật và cộng sự người Trung Quốc Xiangyuan Jin đã được trao giải ở hạng mục y học vì khám phá ảnh hưởng của âm nhạc đối với các con chuột đã được cấy ghép tim.
Trong khi các con chuột bình thường sống trung bình được 7 ngày sau phẫu thuật, những con chuột nghe ca sĩ Ireland Enya hát đã sống sót tới 11 ngày và thậm chí "thọ" đến 27 ngày nếu nghe vở nhạc kịch opera La Traviata của Verdi.
Giải Ig Nobel xác suất đã rơi vào tay nhóm nghiên cứu đến từ 3 nước Anh, Hà Lan và Canada vì phát hiện "bò càng nằm lâu, càng nhiều khả năng sẽ đứng dậy sớm. Họ còn nhận thấy, một khi các con bò đã đứng dậy sau khi nghỉ ngơi, việc dự đoán thời điểm chúng sẽ nằm xuống trở lại sẽ khó khăn hơn.
Giải thưởng thuộc hạng mục sức khỏe cộng đồng năm nay vinh danh nghiên cứu về dương vật. Nhóm tác giả đến từ Thái Lan đã được trao giải vì các kỹ thuật phẫu thuật giúp giải quyết vấn nạn bị cắt cụt dương vật ở Siam. Các nhà nghiên cứu đề xuất áp dụng những kỹ thuật này, trừ trường hợp "cậu nhỏ" bị vịt ăn cụt một phần.
Những người chiến thắng ở hạng mục Ig Nobel khảo cổ học là Brian Crandall thuộc trang Mad Science of the Hudson ở New York, Mỹ và Peter Stahl thuộc Đại học Victoria, Canada sau khi họ đã luộc chín một con chuột chết, nuốt chửng nó mà không nhai, rồi cẩn thận xem những thứ bài tiết ra ngoài sau vài ngày. Lí do cho nỗ lực kỳ dị này là, cả hai muốn tìm hiểu xem loại xương nào sẽ bị phân hủy hoặc nguyên vẹn bên trong ống tiêu hóa của người.
Nhà nghiên cứu quá cố Gustano Pizzo, người Mỹ nhận giải Ig Nobel an toàn kỹ thuật vì phát minh ra hệ thống chống không tặc cho máy bay vào tháng 5/1972. Hệ thống cơ điện sẽ thả tên không tặc qua các cửa sập, gói kín hắn thành một bưu kiện trước khi thả tên tội phạm "đã đóng gói" ra ngoài như một quả bom. Tên không tặc sẽ rơi thẳng xuống mặt đất cùng với dù, và cảnh sát sẽ xuất hiện kịp lúc để bắt giữ hắn di đã được cảnh báo trước qua radio.
Giải thưởng hạng mục vật lý dành cho nhóm nghiên cứu đã khám phá ra rằng, con người có thể chạy trên bề mặt của một cái ao. Tuy nhiên, điều kỳ diệu này chỉ xảy ra nếu người đó và cái ao đều ở trên mặt trăng.
Nhờ phát hiện về cơ chế sinh - hóa khiến hành làm người cay mắt thậm chí phức tạp hợp quan điểm trước đây, các nhà khoa học đến từ Nhật và Đức đã nhận được giải Ig Nobel hóa học.
Một nhóm chuyên gia tâm lý học quốc tế cũng ẵm trọn giải thưởng ở hạng mục tâm lý nhờ khám phá ra một mối liên hệ kỳ dị giữa việc uống rượu cồn với sự cảm nhận cái đẹp. Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí British Journal of Psychology tháng 5/2012, các tác giả cho biết, những người nghĩ mình đã say xỉn cũng đánh giá bản thân có sức quyến rũ.
Giải Ig Nobel là giải “nhại” theo giải Nobel và còn được gọi là giải "Nobel ngớ ngẩn". Giải thưởng này được trao cho những khám phá bất ngờ và gây cười ("đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ”) thuộc các lĩnh vực tương tự giải Nobel “thật” như vật lý, hóa học, sinh lý học hay y học và bổ sung thêm sức khoẻ cộng đồng, kĩ thuật, và một số ngành khoa học khác. Giải Ig Nobel được tổ chực chọn lựa và trao bởi tạp chí Annals of Improbable Research (Biên niên Nghiên cứu “bất khả thi”). Giải thưởng chỉ là một chiếc cúp tượng trưng và một tờ giấy chứng nhận. Người thắng giải phải tự túc mọi mặt khi đến dự trao thưởng. Danh sách những “nhà Ig Nobel” được công bố và trao tặng hàng năm vào đầu mùa thu, trước và gần với thời gian mà giải Nobel chính thức được công bố. Giải Ig Nobel đầu tiên được trao vào năm 1991. Trong lịch sử giải Ig Nobel có trường hợp đặc biệt là nhà Vật lý gốc Nga, Andre Geim, trở thành người đầu tiên nhận được cả 2 loại giải: Nobel truyền thống (năm 2010) và Ig Nobel (năm 2000). Điều này chứng tỏ tầm trí tuệ ở cả các tác giả của giải Ig Nobel. |
Theo Vietnamnet