Snowden được đề cử giải Nobel Hòa bình

Thứ ba, 16/07/2013, 16:56
Một giáo sư xã hội học người Thụy Điển có đủ thẩm quyền vừa đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho Edward Snowden, người đang bị truy nã vì làm lộ chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ. 

Snowden

Người biểu tình ủng hộ Snowden trước lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong.

Theo RT, giáo sư xã hội học Stephen Svallfors thuộc Đại học Umea, Thụy Điển mới đây đề nghị Ủy ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Edward Snowden.

Trong bức thư gửi tới ủy ban, ông cho rằng "nhờ những nỗ lực đầy can đảm của Snowden, người chấp nhận sự thiệt thòi của bản thân, mà hoạt động theo dõi thông tin điện tử quy mô do chính phủ Mỹ thực hiện đã bị đưa ra ánh sáng. Edward Snowden làm cho thế giới trở nên tốt hơn và an toàn hơn một chút".

Ông cũng chỉ ra rằng nỗ lực của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, Snowden, đã chứng tỏ rằng các công dân có khả năng phát biểu và "đứng lên ủng hộ các quyền cơ bản và tự do".

Về mặt kỹ thuật, việc đề cử giải Nobel Hòa bình đã hoàn thành vào ngày 1/2. Việc bổ sung vào danh sách cũng khả thi trong trường hợp Ủy ban Nobel chưa lập ra "short list". Những đề cử muộn thường được dành cho năm sau đó. Năm nay, ủy ban nhận được 259 đề cử.

Nếu được trao, thanh niên Mỹ 30 tuổi này là người trẻ nhất trong lịch sử được nhận Nobel Hòa bình.

Với vị trí giáo sư tại đại học Umea, một trường đại học trẻ hàng đầu thế giới, Svallfors nằm trong số ít những người có quyền đề cử lên Ủy ban Nobel. Họ là những thành viên của các tòa án quốc tế và quốc hội, hiệu trưởng đại học, giáo sư khoa học xã hội, lịch sử, tâm lý, luật và thần học, các giám đốc viện nghiên cứu hòa bình và viện chính sách đối ngoại.

Giải Nobel Hòa bình bắt đầu có từ khi nhà bác học Alfred Nobel qua đời năm 1896. Di chúc của ông quy định rằng phần lớn tài sản của ông sẽ được dùng để trao các giải thưởng. Một ủy ban gồm 5 người do quốc hội Na Uy chọn lựa sẽ ra quyết định hằng năm về việc trao giải cho (những) ai. Giải sẽ được công bố vào tháng 10.

Nobel Hòa bình những năm gần đây thường là chủ đề gây tranh cãi, chẳng hạn giải năm 2009 cho Tổng thống Mỹ Obama hay cho ông Lưu Hiểu Ba người Trung Quốc năm 2010.

Theo VNE

Các tin cũ hơn