Đây là tên gọi chủng virus mới của virus Corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở khu vực Trung Đông và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống nhất.
Tỷ lệ tử vong cao
Ngày 15/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch (Bộ Y tế) đã có cuộc họp về tình hình các loại dịch bệnh đang diễn ra (cả trong và ngoài nước).
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ tháng 4/2012 đến ngày 15/7/2013, cả thế giới đã ghi nhận có 82 trường hợp dương tính với virus MERS-CoV, trong đó có 45 ca tử vong.
VN chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm virus cúm MERS-CoV từ Trung Đông nhưng nguy cơ là hiện hữu (Ảnh minh họa: Internet) |
Với tỷ lệ tử vong cao (56%), WHO đánh giá đây là bệnh nguy hiểm trong nhóm bệnh truyền nhiễm. Hiện nay bệnh này vẫn chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dịch bệnh trên đã được ghi nhận tại 9 quốc gia, chủ yếu tại Ảrập Xêút với 65 trường hợp mắc (chiếm gần 80%) và 37 trường hợp tử vong (chiếm hơn 82%).
Ông Trần Đắc Phu đánh giá, bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus MERS-CoV gây ra có thể xâm nhập vào Việt Nam qua việc nhập cảnh của những người đến từ vùng có dịch bệnh, thông qua việc giao lưu thương mại, du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Ngay sau khi có thông tin về các trường hợp mắc bệnh tại một số nước, Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo các bộ phận có liên quan tăng cường giám sát, lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để phát hiện sớm ca bệnh; tăng giám sát y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp về từ khu vực có dịch.
Các trung tâm dự phòng đã chuẩn bị các đội cơ động phòng chống dịch, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch và tăng cường giám sát các trường hợp mắc viêm đường hô hấp cấp tính trong cộng đồng.
Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân để phòng bệnh như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh nhiễm bệnh.
Bệnh có thể mắc ở hầu hết các độ tuổi
Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus MERS-CoV có khả năng mắc ở hầu hết các độ tuổi, tuy nhiên chủ yếu là người già, nam giới (65%), người mắc bệnh mãn tính, trung tuổi.
Các kết quả điều tra dịch tễ của WHO cho thấy virus trên có sự lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần nhưng chưa ghi nhận sự lây lan rộng trong cộng đồng. Các trường hợp mắc bệnh được báo cáo có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp và dẫn đến suy hô hấp, suy đa phủ tạng; thời gian ủ bệnh trung bình hơn 5 ngày.
Tuy nhiên, tại Ảrập Xêút đã ghi nhận 8 trường hợp nhiễm virus mà không có biểu hiện triệu chứng, khiến các chuyên gia lo ngại việc phát hiện sớm và kiểm soát sẽ gặp khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khả năng dịch bệnh xâm nhập vào nước ta hiện nay vẫn đang nằm ở nguy cơ không cao do sự giao lưu giữa Việt Nam với các nước Trung Đông không cao. Tuy nhiên, các biện pháp giám sát của cả hệ thống đều phải cảnh giác, không thể chủ quan.
Theo ông Long, WHO chưa khuyến cáo hạn chế du lịch, thương mại giữa các quốc gia song đã có cuộc họp ủy ban khẩn cấp – điều rất cá biệt trong hoạt động của tổ chức này.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho biết, Việt Nam hiện vẫn chưa có nhiều phòng cách ly, không có buồng cấp cứu nhỏ, không loại trừ khả năng bệnh lây lan rồi mới phát hiện ra. Vì thế, cần tăng cường khâu cách ly những trường hợp viêm phổi nặng ngay từ đầu, kiếm soát tốt hơn vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện để hạn chế lây lan.
Theo VNN