Chính phủ vừa đề xuất trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng kiểm ngư, một lực lượng mới được thành lập thuộc Bộ NN&PTNT. Đề xuất này được đưa ra theo tờ trình “bổ sung Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, tại phiên họp thứ 19 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra từ ngày 10-12/7.
Cụ thể, dự thảo Pháp lệnh bổ sung lực lượng kiểm ngư vào “Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng”.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm ngư, các bộ, ngành thấy rằng đây là lực lượng hoạt động độc lập, có nhiệm vụ trực tiếp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam... phải thường xuyên đối mặt với các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng hiện nay mới chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ.
Cabin tàu QNg 96382 bị tàu Trung Quốc bắn cháy rụi. |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành liên quan thống nhất đề nghị trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng kiểm ngư thuộc Bộ NN&PTNT khi thi hành nhiệm vụ.
Thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến các thành viên UBTVQH đều ủng hộ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý cho biết, trước đó, khi có quyết định thành lập lực lượng Kiểm ngư, UBTVQH đã tính tới vấn đề này.
Ngay trong cuộc họp UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết: “Thường trực Ủy ban nhất trí cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp trong việc quản lý, bảo vệ ngư trường trên các vùng biển nước ta hiện nay thì việc trang bị vũ khí quân dụng cho kiểm ngư là cần thiết”.
Song có nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải có quy định rõ loại súng được trang bị cho phù hợp và có biện pháp quản lý, sử dụng chặt chẽ khi hoạt động ở các vùng biển ngoài lãnh hải thuộc quyền chủ quyền của nước ta để bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tránh làm phức tạp tình hình không cần thiết.
Xung quanh vấn đề này, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu trao đổi với PV những vấn đề còn gây quan ngại.
Trước hết, ông Trần Cao Mưu thừa nhận rằng, việc trang bị vũ khí cho lực lượng nhằm tăng cường lực lượng, bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước là rất cần thiết. Bởi theo ông, thực tế lâu nay, nhiều ngư dân bị tấn công, bị bắn trọng thương, bị bắt nhưng không có vũ khí nên việc chống trả, tự vệ còn hạn chế.
Ông Trần Cao Mưu - Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam. |
Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả theo ông Trần Cao Mưu đó là chế tài khi sử dụng vũ khí: “Cấp súng cho Kiểm ngư là cần thiết, nhưng súng được sử dụng như thế nào, lúc nào, việc huấn luyện sử dụng ra sao về mặt kỹ thuật cần được chỉ định rõ. Từ đó, những người được cấp súng thì đồng thời được sử dụng vũ khí đó có hiệu quả”.
Cũng liên quan tới việc cấp súng cho một số lực lượng làm nhiệm vụ, ông Mưu liên tưởng: “Lâu nay, có một câu chuyện vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi, đó là nhiều kiểm lâm được trang bị súng nhưng không được bắn.
Có những trường hợp kiểm lâm nổ súng bắn chết người vì lâm tặc chống lại người thi hành công vụ thì lại bị kết tội. Thế nên, nhiều kiểm lâm bị thương vì bị lâm tặc chém, trong tay có vũ khí mà không được sử dụng.
Từ đó, ta có thể nhận thấy nhiều trường hợp được cầm súng mà không được sử dụng thì còn hại hơn là không có. Hoặc giả thiết khi bị một lực lượng xấu tấn công mà người cầm súng chỉ dọa, không dám bắn có khi còn bị cướp súng bắn lại, gây nguy hiểm hơn”.
“Nhiều lần, tàu của ngư dân bị tàu Trung Quốc bắn cháy, có thể một lúc nào đó, do bức xúc từ những xung đột nhỏ, ngư dân hoặc lực lượng kiểm ngư bắn trả. Từ việc tưởng như bắn để tự vệ đó, có thể dẫn đến bùng nổ cuộc chiến tranh lớn giữa hai nước, gây bất lợi cho quan hệ ngoại giao…”, ông Trần Cao Mưu bày tỏ sự băn khoăn.
Hiện nay, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu; An ninh hàng không. |
Theo Kienthuc