Chuyện tưởng như đùa ấy lại là chuyện thật, mà chẳng phải ở đâu xa, ngay tại trung tâm Hà Nội. Bất chấp nguy hiểm, hàng trăm người dân, từ người lớn đến trẻ nhỏ sống ở khu vực giáp ranh giữa ba phường Đồng Tâm, Giáp Bát, Tương Mai thuộc hai quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai phải biến đường ống nước thành đường đi.
Đã gần 3 năm nay, từ đầu tháng 11/2011, cầu bê tông bắc qua sông Sét, đoạn chảy qua khu vực nói trên (cầu khỉ) bị dỡ bỏ do quá cũ, không đảm bảo an toàn cho người đi đường. Dự án xây mới cầu khỉ và nạo vét đoạn sông Sét, theo như bảng dự án công bố, sẽ được hoàn thành vào đầu tháng 3/2012, nhưng cho tới thời điểm này, việc thi công vẫn ì ạch.
Con đường Tương Mai (đoạn sông Sét chảy qua) bị cắt đôi đã 3 năm nay.
Từ khi dự án này khởi công, con đường Tương Mai bị "ngắt" làm đôi và chưa biết đến khi nào sẽ được nối lại. Người dân muốn đi vào đoạn cuối đường Tương Mai và đường Trương Định chỉ còn cách đi vòng một đoạn hơn 1km, từ ngã tư Vọng rẽ vào đường Nguyễn An Ninh, trong khi cầu khỉ chỉ dài chưa đến 10 mét.
Những người can đảm hơn cũng có thể sang sông bằng một cây cầu tạm bằng sắt rộng chừng 1,5m, mỗi khi có xe qua là "nhún nhảy", kêu lọc xọc.
Cây cầu tạm dành cho xe hai bánh đã bị chặn từ 3 tháng trước, nhưng một số trẻ em vẫn cố tình đi vào. |
Tuy nhiên, từ tháng 4/2013, chiếc cầu tạm này cũng bị chặn lại để phục vụ cho công tác thi công mố cầu. Từ đó đến nay, những người có phương tiện bắt buộc phải đi vòng, còn với những người đi bộ, con đường duy nhất để họ đi lại qua khúc sông đen ngòm, có dấu hiệu ô nhiễm này là… đường ống dẫn nước.
Người dân chỉ còn cách biến đường ống dẫn nước thành lối đi. Với nam giới, việc đi chuyển còn hết sức khó khăn… …huống hồ với phụ nữ... …hay trẻ nhỏ. Những người gánh nặng… …hoặc đi cùng trẻ em càng phải thận trọng hơn. |
Theo quan sát, việc đi trên đường ống dẫn nước khá nguy hiểm, mặc dù ống to và đã bị mòn vì người qua lại thường xuyên nhưng cũng chỉ đủ cho một người đi qua. Nếu không tập trung giữ thăng bằng, người dân rất dễ bị ngã xuống sông.
Đối với những trẻ em hiếu động, phụ nữ hoặc những người mang vác nặng, nguy cơ "làm bạn" với thủy thần còn cao hơn. Đó là chưa kể đến nguy cơ về lâu về dài, đường ống nước sẽ không chịu nổi sức ép của người qua lại, có thể rò, nứt hoặc vỡ.
Những thanh dầm để đổ bê tông cùng dây điện nhằng nhịt khiến đường về nhà của người dân thêm phần nguy hiểm. Lán của công nhân xây dựng cất tạm bên công trường. |
Bác Vũ Đức Nhàn, tổ trưởng tổ dân phố 72, phường Đồng Tâm cho biết: "Gần ba năm nay, người dân nơi đây rất khốn khổ, sinh hoạt bất tiện. Cây cầu này chỉ dài hơn chục mét, hứa làm 3 tháng là xong, vậy mà gần 3 năm rồi đã xong đâu, đơn vị thi công kêu hết tiền". Nhiều người dân trong khu vực cũng cho biết, 3 tháng trở lại đây, đơn vị thi công mới rục rịch làm việc trở lại.
Cũng như những người hàng xóm, bác Nhàn chỉ mong cầu khỉ sớm có diện mạo mới.
Một số hộ dân cũng phản ánh, nhiều nhà trong khu còn có hiện tượng nứt trần, vỡ đường ống nước. Có hộ đã bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Những người còn ở lại cạnh công trường thì phải vẫn sống chung với tiếng ồn và sự rung lắc, nhất là khi đóng cọc nhồi và đi lại trên đường ống nước. Chưa biết khi nào tình trạng trên mới được giải quyết. Cho đến giờ, sau gần 3 năm thi công, cầu khỉ mới được hoàn thành phần mố cầu.
Theo TTVN