Vì sao người Mông sấy chân khô trên gác bếp?

Thứ ba, 16/07/2013, 11:02
Thi thoảng, Hoa lại lấy bàn chân khỏi gác bếp rồi mở ra xem chân mình còn đẹp không, có bị mối mọt xơi không?

Chị Sùng Thị Dính gỡ mãi mới lôi được cái chân đen sì treo gác bếp của chồng cho chúng tôi xem. Chị hết úp rồi ngửa bàn chân khô quắt của chồng trên mặt đất. Thật không thể tin nổi chuyện này có trong hiện thực.

Bản Mã Hoàng Phìn (Minh Tân, Vị Xuyên, Hà Giang) nằm giữa đại ngàn nghiến hoang thẳm từ cả trăm năm nay. Cuộc sống của đồng bào hoàn toàn tách biệt với thế giới văn minh.

Mặc dù cách trung tâm tỉnh Hà Giang không xa, nhưng để vượt qua được đại ngàn nghiến Phong Quang vốn rộng cả chục ngàn héc-ta, với dãy núi Răng Cưa sừng sững trong mây mờ, phải mất 1 ngày cuốc bộ. Không có đường sá, nên mọi thứ trong bản vẫn u tối. Đồng bào vẫn sống với những tập tục văn hóa từ cả trăm năm trước. Bản Mã Hoàng Phìn với mấy chục nóc nhà người Mông giống như một thế giới khác hoàn toàn.

gac bep
Ngôi nhà trong rừng của vợ chồng Thào Mìn Hoa

Cho đến một ngày, cách đây độ 10 năm, người Trung Quốc tiến hành thu mua nghiến, thì mọi thứ thay đổi dần dần. Người Trung Quốc trang bị cho người Mông cưa xăng, thuê họ vào rừng đốn những cây nghiến ngàn tuổi, xẻ ra thành từng thớt, cõng sang bên kia biên giới bán. Rồi những bản làng xung quanh cũng bỏ hết nương rẫy vào rừng đốn nghiến. Họ tha nghiến nhẩn nha cả ngày lẫn đêm như đàn kiến chăm chỉ.

Khi chúng ta phát hiện ra chuyện ấy, thì đại ngàn nghiến trùm dãy Răng Cưa đã rỗng ruột. Chính quyền tỉnh mới sửng sốt tìm cách bảo vệ. Và con đường nhỏ xíu được mở, để xe máy có thể vào Mã Hoàng Phìn, để biên phòng, kiểm lâm có thể tuần tra, bảo vệ. Và cũng vì thế, mà điện thoại, xe máy, điện lưới mới đến được Mã Hoàng Phìn.

Những người đàn bà như Sùng Thị Dính chẳng bao giờ ra khỏi bản. Thế giới của chị là từ ngôi nhà ám muội đen đến nương rẫy. Vì thế, một tiếng phổ thông cũng không nói được. Trưởng bản Vàng Seo Quả giúp tôi phiên dịch, để hiểu được câu chuyện kỳ lạ, giải mã vì sao chồng chị, Thào Mìn Hoa lại làm cái việc kỳ cục như thế, tức là đem chân mình sấy trên gác bếp.

gac bep

Nương lúa nhỏ xíu khô hạn của vợ chồng Hoa

Dính sinh năm 1979, nhiều hơn chồng 3 tuổi. Quê Dính ở huyện Quản Bạ, bản Lò Sín Toỏng xa xôi. Năm 17 tuổi, Dính cuốc bộ cắt rừng một ngày giời sang tận đất Quản Bạ để kéo bà chị về làm vợ.

Lấy nhau, đẻ sòn sòn 2 đứa con trai. Thào Mìn Hoa trúng mìn vào cuối năm 2006. Chuyện Hoa trúng mìn chẳng có gì lạ, bởi ở bản Mã Hoàng Phìn với 30 nóc nhà, và cỡ 150 cư dân này, chuyện trúng mìn năm nào chẳng có.

Cả bản Mã Hoàng Phìn vốn là một bãi mìn lớn. Bộ đội công binh đã nhiều lần dựng lều, ăn dầm ở dề trong Mã Hoàng Phìn rà phá, thu gom, vô hiệu hóa hàng tấn mìn. Tuy nhiên, nhiều khu vực có địa hình phức tạp, nằm sâu trong rừng thì chưa thể gỡ hết. Hơn nữa, việc mìn còn sót vẫn có thể xảy ra.

Thi thoảng, người dân Mã Hoàng Phìn lại nghe tiếng đùng đoàng trầm đục vang lên ở một cánh rừng nào đó. Mọi người tá hỏa chạy về phía phát ra tiếng nổ, thấy con trâu nằm xõng xoài, hoặc con dê banh xác. Nhiều khi đồng bào được bữa chén thỏa thê khi một chú lợn rừng độc chiếc nằm trên vũng máu.

gac bep

Chân sấy gác bếp của Hoa

Vợ chồng Thào Mìn Hoa sống mãi gần đỉnh núi, được bố mẹ chia cho một mảnh ruộng gieo lúa nương. Mảnh đất nằm mãi trên đỉnh núi, chẳng có nước nôi gì. Vợ chồng Hoa vãi hạt lúa trên mảnh đất khô cằn ấy, mỗi vụ chỉ thu được vài chục kg gạo.

Ở vùng núi đá này, lương thực chủ yếu làn ngô. Vợ chồng Thào Mìn Hoa phải nhặt đá xếp thành ô, rồi xúc đất đổ vào, gieo hạt ngô vào đó. Cái món ngô xay, gọi là mèn mén, là món ăn chính của gia đình Hoa, cũng như dân bản.

Nhìn mảnh đất trong hõm núi sau nhà mà phát thèm. Hàng triệu năm phong hóa, rồi những cơn mưa xối đất đọng lại, khiến cái hõm núi ấy có thể cải tạo thành mảnh ruộng màu mỡ. Tuy nhiên, hõm núi ấy đã được bộ đội công binh cắm biển nguy hiểm, không được vào.

Thấy chồng bàn tính đốn cây, đốt rừng, cải tạo hõm núi ấy, dễ được cả mẫu ruộng, Sùng Thị Dính ủng hộ chồng. Nghĩ là làm, sớm hôm sau hai vợ chồng cơm đùm cơm nắm vác dao, cuốc trèo lên hõm núi trên đỉnh Răng Cưa. Hai vợ chồng hì hục phát rừng, dọn cỏ.

Khi dính đang gom cây dại thành đống, thì ở góc núi bên kia, tiếng mìn nổ khô khốc vang lên, khói trắng, khói đen, bụi đất mù mịt.

gac bep

Chị Dính bọc vải chứa chân chồng

Dính hốt hoảng chạy lại, thấy chồng nằm xõng xoài dưới mặt đất. Lá cây, đất cát phủ một lớp mỏng lên người. Quần áo rách tướp. Bắp chân phải của Hoa bị mìn xé te tua.

Dính khóc rống lên, cứ cuống cuồng, không biết phải làm gì. Dính lay gọi chồng không thấy chồng thưa. Dính chạy một mạch về bản. Trên đường chạy về, thì thấy cả đoàn người chạy lên. Nghe tiếng mìn nổ, đồng bào đã chạy lên đỉnh núi xem ai trúng mìn.

Vàng Seo Quả kể rằng, khi nghe tiếng mìn nổ, Quả đã cùng mọi người chạy lên đỉnh núi. Đang lên thì gặp Dính vừa chạy vừa khóc. Hoa chính là bạn thân của Vàng Seo Quả. Quả đặt chiếc lá mỏng lên mũi Hoa, thấy lá vẫn phấp phới. Vậy là Hoa vẫn còn thở, tìm vẫn đập. Mọi người thay nhau cõng Hoa về nhà.

Đặt Hoa giữa nền nhà, mọi người đang bàn tính cách làm tang ma, thì Hoa tỉnh dậy, chuyện trò bô bô. Con đường từ Mã Hoàng Phìn ra đến trung tâm xã mất một ngày cuốc bộ, nên chẳng ai tin Hoa sẽ sống được đến lúc về đến Bệnh viện Hà Giang.

Tuy nhiên, đợi cả tiếng sau, thấy Hoa vẫn tỉnh táo, khỏe mạnh, lại còn vui vẻ nói đùa, chẳng kêu đau đớn gì, nên mọi người chuẩn bị võng, cáng. Thanh niên khỏe mạnh trong bản được phân công nhiệm vụ thay nhau khiêng Hoa, cứ vừa đi vừa chạy. Chị em phụ nữ chuẩn bị cơm đùm, cơm nắm.

gac bep
Trưởng bản Vàng Seo Quả và chiếc chân của Thào Mìn Hoa

Đoàn người khiêng Thào Mìn Hoa từ trưa đến nửa đêm, thì về đến trung tâm xã Minh Tân. Y tá ở xã băng bó, tiêm thuốc trợ sức, ga-rô, rồi dùng xe máy chở Hoa về Bệnh viện tỉnh Hà Giang.

Nhìn bắp chân te tua thịt, lộ 2 khúc xương ra ngoài, bác sĩ đành phải tiến hành cưa chân.

Vừa tỉnh dậy sau cơn mê dài, câu đầu tiên Thào Mìn Hoa hỏi là: “Chân đâu rồi?”. Hoa đòi gặp bác sĩ phẫu thuật. Bác sĩ cười bảo: “Biết người H’Mông có phong tục giữ lại bộ phận cơ thể, nên chúng tôi ướp lạnh chân cho anh rồi. Anh cứ yên tâm dưỡng sức, khi nào khỏe thì mang chân về làm kỷ niệm”.

Ra viện, Hoa xách theo thùng đá ướp chân về lại bản Mã Hoàng Phìn. Hoa đặt cái chân lên gác bếp, rồi ngày ngày chất củi đốt, khiến hơi nóng ngày đêm tỏa lên, rồi khói ám quanh chân, khiến cái chân khô nhanh, quắt lại. Chỉ 10 ngày hun khói, bàn chân Hoa đã trở thành… xác ướp!

Chị Dính kể, mấy tháng sau, Hoa lôi bàn chân xuống xem, thấy chuột gặm mất mấy miếng, nên Hoa đã lấy chiếc áo rách te tua mặc hôm trúng mìn bọc bàn chân lại. Hoa lại lấy thêm mảnh vải nữa bọc bên ngoài, bó chặt, rồi đặt lại gác bếp.

Thi thoảng, Hoa lại lấy bàn chân khỏi gác bếp rồi mở ra xem chân mình còn đẹp không, có bị mối mọt xơi không?

Đồng bào H’Mông quan niệm: Khi cha mẹ sinh ra, cơ thể đầy đủ các bộ phận, khi chết đi, bị cụt chân, cụt tay, tổ tiên không nhận ra, nên không về thế giới bên kia được. Do đó, nếu bị cưa chân, cưa tay, họ sẽ giữ lại bộ phận đó. Khi chết, người nhà sẽ đặt bộ phận đó vào áo quan, để con ma được đầy đủ bộ phận.

Đó chính là lý do khiến đồng bào H’Mông miền biên ải Hà Giang giữ lại những cái chân bị cưa bởi trúng mìn.

Theo VTC

Các tin cũ hơn