Đếm nhịp tim giây phút cuối cùng của Đại tướng

Thứ tư, 09/10/2013, 07:54
Chừng 17 giờ 30 chiều ngày 4/10, mạch của Đại tướng chỉ còn 37 nhịp/phút. Rồi tiếp đến là 36, 39, rồi 35, 29 và 27 và cứ giảm dần, giảm dần…

Tất cả những người có mặt bên giường bệnh của Đại tướng đã không tránh khỏi xót xa, những tiếng nấc nghẹn, những cái quệt tay chùi nước mắt của người thân, điều dưỡng và cán bộ bệnh viện.

Và rồi nhịp tim của Đại tướng đã dừng lại lúc 18g09 chiều 4/10/2013. Những tiếng khóc vỡ òa ngay tại căn phòng tầng 2 nơi Đại tướng nằm.

Tuong Giap
Thiếu tướng - TS Nguyễn Trọng Chính (bìa trái), chính ủy Bệnh viện 108, đưa đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 7/2012.

Ký ức của những người cận kề bên Đại tướng giây phút cuối vẫn vẹn nguyên nỗi đau, mất mát về sự ra đi của vị tướng già.

“Giây phút ấy mọi người đều có mặt và tất cả chúng tôi hiểu rằng điều này rồi sẽ đến nhưng không ai cầm được nước mắt. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào tin được ông đã ra đi”, chị Trần Ngọc Lan, một trong hai đầu bếp đã phục vụ những bữa ăn cho Đại tướng ở bệnh viện, bật khóc.

Sự im lặng, mất mát xâm lấn dần. Giáo sư, anh hùng lao động Phạm Gia Khải, người có mặt trong tất cả buổi hội chẩn liên quan đến sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Ngay cả lúc 15g chiều dù sức khỏe đã suy kiệt lắm rồi nhưng Đại tướng vẫn còn rất tỉnh táo.

Tôi còn nhớ mỗi lần đến thăm ông trước đây, dù ông phải mở khí quản vì thở khó khăn nhưng lần nào ông cũng bắt tay tôi và cười rất đôn hậu. Nhưng trong lần gặp cuối cùng ấy, ông không bắt tay tôi nữa, nhưng khi chúng tôi chào thì trên gương mặt ông đã biểu lộ cảm xúc.

Sau những giờ phút thăm bệnh Đại tướng lần cuối cùng, 4 người con của đại tướng cùng toàn bộ êkip bác sĩ của Bệnh viện 108, bác sĩ riêng của Đại tướng đã gắn bó với sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được mời xuống phòng hội chẩn dưới tầng 1.

Sau khi nghe các bác sĩ báo cáo tình trạng tim mạch, huyết áp, nước tiểu, hồng cầu, tiểu cầu… từ kíp trực bệnh và các bác sĩ cũng đưa ra nhận định, đánh giá về sức khỏe của Đại tướng.

Sau đó bác sĩ hỏi ý kiến lần lượt các người con của Đại tướng rồi giáo sư Phạm Gia Khải mới đưa ra kết luận cuối cùng.

“Lúc ấy tôi đã nói rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là bệnh nhân mà ông còn là biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Nhưng Đại tướng đã 103 tuổi, cơ thể cũng đã già nua và tất cả phương tiện hiện đại không thể chống chọi lại được với sự suy giảm này.

Dù rất đau lòng nhưng chúng tôi phải chấp nhận thực tế ấy. Và các con của Đại tướng cũng thống nhất quan điểm đối với đội ngũ các bác sĩ”, giáo sư Phạm Gia Khải kể về buổi hội chẩn cuối cùng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Buổi hội chẩn kéo dài hơn so với rất nhiều buổi hội chẩn khác. 17h chiều, buổi hội chẩn kết thúc. Lúc này toàn bộ người thân và các bác sĩ Bệnh viện 108 đã có mặt bên giường bệnh của Đại tướng chờ đợi giây phút đau lòng nhất.

“Dù biết giây phút ấy rồi cũng sẽ đến nhưng đội ngũ cán bộ y tế gắn bó với người cảm thấy rất đau đớn”,  thượng tá, bác sĩ Vũ Phi Hải, phó chủ nhiệm khoa A11, vẫn còn thảng thốt khi nói về tình cảm của những người ở lại đối với Đại tướng.

Bác sĩ Vũ Phi Hải rưng rưng khi nhắc đến mới hôm qua thôi, mọi người vẫn còn nhìn thấy ông: “Có lúc Đại tướng khỏe, có lúc Đại tướng yếu, đó là chuyện thường gặp ở người già. Trong 1.559 ngày ông ở Viện, có nhiều lần ông trở bệnh nặng nhưng rất may mắn là những lần ấy đã điều trị cho ông thành công. Dù nhiều lần ông trải qua những giây phút rất nguy hiểm nhưng ông tỉnh táo đến giây phút cuối cùng”.

Và đến giờ, sự mất mát ấy là có thật và rõ ràng là kể từ giây phút đó đến nhiều ngày sau, những điều dưỡng, bác sĩ, công vụ... có thể vẫn đi ngang qua căn phòng trên tầng 2 mà Đại tướng đã ở trong suốt 1.559 ngày qua, nhưng không ai còn có thể chạy vào đó mà gọi “ông ơi” nữa!.

Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • Tìm hiểu về hba1c và bệnh đái tháo đường