Việc sắp xếp đọc báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại hội trường có lẽ mang ý nghĩa dành cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi nhiều hơn.
Bởi từ trước phiên khai mạc, dự thảo báo cáo này và dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mới nhất đã được gửi đến tay từng vị đại biểu. Và đương nhiên, quan tâm lớn nhất của từng vị đại diện cho dân tại kỳ họp lịch sử này cũng nằm ở đây.
Quốc hội khóa 13 có một trách nhiệm lịch sử, đó là đóng vai trò Quốc hội lập hiến, điều nay hẳn không cần tranh luận. Và điều đó đã khiến không ít vị đại diện cho dân kiên trì quan điểm, tất cả những vấn đề khác nhau cần thảo luận đến cùng, để đi đến quyết định chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Quốc hội khóa 13 có một trách nhiệm lịch sử, đó là đóng vai trò Quốc hội lập hiến.
Một vị đại biểu chia sẻ, biết bao vấn đề đưa ra từ dự thảo Hiến pháp lần đầu, rồi thảo luận, lấy ý kiến, rồi tiếp thu chỉnh lý, rồi lại thảo luận, tiếp thu…, nay thấy cũng có phần hụt hẫng trước bản dự thảo mới nhất.
Còn sớm 22/10, một vị đại biểu dày dạn kinh nghiệm ba nhiệm kỳ Quốc hội thì quả quyết sẽ “không nói gì về Hiến pháp nữa”.
Ông không phải là người “ngại” báo chí, lại càng không phải “ngại” nói về Hiến pháp, bởi là đại biểu chuyên trách, nhiều kinh nghiệm trong công tác lập pháp, không những tham gia ban biên tập mà chính ông còn nhận thiết kế một số nội dung tại dự thảo.
Nhưng, cũng như một số vị đại biểu khác, ông có lý do riêng. Một trong đó, có thể chính là vì đã… nói quá nhiều.
Tài liệu lưu trữ từ kỳ họp đầu tiên Quốc hội bàn thảo về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào cuối năm 2012 cho thấy, tại đây, vị đại biểu nói trên đã thể hiện quan điểm: lần sửa này, về chế độ chính trị, về kinh tế, về tổ chức nhà nước có điểm gì là dấu ấn thì Quốc hội phải thảo luận thật kỹ và để dân phải đóng góp, vì quy định tại dự thảo còn mờ nhạt.
Và ngay ở đó, ông đã đề nghị phải làm rõ chính quyền địa phương là ai và quyền tự chủ đến đâu.
Cuối tháng 3/2013, ở diễn đàn dành riêng cho các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được tiếp thu những góp ý ban đầu của nhân dân, vị đại biểu này nhận xét “cái quan trọng nhất có thể làm được thì chúng ta làm qua loa, trong khi lại sửa những chỗ không cần thiết”.
Và để khắc phục sự “qua loa” tại dự thảo, ông hứa tự thiết kế chương chính quyền địa phương và quy định về ngân sách theo hướng nâng được tự chủ địa phương, tách biệt ngân sách quốc gia, ngân sách địa phương để “chặt” hoàn toàn cơ chế xin - cho như hiện nay.
Thiết kế ông đã gửi, nhưng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được trình tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội sau đó hai tháng không sử dụng. Vì thế, ngay ở phiên thảo luận tổ để tiếp tục cho ý kiến về dự thảo, ông đã nói lời xin lỗi, vì tự thấy “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhưng dù thế, ông vẫn tiếp tục lên tiếng, ở cả tổ và ở cả hội trường, về những nội dung còn đang để hai, ba phương án. Ông cũng không ngần ngại tỏ rõ quan điểm khi trả lời báo chí là, không nên hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Cuối tháng 9 vừa qua, tại hội nghị đại biểu chuyên trách góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự án Luật Đất đai sửa đổi, ông vẫn kiên trì quan điểm không đặt vấn đề thành phần kinh tế nào là chủ đạo vì trái với quan điểm nhất quán của Đảng là không phân biệt thành phần kinh tế.
Ông cũng đề nghị phải thay đổi căn bản nhận thức về ngân sách hiện nay, Quốc hội không nên phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước một cách hình thức.
Với chính quyền địa phương ông đề nghị bổ sung nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Và ông cũng ủng hộ phương án thành lập Hội đồng Hiến pháp với chức năng chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.
Trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được hoàn thiện sau hội nghị đó để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ sáu vừa khai mạc sáng 21/10, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước vẫn được hiến định, không quy định Hội đồng Hiến pháp. Còn Quốc hội vẫn quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước...
Dĩ nhiên, dù tâm huyết đến đâu, dù có tinh thần thảo luận “đến cùng” đi nữa, vị đại biểu nói trên cũng chỉ có thể góp 1/498 lá phiếu để quyết định số phận của bản Hiến pháp được sửa đổi. Và, không hẳn là mọi ý kiến của ông đã trùng với quan điểm của đa số đại biểu, cũng như đáp ứng được mong mỏi của cử tri.
Nhưng điều không thể phủ nhận, là không nhiều cử tri và kể cả đại biểu có thời gian, có điều kiện, có cơ hội để có thể tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp như ông. Nên, cũng không khó lý giải về những khoảng lặng đang tồn tại trước giờ thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp.