Người dân không lấy lãnh đạo làm gương nữa rồi?

Thứ ba, 22/10/2013, 08:41
"Mất niềm tin", "giảm sút niềm tin" là những cụm từ các đại biểu QH nhắc nhiều lần trước tình trạng người dân tự xử: giết người trộm chó, chống đối chính quyền...

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, ông "đồng cảm với những ý kiến đó". Người ta luôn có xu hướng lấy lãnh đạo làm tấm gương, nhìn vào đó như tinh hoa của xã hội... Nhưng bây giờ không còn được như thế nữa rồi...".

Đại biểu Quốc hội đúng quá rồi!
- Sau những chuyện bức xúc như đánh chết kẻ trộm chó, chống đối chính quyền... các đại biểu Quốc hội đã nhắc đến những cụm từ "mất niềm tin", "giảm sút niềm tin" của dân chúng vào cán bộ, cơ quan công quyền. Phải chăng, đó là minh chứng rõ nhất cho thực trạng xã hội hiện nay, thưa ông?
Các vị trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những người từng trải qua nhiều cương vị công tác với trình độ, năng lực và đạo đức vào loại khá. Họ nhìn rõ những vấn đề của đất nước, nhìn thấu tình đạt lý. Do đó, vấn đề họ nêu ra như thế thì đúng quá rồi. Tôi đồng cảm với những ý kiến đó.
Ông Vũ Mão, nguyên chủ nhiệm văn phòng Quốc hội
- Chính vì thế, đó không còn là nỗi niềm riêng của các đại biểu Quốc hội nữa?
Tôi cho rằng đây không phải là nỗi niềm riêng nữa đâu. Bởi đúng là bây giờ, đạo đức xã hội xuống cấp quá. Nhiều người chỉ biết thu lợi cho mình, háo danh cầu chức. Ta cứ bảo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà ngay yếu tố đầu tiên là "nhà nước pháp quyền" cũng chưa làm được, vì pháp luật không được thực thi nghiêm túc.
Năm tiêu chí để gây dựng niềm tin
- Ông quan niệm thế nào về niềm tin của dân chúng đối với thể chế chính trị?
Việc quản lý xã hội bằng pháp luật, bằng hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là rất quan trọng. Nói là niềm tin, lòng tin với thể chế chính trị chính là có lòng tin với Đảng, với Nhà nước, nhưng trước hết nó được xuất phát từ lòng tin với từng con người trong việc thực thi công quyền. Khi nào dân còn tin vào cán bộ nghĩa là còn tin vào thể chế, khi đó thể chế còn. Ngược lại, thể chế sẽ bị suy vong.
- Vậy cơ sở nào để gây dựng niềm tin của dân chúng, thưa ông?
Niềm tin đó cần phải dựa trên những tiêu chí sau: Thứ nhất, những người cán bộ, đảng viên phải có lý tưởng sống đàng hoàng chứ không phải chỉ nói bằng mồm. Thứ hai, họ phải có hành động đúng đắn để mang lại lợi ích thiết thực cho dân. Thứ ba, bản thân những con người đó phải có đạo đức, phải gương mẫu, phải là công bộc của dân. Thứ tư, họ phải miệng nói tay làm. Thứ năm, phải gần gũi và gắn bó với nhân dân, đau nỗi đau của người dân.
- Nếu chiếu theo những tiêu chí ấy thì với riêng cá nhân ông, niềm tin với cán bộ bây giờ có trọn vẹn?
Không chỉ tôi mà với rất nhiều người dân, thì niềm tin đó hiện nay không còn trọn vẹn nữa. Tôi không nói niềm tin bị mất hẳn nhưng mà nó đã suy giảm đi nhiều lắm rồi. Và nên nhớ, việc suy giảm niềm tin không chỉ ở người dân.
- Phải chăng ông định ám chỉ chính cán bộ cũng suy giảm niềm tin?
Đúng. Người ta luôn có xu hướng lấy lãnh đạo làm tấm gương, nhìn vào đó như tinh hoa của xã hội. Và niềm tin có được từ đấy. Bác Hồ là một tấm gương như vậy. Nhưng bây giờ không còn được như thế nữa rồi... Vì thế, dân giảm mất niềm tin vào cán bộ. Cán bộ cấp dưới giảm mất niềm tin vào cấp trên. Cứ như thế, niềm tin mất đi nhiều quá!
Lãnh đạo nào chả nói "tin dân"
- Theo ông thì những cán bộ, nhất là cán bộ cấp trên có biết điều này?
Sao lại không biết! Vì nó cũng là hệ quả tất yếu thôi.
- Hệ quả tất yếu của cái gì vậy, thưa ông?
Đó là việc chính người dân cũng chưa được tin tưởng.
- Sao lại bảo dân chưa được tin tưởng, vì Nhà nước ta là "của dân, do dân, vì dân" kia mà?
Đương nhiên, lãnh đạo nào mà chả nói câu cửa miệng rằng "tôi rất tin ở dân, không tin dân thì không làm gì được nữa". Nhưng không chỉ  nghe họ nói mà phải xem họ làm thế nào? Đơn cử như việc trưng cầu ý dân cho Hiến pháp, sâu xa thể hiện lòng tin ở dân. Nhưng rồi cuối cùng lại bảo dân chưa hiểu biết hết. Lãnh đạo còn sợ dân, sợ những ý kiến của dân ủng hộ vấn đề này kia thì làm sao mà nói là tin dân được. Rõ ràng, lãnh đạo chưa có niềm tin vào dân một cách đầy đủ.
- Theo ông thì vì sao lãnh đạo còn "sợ dân", "chưa tin dân một cách đầy đủ"?
Vì họ chưa xứng đáng là công bộc của dân. Không ít cán bộ lười biếng, được chăng hay chớ, làm cho qua ngày đoạn tháng. Thứ hai, là những người thi hành công vụ nhưng họ lại vô cảm. Hiện tượng vô cảm thì không phải bây giờ mới nói, mà cách đây hơn 20 năm, khi bàn về Đổi mới đã nói đến chuyện này rồi. Nhưng bây giờ, vô cảm đã thành tệ nạn, ăn sâu vào từng tế bào xã hội.
Họ còn sợ dân là vì khi dân nói đúng sẽ động chạm đến họ, chạm đến "mặt sau" của họ nên họ né đi, thậm chí là tìm cách trù dập. Thế thì làm sao còn xứng là công bộc của dân nữa! Làm sao để dân tin được nữa!
Phải tạo ra cơ chế tranh cử
- Nếu chia niềm tin theo các cấp độ cao, thấp, chạm đáy, theo ông thì bây giờ, thực trạng xã hội đang phản ánh niềm tin ở cấp độ nào?
Nghị quyết Trung ương 4 đã nói rõ, cấp bách hiện nay là phải xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ để giữ được niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước, thể chế chính trị. Đây là tiếng chuông báo động sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nó cũng cho thấy niềm tin xuống đáy rồi.
Nhìn lại những năm từ 1980 đến 1986, niềm tin trong nhân dân cũng đã từng xuống đáy nên tại Đại hội VI của Đảng đã đưa ra khẩu hiệu "Đổi mới, đổi mới và đổi mới" và "Đổi mới hay là chết".
- Nghĩa là, đã đến lúc chúng ta cần có một bước đột phá như Đại hội VI để lấy lại niềm tin trong dân chúng?
Tôi muốn tinh thần của Đại hội VI phải được hâm nóng lại như thế. Nhưng trước hết, quan trọng nhất, chúng ta phải tạo ra đội ngũ cán bộ có đức, có tài, từ đó tìm ra những minh chủ. Đó phải là người có lý tưởng, đạo đức, năng lực. Chứ cách làm nhân sự như vừa qua có những nhược điểm rất cơ bản mà không thể chọn ra được những người giỏi, dù nước ta không thiếu người tài năng.
- Vậy, tìm minh chủ bằng cách nào, thưa ông?
Điều quan trọng là phải tìm ra cách làm mới. Một trong những yếu tố đó là phải tạo ra cơ chế tranh cử trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước. Nghĩa là, trong việc bầu ra các chức vụ phải có tranh cử, phải có ít nhất hai ứng cử viên trở lên để có sự so sánh.
Đại hội XII của Đảng ta không còn xa nữa. Cùng với những quan điểm đã được các Hội nghị Trung ương Đảng đề cập, tôi thấy bên cạnh việc tìm ra người tài thì phải xây dựng cơ chế chống tham nhũng có hiệu quả (trong đó làm rõ việc kê khai tài sản là khâu mấu chốt). Làm được như thế mới hy vọng lấy lại niềm tin trong nhân dân.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
"Ta đang gặp phải vấn đề rất lớn là thiếu cảnh giác khi theo cơ chế thị trường. Đơn cử, ta có hệ thống pháp luật chống tham nhũng tỏ ra khá đầy đủ, và một trong những vấn đề quan trọng nhất là xây dựng cơ chế kê khai tài sản một cách thực chất. Thế nhưng, người kê khai chỉ chọn kê khai ở mức thấp nhất. Anh ta làm như thế là không hề trung thực nhưng không bị phát hiện và đương nhiên là không bị xử lý gì. Đấy là biểu hiện của việc chúng ta không cảnh giác nên người ta mới gian dối được".
Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn