Sinh năm 1959, ông Phạm Bình Minh quê ở Nam Định, có học vị thạc sỹ Luật và Ngoại giao tại Trường Fletcher Tuft, Mỹ. Ông Minh là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Xuất thân trong gia đình có cha là nhà ngoại giao nổi tiếng (ông Nguyễn Cơ Thạch, tên khai sinh Phạm Văn Cương, từng là Bộ trưởng Ngoại giao và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), ông Phạm Bình Minh nối nghiệp cha khi theo học tại ĐH Ngoại giao Hà Nội (nay là Học viện Ngoại giao). Tốt nghiệp năm 1981, ông làm chuyên viên Vụ Đào tạo (Bộ Ngoại giao) và trải qua quá trình hoạt động liên tục 30 năm trong ngành trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII năm 2011.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Phan Lê. |
Trong quá trình công tác, ông Minh từng trải qua các cương vị như Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Anh; Đại sứ, Phó trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc; Công sứ, Phó Đại sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông Minh có thời gian làm trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi ông Khiêm kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao.
Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ vào năm 2006 khi vừa được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, ông Minh chia sẻ về ảnh hưởng của người cha đối với sự nghiệp ngoại giao của mình: “Cha tôi nói rằng ông rất tâm huyết với nghề ngoại giao và mong mỏi có một người con nối nghiệp. Tôi thật sự biết ơn cha tôi vì đã hướng tôi vào một công việc nhiều ý nghĩa”.
Về con đường thăng tiến trong sự nghiệp, ông Minh nói: “Cha tôi nghỉ việc ở ngành ngoại giao từ năm 1991 và mất cách đây đã 8 năm (năm 2006). Nhưng những kết quả tôi đạt được ngày nay phần nhiều nhờ tôi học từ cha mình. Ông vừa là người cha vừa là người thầy của tôi và ảnh hưởng rất lớn tới phong cách làm việc của tôi”.
Nói về công việc của mình trên cương vị người hoạt động hàng chục năm ở ngoại giao đa phương, ông Minh cho rằng, “vai trò của người cán bộ ngoại giao trong thời bình cũng quan trọng như vai trò của người lính trong thời chiến”.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Đam, sinh năm 1963 (tại Hải Dương), lưu học sinh tại Vương quốc Bỉ trong 6 năm kể từ 1982. Ông có học vị tiến sĩ về kinh tế, thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và là Bộ trưởng trẻ nhất tại thời điểm bổ nhiệm năm 2011 trong Chính phủ đương nhiệm.
Khác với hoạt động gói gọn trong lĩnh vực ngoại giao như ông Phạm Bình Minh, ông Vũ Đức Đam trải qua rất nhiều vị trí. Khởi đầu với cương vị cán bộ Công ty Dịch vụ kỹ thuật và Xuất nhập khẩu vào năm 1988, 5 năm sau, ông Đam trở thành Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế (đều thuộc Tổng cục Bưu điện). Lúc này, ông Đam mới 30 tuổi.
Hình ảnh quen thuộc của ông Vũ Đức Đam tại các cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Ông Đam sau đó được phân công công tác tại Văn phòng Chính phủ và trở thành Vụ trưởng, Thư ký Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 1996. Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt không còn giữ các chức danh trong Chính phủ và được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì ông Đam vẫn tiếp tục làm trợ lý cho ông Kiệt tới 2003.
Kể từ 2003, ông Đam trải qua nhiều vị trí, như Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch rồi Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh. Ông giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông trong khoảng 2 năm (2005-2007) trước khi chuyển qua làm Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Ninh rồi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh vào năm 2010.
Ông Đam được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2007 khi 44 tuổi. Bốn năm sau, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và được phê chuẩn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII.
Giữ vai trò “người phát ngôn Chính phủ”, chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ, hai năm qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam là gương mặt quen thuộc với giới truyền thông và thường xuyên phải đối mặt với các câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề bức xúc trong dư luận. Ông cũng là người khởi xướng chương trình Dân hỏi bộ trưởng trả lời trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ với mong muốn thêm một cầu nối giữa người dân với các vị đứng đầu bộ, ngành.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, ngày 12/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Phó thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam. Việc bỏ phiếu miễn nhiệm sẽ diễn ra vào sáng 13/11. Trong ngày 13/11, Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ vị trí Phó thủ tướng. Việc bỏ phiếu phê chuẩn được tiến hành vào sáng 14/11, sau khi các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận. Nếu không có gì thay đổi thì sáng 14/11, Chính phủ sẽ có 2 Phó thủ tướng mới. Cùng ngày, Thủ tướng cũng trình Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự vào vị trí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. |
Theo Vnexpress