Mãi đến 8h sáng ngày 17/10, chị Phạm Thị Hường mới về đến nhà để chịu tang chồng. Gia cảnh khó khăn, chị phải tha hương vào Gia Lai làm thuê. Chồng chị là anh Mai Xuân Phụ tử vong rạng sáng 16/10 do một cơn lốc bất ngờ ập đến thôn Dài, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.
“Rạng sáng 16/10, cơn lốc kéo đến quá bất ngờ, nhanh và mạnh khiến mọi người không kịp trở tay. Gió xoáy tốc ngói bay khắp nơi, rơi xuống sân vỡ kêu răng rắc”, bà Dương Thị Toàn, người dân thôn Dài, xã Quảng Sơn, kể.
Hình ảnh quan tài người chết ngâm trong lũ dữ ở Quảng Bình gây xúc động trong nhiều ngày qua. |
Lúc đó, anh Mai Xuân Phụ ngủ ở nhà dưới. Gió hú ầm ầm, nước tuôn xối xả, bất ngờ mảng tường đổ sập kéo theo đòn tay và mái ngói đè khiến anh Phụ tử vong. Ngủ trong nhà lúc này cùng anh còn có người con trai. Tuy nhiên, người này ngủ ở nhà trên nên không bị thương. Chị Hường cho biết căn nhà cấp 4 xây được gần 5 năm nay.
“Vùng thấp trũng, nhà chỉ được ít ruộng. Hàng ngày, chồng tôi vừa làm thuê, vừa làm đồng kiếm ít cá tôm sống qua ngày. Nghèo quá nên tôi lên Gia Lai làm thuê. Ai ngờ quê nhà bão lụt khiến tôi không còn cơ hội gặp lại chồng mình”, chị Hường nức nở. Vợ chồng chị Hường có 3 người con, đều đã lớn.
Anh Phụ tử vong nhưng đám tang cũng không được chu toàn như người bình thường. Sáng sớm, người thân mua cỗ áo quan, khâm liệm nạn nhân cẩn thận. Tuy nhiên, do nước lũ lên nhanh, nhà neo người không ai canh nên quan tài bị cuốn theo dòng nước.
Bàn thờ người chết lập vội không có di ảnh, chỉ có đĩa hoa quả đơn sơ. |
May mắn hàng xóm phát hiện nên giữ lại. Lúc đó là khoảng 10h30 sáng 16/10. Người dân cột chặt quan tài vào cây trụ điện cao thế đã đổ nghiêng trước nhà, để khỏi bị nước lũ cuốn đi.
Cho đến 13h chiều cùng ngày, đám tang anh Phụ được cử hành vội vã trong mưa lũ. Người dân và chính quyền địa phương dùng thuyền đưa quan tài ra nghĩa địa. Nhiều người cho biết, khoảng cách từ nhà đến nghĩa địa chỉ 700m nhưng bị lũ chia cắt nên mất 1 giờ mới đến nơi.
Nơi anh Phụ bị ngôi nhà đè tử vong. |
Bàn thờ lập vội cũng chỉ có đĩa hoa quả, hai chai nước, 2 gói bánh với lư hương. Gia đình chưa chuẩn bị kịp di ảnh cho người quá cố. Phía sau bàn thờ của anh là đống đổ nát của căn nhà. Sáng 17/10, người nhà nén đau thương dọn lại nhà, lợp lại mái để đưa bàn thờ anh Phụ vào nơi khô ráo, an toàn.
Không chỉ nhà anh Phụ mà toàn bộ thôn Dài đổ nát, tanh bành như vừa qua một trận bom.
"Chưa thấy trận lũ nào về nhanh như lần này"Ngày 17/10, có mặt tại “túi lũ” Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, chúng tôi chứng kiến vẫn còn hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu trong biển nước, một số tuyến đường giao thông vẫn bị cô lập khiến việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn. Thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mới cách đây 1 ngày, phần lớn xã Sơn Trạch bị chìm trong biển nước. Trong đó, các thôn như: Xuân Tiến, thôn Cổ Lạc 1, Cổ Lạc 2, Cổ Giang, Hà Lời, Trằm Mé, Phong Nha,…bị ngập sâu từ 3 - 4m, nơi thấp nhất cũng tầm 2m. Trong sáng nay, dù mực nước đã giảm từ 2 – 3m so với trước nhưng nhiều nơi vẫn còn bị ngập sâu. Đang cố nhặt nhạnh lại những gì còn sót sau lũ, anh Phan Anh Tuấn bàng hoàng nói: Tui chưa thấy trận lũ nào về nhanh như lần này. Gần đây nhất là năm 2010, lũ cũng lớn nhưng nhà tui chỉ bị ngập chừng 1,5m. Còn lần này lũ về quá đột ngột, chỉ trong 20 phút mà nước đã dâng cao hơn 1m khiến nhà tui không kịp trở tay. Lúc đó mọi người chỉ biết tìm nơi mà trú để bảo toàn tính mạng, còn tài sản thì đành để chìm trong nước. Đến đêm qua, gia đình tui phải thức cả đêm để chờ nước rút, sáng nay mới bắt tay vào dọn dẹp. Kinh hoàng quá!" Nhà anh Trần Đức Minh, ở thôn 1 Phong Nha cũng bị ngập sâu hơn 2m. Anh Minh cho biết, toàn bộ đồ đạc trong nhà đã bị ngập hết. Đến sáng nay mới dọn xong nhưng phần nhiều đã bị hư hỏng. Tranh thủ dọn dẹp xong nhà cửa, anh Minh ra cửa hàng ở chợ Xuân Sơn để thu dọn một số thứ. Tuy nhiên, ra đến nơi thấy cảnh tượng tan hoang khiến anh càng thấy thất vọng. Không riêng gì anh Minh mà hàng trăm tiểu thương ở chợ này cũng khốn vì lũ. Chị Hoàng Thị Mai bán tạp hóa ở chợ Xuân Sơn bất lực nói: "Cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông cậy vào ki – ốt tạp hóa này. Thế nhưng, giờ bị ngập trong nước, hư hỏng hết rồi. Nhà cửa chưa dọn xong nhưng phải ra đây kê lại đồ đạc, gom những gì còn sót để sống tiếp chứ không thì chết đói cả nhà, chú à". Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban quản lý chợ Xuân Sơn cho biết, toàn bộ khu chợ này hiện vẫn còn bị ngập sâu từ 1 - 1,5m, hàng trăm quầy hàng đã bị chìm trong nước lũ. Hôm qua, khu vực này bị ngập lên tới nóc nhưng đến tối nước đã bắt đầu rút. "Hiện mọi người trong chợ đều tất tưởi lo thu dọn cửa hàng chứ để lâu thì hư hại hết". Anh Phạm Văn Diệu, thôn 1 Cổ Lạc cùng bố mình là ông Phạm Văn Khiên cũng tranh thủ lúc nước rút để quét dọn nhà cửa. Cơn bão vừa qua đã khiến nhà anh bị hư hỏng toàn bộ mái. Vừa mới khắc phục xong thì trận lũ mới lại tràn về. Hiện nhà anh vẫn hết sức ngổn ngang, toàn bộ vật dụng như bàn ghế, tủ, giường buộc phải kê cao. Ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch cho biết, trận lũ được xem là lớn nhất trong những năm gần đây đã nhấn chìm hơn 2.000 hộ dân xã này. Hiện nhiều nơi đang bị ngập sâu gần 2m như: Trằm Mé, Xuân Tiến, còn những vùng như: Cổ Giang, Cổ Lạc, Hà Lời cũng đang bị cô lập trong lũ. Đêm qua và sáng hôm nay, khi nước lũ bắt đầu rút thì bà con mới bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, do lượng bùn đất bị nước lũ cuốn về quá nhiều khiến cho công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. |
Theo Nguoiduatin