Hai thôn này thuộc xã Quảng Sơn, một trong bốn xã của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), nơi vừa phải chịu hậu quả nặng nề nhất của cơn lốc xoáy bất ngờ đêm 16-10.
“Còn hơn trận bom B-52”
Không ít người Quảng Bình thảng thốt nói. Khắp nơi là cảnh gãy đổ, sập nát. Không căn nhà nào còn nguyên vẹn: mái bay, tường đổ, cột gãy. Không món đồ nào còn lành lặn, giữ được vị trí. Không cái cây nào còn đứng thẳng: bật gốc, gãy gục, cụt ngọn. Trên những bức tường còn may mắn trụ vững, vết thâm của lũ in dấu tận gần mái nhà. Nước đã rút, để lại một lớp bùn đặc quánh màu phù sa, có chỗ dày nửa mét...
Làm sao mà hơn cả bom B-52? Người từ xa đến không khỏi thắc mắc về cách so sánh này. “Là vì bom thả thì chỉ có chỗ có nơi, chớ không tràn lan không chừa chỗ mô như ri” - một bà cụ khoát tay xung quanh giải thích cặn kẽ. Thì ra vậy. Cơn gió lốc bất ngờ đêm 16-10 chỉ lướt qua vài phút.
Tài sản gia đình ông Nguyễn Văn Thuần (xã Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình) giờ lẫn trong đống đổ nát - Ảnh: Tiến Long |
“Chúng tôi nghe tiếng rít ù ù như tiếng máy bay ngay trên mái nhà, thế rồi nghe ầm ầm, mọi thứ đều tan nát” - chị Trần Thị Thủy ở thôn Hà Sơn kể. Căn nhà nhỏ vợ chồng chị mới cất khi ra riêng đổ sập, vậy mà hai vợ chồng lại ôm được đứa con mới 6 tháng tuổi chui ra an toàn. Chị là người duy nhất nói với chúng tôi một câu lạc quan ngay khi cơn gió vừa qua: “Không sao mô. Mất hết rồi nhưng còn người còn của. Nếu người mà mất thì của còn mần chi”.
Câu nói của chị được chứng thực trong những câu chuyện khác. Chị Trần Thị Hòa, y sĩ trạm y tế xã Quảng Sơn, vẫn còn hoảng hốt khi kể chuyện: “28 năm trong nghề, làm việc ở ngay trạm xá này nhưng chưa đêm nào tôi sợ hãi như vậy.
Khoảng hơn 12g đêm nghe ào ào trên mái nhà, tưởng như tiếng tàu chạy qua. Nào ngờ là gió lốc. Một giờ sau thì bệnh nhân được chở ào ạt qua sông. Bệnh xá có ba người gồm một bác sĩ, một y tá và tôi đều lao đến phục vụ cấp cứu. Phòng y tế huyện Quảng Trạch nghe báo đã huy động thêm các trạm xá khác có mặt...”.
Trạm y tế Quảng Sơn vừa mới xây xong, nhân viên vừa dọn sang được hai ngày, mái vừa bị bão số 10 cuốn bay chưa kịp lợp lại, cả khu vực đang bị mất điện suốt hai tuần qua (từ khi bão số 10 vào - PV). Tất cả đèn cầy, đèn sạc của cả xóm được huy động để phục vụ cấp cứu bệnh nhân. Huyện điều năm xe để đưa bệnh nhân chuyển viện.
“Nhưng mà lực bất tòng tâm...” - chị Hòa ngừng lời. Trong sổ trực của trạm ghi rõ có năm bệnh nhân bị chấn thương sọ não, những người còn lại đa chấn thương phần mềm, gãy tay chân... Tất cả đều vượt quá sức của một trạm y tế xã. Thêm vào tai họa, anh vợ của bác sĩ trạm trưởng lại chính là nạn nhân tử vong ngay khi căn nhà sập xuống, em gái anh cũng bị thương nặng. Trong đêm, anh phải như con thoi vừa lo cấp cứu nạn nhân vừa lo việc nhà.
Chưa kịp làm đám tang đã phải đi chôn
Sáng 17-10, khi chúng tôi đến nhà, Phan Thị Lan (21 tuổi) và Phan Ngọc Trung (12 tuổi) vừa thắt được chiếc khăn tang lên đầu bên bàn thờ cha là ông Phan Xuân Sơn (48 tuổi) còn chưa có di ảnh. Lan ôm em trai vào lòng, ngước đôi mắt đã cạn nước mắt, run giọng: “Em đi học xa, cả nhà thường ngủ ngoài quán tạp hóa để bán hàng, coi hàng. Từ hôm có bão, em về nhà nên em trai theo vào ngủ với chị. Nếu Trung cũng ở ngoài quán thì...”.
Cả xóm Linh Cận Sơn xúm lại kể chuyện ông Sơn đã tỉnh giấc ngay khi bức tường bị sập, chồm sang che đỡ cho vợ và bị đè nát cả thân người. Vợ ông bị gãy xương vai, rạn xương cột sống. Vừa tốt nghiệp trung cấp y, Lan phải nhờ bà con đưa mẹ đi viện, một mình ngược xuôi lo cho cha, cho em trai. “Vậy nhưng, ba chết vẫn chưa hết khổ...” - Lan kể mà không khóc được.
Quán sập, nhà tốc mái, mưa ào ạt không còn một chỗ khô. 4g sáng lực lượng bộ đội đã cấp tốc lợp lại mái nhà cho gia đình ông Sơn để có chỗ làm đám tang. Thi thể ông vừa được sửa soạn, thay quần áo đặt lên chiếc phản, áo quan chưa kịp chở về thì trên sông Nan, sông Gianh, nước lũ đã ào xuống.
Lan kể: “Bà con lại kéo chị em chạy lũ. Chạy lên đồi rồi, thấy nước cứ vậy dâng lên, ngập đồng, ngập đường, rồi ngập nhà. Thằng bé khóc: “Ba mô rồi? Cho em về cứu ba. Ba trôi mất...”. Em bỏ nó lại, lội nước đến ngang ngực để về nhà. Vào nhà thấy thi thể ba em đã bị ngập, ướt hết. Em kêu cứu. Các chú lội xuống đưa ba em lên đồi, nhập quan rồi mang đi an táng luôn, không kịp làm đám”...
Câu chuyện tưởng như vượt quá sức chịu đựng của một cô gái trẻ. Lan lại ôm em trai, ngước lên để nuốt giọt nước mắt: “Từ hôm qua tới chừ em vẫn chưa có thời gian vô thăm mẹ”.
Đến nhà ông Mai Xuân Phụ (43 tuổi), chúng tôi lại gặp một cảnh khác. Vợ con ông vừa từ Gia Lai về tới nơi, đang cuống quýt nhờ người đi cắt khăn tang. Bàn thờ được đặt tạm ngoài hiên, làng xóm đã lo chu tất. Đi bộ đội về, ông Phụ có dấu hiệu bị tâm thần phân liệt. Vợ đưa con đi làm ăn xa, ông lang thang sống nhờ bà con làng xóm hết ngày này năm khác.
Đêm 16-10, cơn lốc cuốn qua, ba bức tường nhà đổ sập xuống ngay chiếc giường ông Phụ ngủ. Các lực lượng cứu hộ đã phải đào bới suốt mấy tiếng mới lấy được thi thể. Chưa kịp khâm liệm thì nước lên, bộ đội phải kéo thuyền vào tận cửa nhà ông để mang áo quan đến, rồi lại chở áo quan đi. Sáu người lội nước đến cổ để đẩy thuyền mà vẫn không giữ được trong dòng nước chảy. Thuyền lật, áo quan bị trôi, lại mất mấy tiếng nữa để lặn hụp, mò mẫm kéo lại thì ông Phụ mới được yên nghỉ.
“Vậy chớ mà... còn may” - ông Mai Trung Kiên, chủ tịch UBND xã, nói như vậy vì “nếu cơn gió đến vào ban ngày thì số thương vong sẽ lớn hơn rất nhiều”. May, nên vừa qua một ngày đầy tai họa, sáng 17-10, khi mưa vừa dứt, nước vừa giật đã có rất nhiều người dân chờ sẵn bên bờ sông Nan, mang xách vài gói mì, chai nước, có người mang cả một nồi cơm để tìm cách sang bên kia sông tiếp tế cho người thôn Hà Sơn.
Chết khi đang ăn dở bát cơm nguội Sáng 17-10, chúng tôi vào vùng lũ tàn phá nặng nhất của huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là xã Phúc Trạch thì gặp gia đình ông Nguyễn Long đang làm đám tang cho con gái. Bà con lối xóm đến chia buồn rất đông và không ai cầm nổi nước mắt khi nghe tiếng khóc xé lòng của hai vợ chồng trẻ. Con gái ông Long mới 7 tuổi tên Nguyễn Hà Linh, đang là học sinh lớp 2 Trường tiểu học số 2 Phúc Trạch. Áo quần hai vợ chồng vẫn đang lấm lem bùn đất vì nhà bị ngập lụt chưa dọn xong thì tai họa ập đến. Ông Phạm Đức Lịch, ông ngoại cháu Linh, kể chiều 16-10 khi nước lũ đang rút, vợ chồng ông Long từ trên trần nhà xuống đánh bùn dọn nhà, hai đứa con vẫn ngồi lại trên trần nhà. Đến khoảng 16g, hai đứa kêu đói vì từ sáng mới chỉ nhai tạm gói mì. Ông Long chạy qua nhà hàng xóm xin được bát cơm nguội về cho con ăn. Đang ăn chưa hết bát cơm thì bất ngờ chiếc tủ (gác trên trần nhà để tránh lũ) đổ ập uống, đè lên hai đứa trẻ. Cháu Linh bị chấn thương sọ não và tử vong. Cháu Gia Bảo bị thương ở đầu phải đi cấp cứu. Nghe tiếng đổ ầm trên trần nhà, hai vợ chồng vội vã trèo lên thì con đã tắt thở. Bát cơm trắng hai con đang ăn dở văng tung tóe khắp nơi. “Hiện chưa biết chôn cất cháu thế nào, vì nơi chôn cất đang bị nước lũ bao vây, không đào được huyệt mộ. Nước mà không rút nhanh thì tội cháu tui lắm, trời ơi” - ông Lịch lắc đầu đau khổ. |
Theo Tuổi Trẻ