Những ngày qua, trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Mai Năng - Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân chủng đặc công, Bộ Tư lệnh Hải Quân, người đã nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy giải phóng Trường Sa, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975, có những giây phút nghẹn ngào, xúc động hồi tưởng lại những lần được gặp, được nhận lệnh chỉ huy của Đại tướng.
Chia sẻ cảm xúc với PV, thiếu tướng Mai Năng kể: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là người thầy để hướng dẫn, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các anh em đồng chí, đồng đội của mình thực hiện các nhiệm vụ được thành công, trọn vẹn.
Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tổn thất lớn. Tôi vô cùng thương tiếc, nhớ nhung và biết ơn những năm tháng Đại tướng đã tạo điều kiện cho Quân đội nói chung và bản thân mình nói riêng thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đảng, của Quân đội giao phó; thực hiện các nhiệm vụ hoạt động chiến đấu trong những năm tháng đánh Pháp cũng như những năm tháng chống Mỹ.
Nhưng dù có thương tiếc đến đâu đi chăng nữa cũng không thể tránh được quy luật sinh tử. Thay vào đó, chúng ta cùng nghiên cứu, cùng suy nghĩ làm thế nào để thực hiện trọn vẹn lời thề của người lính đối với Đảng, cũng như là lời căn dặn của Đại tướng đối với cán bộ, chiến sỹ đã từng trực tiếp gặp và làm việc với Đại tướng trong những năm tháng, những trận đánh có ý nghĩa chiến lược trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giờ chúng ta chỉ biết làm tốt hơn, làm đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn không chỉ đối với Tổ quốc, với Nhân dân và với lớp người đã làm nên truyền thống của Quân đội ta và nhất là đối với Đại tướng - Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng".
Tháng 7/1969, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng thiếu tướng Phạm Kiệt nghiên cứu phòng thủ miền Đông Bắc - Quảng Ninh. |
Nhớ lại những ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Mai Năng kể: "Thực tế trong những năm tháng chiến đấu, như trận đánh chiếm sân bay Cát Bi, Đại tướng có chỉ đạo đối với Tỉnh đội Kiến An lúc bấy giờ.
Ông nhắc nhở, quán triệt tinh thần đối với anh em tham gia trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, làm sao đối với Hải Phòng nói chung và những người đang chuẩn bị cho trận đánh này cần suy nghĩ và nghiên cứu cách đánh để hoàn thành nhiệm vụ đầy đủ, trọn vẹn, làm sao góp phần chia lửa với Điện Biên một cách có hiệu quả".
Lời Đại tướng là chỉ chị, nhưng cũng là lời động viên, tâm tư tình cảm gửi đến anh em, đồng chí đồng đội của mình.
Ngày đó, Sân bay Cát Bi là sân bay lớn nhất của thực dân Pháp ở Bắc Đông Dương. Xung quanh sân bay gồm 78 đồn bốt, tháp canh chia làm 3 tuyến vành ngoài, vành đai và trung tâm, 13 vị trí đề phòng tập kích phòng không, có 6 hàng rào dây thép gai bãi mìn, hàng ngàn đèn điện, mấy chục ngọn đèn pha chiếu quét làm cho sân bay đêm cũng như ngày. Các phương án phòng vệ khác cũng hết sức chặt chẽ, với 7 tiểu đoàn bảo vệ.
Để đánh một pháo đài kiên cố như vậy, ông phải mật phục 36 lần để “lọt” vào hệ thống phòng thủ của quân Pháp. Với 32 cán bộ, chiến sỹ đặc công tiến hành đánh chiếm sân bay Cát Bi ngày 7/3/1954, tiêu diệt 60 máy bay, cắt đứt sự chi viện bằng đường hàng không của địch cho Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Trong một dịp khác, ngày 19/3/1967, khi Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống thăm và nghiên cứu diễn tập của đặc công và quyết định thành lập Binh chủng đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bác Hồ có nói: “Đặc công là công tác đặc biệt, đặc biệt tất cả nhưng trước hết phải đặc biệt trung thành với Đảng, với Nhân dân, nhiệm vụ khó khăn đặc biệt nào cũng phải hoàn thành đặc biệt cao”.
Lời nói đó đã thành suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, ý chí và hành động của mỗi cán bộ, chiến sỹ khi vào chiến trường, phải suy nghĩ và hành động sao cho đáp ứng được lòng mong mỏi của Bác.
Sau đó, Đại tướng có căn dặn thêm: “Muốn hay không muốn, các cậu làm gì thì làm, làm sao cho đúng với lời Bác dặn”. Lời nói thân tình, ấm áp của một vị Đại tướng nhưng lại chan chứa tình cảm thương yêu, gắn bó với cán bộ, chiến sỹ.
Điều thiếu tướng Mai Năng tâm đắc nhất, mặc dù là Đại tướng nhưng thực tế khi gặp mặt cũng như khi nói chuyện thì mọi hành động ông đều thể hiện mình cũng như mọi người. Đại tướng rất quần chúng, đến với anh em, với đồng chí rất chân phương chứ không tách bạch mình là cấp nọ cấp kia, nhưng khi vào công việc thì rõ ràng, dứt khoát, không vì tình cảm riêng tư mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ của tổ quốc và nhân dân giao phó.
Theo VTC