Cụ Bích Thảo sinh ra trong một gia đình tư sản yêu nước, là người em út của nhà văn Nguyễn Như Phong. Cả gia đình của cụ đều tham gia hoạt động cách mạng.
Cụ tự hào kể: “Được giác ngộ lý tưởng cách mạng, cả đại gia đình tôi đều hăng hái, tích cực đi theo con đường của Đảng. Trong quá trình hoạt động, số nhà 36 chợ Đồng Xuân của nhà tôi được xem như là trung tâm họp bàn của các đồng chí Trường Chinh, Xuân Thủy, Tô Hoài, Nguyên Hồng…”.
Cụ Nguyễn Thị Bích Thảo hồi tưởng lại những kỷ niệm về một thời đạn bom và cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những năm Hà Nội chìm trong sự kiểm soát gay gắt nhất của thực dân Pháp (1943 – 1944), cụ và những đồng đội vẫn kiên định và tích cực hoạt động cách mạng. Cụ hồi tưởng: “Khi thực dân Pháp ráo riết truy lùng chiến sĩ cách mạng trong khu chợ Đồng Xuân, tôi và đồng đội đã đục những bức tường, thông các nhà với nhau để các chiến sĩ trốn đến nơi an toàn. Ở ngoài chúng tôi vẫn tiếp tục bán hàng để đánh lạc hướng bọn chúng”.
Cô gái Bích Thảo 17 tuổi năm ấy còn nhận nhiệm vụ thêu những lá cờ đỏ sao vàng nhỏ để các chiến sĩ chuyển đi khắp nơi. Trong những lá cờ tung bay ở Hà Nội ngày 19/8/1945 có những lá cờ do chính cụ may.
Cụ còn cho biết thêm, vào ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ bay phấp phới trên đỉnh của Nhà hát Lớn là do chính tay cụ và đồng đội ghép từng mảnh vải nhỏ mà thành. Giờ đây, mỗi khi đi qua đây, cụ ngước nhìn mà bao nhiêu ký ức cứ ùa về, lòng tự hào cứ cuộn mãi trong tim.
Với tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc ngoại xâm và theo “lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ chủ tịch, năm 1946, cụ đã tình nguyện tham gia Đội Quyết tử quân của Trung đoàn thủ đô với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Khi được hỏi về cảm xúc lúc ấy của cụ như thế nào, cụ nhìn thằng vào tôi với đôi mắt vẫn sáng bừng, nắm chặt tay và nói: “Lúc đấy tôi chỉ nghĩ đến Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người dân Việt Nam phải chịu xiềng gông áp bức của bọn thực dân Pháp. Trong buổi tuyên thệ, tôi và những chiến sĩ trong đội quyết tử tự nhủ sẽ cống hiến cho Tổ quốc đến những giọt máu cuối cùng”.
Cụ lặng yên vài giây rồi kể tiếp: “Sau khi gia nhập Đội Quyết tử quân của Trung đoàn Thủ đô, chúng tôi nhận được nhiệm vụ cầm cự, giữ chân giặc Pháp để các chiến sĩ, quân đội ta rút ra khỏi Hà Nội lên mặt trận Việt Bắc để chuẩn bị kháng chiến trường kỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi chúng tôi rằng các đồng chí giữ chân giặc Pháp được bao lâu và đội trưởng của chúng tôi trả lời: "Chúng cháu sẽ cố gắng giữ càng lâu càng tốt bằng sức mạnh của chiến sĩ cộng sản”.
Bằng tinh thần, sức mạnh của bộ đội cụ Hồ, Đội quyết tử quân đã kìm chân địch trong 60 ngày đêm, tạo điều kiện thuận lợi để quân đội ta di chuyển an toàn.
Cụ Nguyễn Thị Bích Thảo chia sẻ một kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà có lẽ suốt đời cụ không bao giờ quên. Cụ kể sau khi quân đội ta rút khỏi Hà Nội an toàn, các chiến sĩ nam quyết tử trong đó có chính trị viên, chiến sĩ, các đồng chí liên lạc của Trung đoàn Thủ đô được phân bổ vào các đơn vị chiến đấu để tham gia tiếp chiến dịch. Các nữ cảm tử quân thì được lệnh ở lại Hà Nội.
Cụ Bích Thảo cùng Đội Quyết tử quân đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 - Hoàng Diệu.
Cụ nhoẻn cười và nói: "Ông tuy là một vị tướng nhưng đối với binh lính ông hết sức quan tâm. Ông mới quyết định cho các nữ quyết tử ở lại hậu phương vì chúng tôi toàn là con gái Hà Nội. Đại tướng yêu cầu những người ở lại, ai có khả năng đến đâu sẽ làm nhiệm vụ đến đấy. Cô nào làm cứu thương thì tiếp tục làm cứu thương. Cô nào làm văn thư thì tiếp tục làm văn thư đánh máy, hoặc dạy bình dân học vụ để xóa mù chữ, đấy cũng là một nhiệm vụ".
"Khi chúng tôi đòi ra chiến trường, Đại tướng bảo ở lại cũng là để xây dựng nòng cốt lực lượng dân công hỏa tuyến vì đó là lực lượng quyết định tiếp tế gạo, nước, quần áo để cho bộ đội ăn no mới đánh thắng được. Đại tướng động viên, giải thích cho các nữ quyết tử ở lại để cho mọi người vui vẻ chấp nhận ở lại, vì ở lại cũng là một nhiệm vụ.
Trong chiến tranh thì chiến trường ác liệt bao nhiêu thì ắt sẽ có thương vong, các thương bệnh binh phải chuyển về tuyến sau thì đây chính là đội ngũ để chăm sóc thương bệnh binh, chứ nếu bây giờ cứ ra hết chiến trường thì ở sau không có lực lượng hậu cần nữa", cụ bồi hồi nhớ lại.
Nhắc đến việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quay về với đất mẹ Quảng Bình, nước mắt cụ lại rơi và không nén nổi tiếng nấc nghẹn ngào. Cụ im lặng trong hồi lâu, đưa tay lên gò má lau những giọt nước mắt lăn dài.
Cụ nói: “Lời khuyên của Đại tướng với các nữ quyết tử giống như lời của một người anh rất đỗi thương các em, giàu lòng nhân ái, nhận sự hi sinh, phần nặng nhọc cho những người chiến sĩ là nam giới, ghi nhận công lao của tất cả mọi người nhưng lại nhường cái phần nhẹ nhàng hơn về cho nữ giới".
"Năm nào vào ngày 22/12 hay ngày sinh nhật Đại tướng là ngày 25/8, những chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn thủ đô Liên khu I năm nào lại được đến số nhà 30 Hoàng diệu để nói chuyện, để chúc mừng, được ngồi tại phòng khách của anh, được nói chuyện, coi như anh chị em nói chuyện với anh cả.
Đại tướng ra đi như mất một người anh, tôi đau xót lắm, nhưng anh đã về với đất mẹ Quảng Bình cũng xem như anh đã yên nghỉ thanh thản. Chắc chắn những chiến công của Đại tướng và con người bình dị, mộc mạc, vì nước, vì dân của ông sẽ mãi còn đọng mãi trong trí nhớ và tình cảm của mọi người dân Việt Nam, vẫn sống mãi trong lòng của những người lính cụ Hồ", cụ Bích Thảo nói.
Theo NDT