Hơn 3.000 ý kiến này cùng tâm thư của phụ huynh người đồng tính và thư ngỏ của Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đề nghị hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, đã được chuyến đến Văn phòng Quốc hội vào chiều 17/10.
“Chúng ta gọi họ là người đồng tính, có nghĩa họ vẫn là con người. Tại sao họ không được đối xử như người dị tính luyến ái? Họ có quyền được hạnh phúc”, Phương Trâm, TP HCM, là một trong những người nêu ý kiến ủng hộ hôn nhân đồng giới tại Việt Nam.
Người ký tên và góp ý kiến không chỉ thuộc cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới, mà cả những người bình thường. "Bạn thân của tôi là người đồng tính. Tôi hy vọng cậu ấy được hạnh phúc bên người cậu ấy yêu. Tùng ơi, chúc cậu hạnh phúc. Mình yêu cậu, BBF", Nguyễn Thanh ở Hải Phòng, chia sẻ.
Ký tên ủng hộ hôn nhân đồng tính ngày 17/10 tại Hà Nội. Ảnh: N.P. |
Cùng với chiến dịch lấy ý kiến ủng hộ hôn nhân bình đẳng, tổ chức ICS thực hiện cuộc khảo sát online “Cùng lên tiếng”, lấy ý kiến cộng đồng LGBT tại Việt Nam về nội dung dự thảo sửa đổi Luật hôn nhân gia đình liên quan tới quan hệ cùng giới. Kết quả khảo sát cho thấy, 71% thất vọng về dự thảo, 97% không ủng hộ điều luật Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Theo nghiên cứu “Sống chung cùng giới” do tổ chức iSEE thực hiện, các cặp cùng giới cho biết, 72% khó khăn xảy ra trong quá trình sống chung có nguyên nhân từ việc không được pháp luật thừa nhận; 68,7% không được sự công nhận của xã hội và cộng đồng.
Anh Nguyễn Đức, một người đồng tính tâm sự, công ty mua bảo hiểm cho gia đình nhân viên nhưng người yêu anh không được hưởng vì hai người không có hôn thú. Anh bị tai nạn thập tử nhất sinh, người yêu không được ký giấy phẫu thuật mà phải đợi cha anh đi xe hơn 4 giờ đồng hồ tới.
Chị Nguyễn Hải Yến, một đại diện cộng đồng LGBT, cũng mong mỏi pháp luật sẽ thừa nhận quyền kết hôn cùng giới ngay trong lần sửa đổi luật này.
Chị cho biết hôn nhân với nhiều người đồng tính là ước mơ giản dị nhưng cháy bỏng, mà chỉ có thể thành hiện thực nếu pháp luật có cái nhìn cởi mở và mạnh dạn hơn. “Chúng tôi không cần đặc quyền gì cả, chúng tôi chỉ muốn như mọi người, tìm được cho mình một người yêu thương, gắn bó và được mọi người cùng chia sẻ tình yêu thương đó với chúng tôi”.
Bên cạnh kiến nghị của cộng đồng LGBT, nhiều cha mẹ của người đồng tính cũng ký vào một bức tâm thư yêu cầu pháp luật bảo vệ quyền bình đẳng cho con mình như mọi công dân khác.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, có con trai là người đồng tính, cho biết bản thân bà từng không chấp nhận việc con mình là người đồng tính. Bây giờ khi bà đã thông hiểu và ủng hộ con thì pháp luật “không thừa nhận” quyền kết hôn của con trai bà. “Nếu bây giờ tôi nói với con tôi là mẹ không cấm nhưng không thừa nhận con, thì có phải là tôi đang xúc phạm tới con không?”, bà nói.
Theo VNE