Ngày 17/9, tại Hà Nội, đại diện cho nhiều nhóm của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới đã góp mặt trong Hội thảo lấy ý kiến cộng đồng về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Hội thảo được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và nhóm 6+ (nhóm hoạt động vì hình ảnh tích cực của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới - gọi tắt là LGBT).
Tại hội thảo, TS Bùi Minh Hồng, thường trực Tổ biên tập Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình thuộc Bộ Tư pháp, đã lắng nghe, phân tích và giải đáp nhiều thắc mắc liên quan tới hôn nhân đồng giới.
![]() |
TS Bùi Minh Hồng, thường trực Tổ biên tập Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình. |
Bước tiến bỏ quy định “cấm kết hôn đồng giới”
Hiện nay, thực trạng là nhiều người đồng tính đang sống cùng nhau nhưng chưa được pháp luật thừa nhận. Tại hội thảo, TS Hồng cho biết, đến nay, Bộ Tư pháp đã hoàn tất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình để có thể trình ra Quốc hội trong phiên họp tháng 10 tới. Trong suốt quá trình thực hiện dự án luật, quan hệ của những người cùng giới tính cũng như những đòi hỏi về quyền kết hôn được thảo luận trong nhiều cuộc hội thảo, cuộc họp.
"Khi tổ biên tập bàn về vấn đề quan hệ của những người cùng giới tính, có ba vấn đề đặt ra: sự phân biệt đối xử với người đồng tính; thừa nhận quyền kết hôn giữa hai người đồng tính; và có thừa nhận quyền chung sống như vợ chồng của những người cùng giới tính hay không?
Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan như: mang thai hộ, con nuôi, quan hệ tài sản, bạo lực gia đình, phúc lợi xã hội, kết hôn đồng tính với người nước ngoài… khi thừa nhận quyền kết hôn.
Luật Hôn nhân và gia đình có ý nghĩa lớn, ảnh hưởng tới đời sống xã hội nên vấn đề này được nghiên cứu nghiêm túc, được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi ở các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương".
TS Hồng cũng cho hay, xã hội Việt Nam hiện nay có nhiều thay đổi về việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Vì vậy, đa số các chuyên gia cho rằng, hiện nay cần thừa nhận quyền chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.
Nhìn rộng ra, hiện nay có 18 quốc gia trên thế giới công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Ở các nước đó, việc thừa nhận hôn nhân cùng giới tính đều có lộ trình: từ việc thừa nhận việc chung sống như vợ chồng, sau đó mới hợp pháp hôn nhân giữa những người đồng tính. Ở châu Á chưa có nước nào thừa nhận hôn nhân đồng giới mà chỉ có những nước thừa nhận quyền chung sống như vợ chồng.
"Sau khi đã tính toán yếu tố trong nước và quốc tế, đa số các chuyên gia tán thành phương án người cùng giới tính có quyền chung sống với nhau như vợ chồng. Nghĩa là, những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới ở gia đình, có thể chung sống mà không bị ngăn cản bởi bất cứ tổ chức pháp lý nào.
Đồng thời, họ cũng được pháp luật bảo hộ như những cặp đôi khác giới tính chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn" - TS Hồng chia sẻ.
Tuy vậy, TS Hồng cũng nhắc đến những điểm khó, phải nhìn nhận, đối diện một cách khách quan như: từ xưa tới nay ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, quan niệm hôn nhân chỉ phản ánh quan hệ giữa những người khác giới; hay một vấn đề liên quan tới con cái là 1 người con chỉ quen có cha-mẹ chứ chưa quen với việc có 2 người mẹ hoặc 2 người cha; …
Không chỉ phân tích những điểm mới từ dự thảo luật, TS Hồng còn giải đáp khá nhiều thắc mắc xung quanh việc nhận con nuôi, phân chia tài sản nếu không còn chung sống, đại diện pháp lý trong mối quan hệ chung sống giữa hai người đồng giới…
Tranh cãi hợp pháp hôn nhân đồng giới
Về phía các đại diện của cộng đồng LGBT, phần đông họ đều có mong muốn bình đẳng hôn nhân: “Chúng tôi mong muốn và tin rằng mình có quyền kết hôn với người mình yêu bởi pháp luật Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền con người, chống phân biệt đối xử”.
Thế nhưng, trong chính cộng đồng cũng vẫn còn nhiều ý kiến đối lập nhau về việc thừa nhận hay không hôn nhân hợp pháp giữa những người cùng giới tính.
![]() |
Lương Thế Huy cho rằng, việc hợp pháp hôn nhân đồng giới là đương nhiên. |
Một số ý kiến thì cho rằng, việc hợp pháp hôn nhân đồng giới là đương nhiên: “Đó là điều pháp luật phải thừa nhận vì quyền bình đẳng của con người. Nghe tin dự thảo bỏ điều cấm hôn nhân đồng giới, tôi thực sự rất mừng. Nhưng tôi nghĩ rằng cần bước đệm, cần lộ trình là còn hiểu sai về quyền bình đẳng. Và nếu cái bước đệm đó dài thì những người đồng tính phải đợi đến khi nào” – Lương Thế Huy, một đại diện từ cộng đồng LGBT bày tỏ.
Cùng quan điểm với Huy, nhiều thành viên ý kiến là dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình như TS Hồng nói thì chưa có gì đột phá. Họ mong muốn được hợp pháp hôn nhân đồng giới, kèm theo đó là những quyền lợi nhận con nuôi, mang thai hộ, phúc lợi xã hội…
![]() |
Thu Phương mong những người đồng giới được sống chung mà không bị can thiệp về pháp lý. |
Trong khi đó, có những thành viên của cộng đồng lại có ý kiến rằng: “Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi mong muốn ít nhất các cặp đôi cùng giới sống chung được đối xử hoàn toàn bình đẳng như các cặp đôi khác giới sống chung, dù có hay không có đăng ký kết hôn”.
Hay như ý kiến: “Chúng ta cần có bước đệm như thời kỳ quá độ, quan trọng hơn cả là để xã hội hiểu khao khát từ bên trong của những người đồng tính. Cần phải thực hiện từ từ chứ không cần vội vàng. Tôi mong những người đồng giới được sống chung mà không bị can thiệp về pháp lý” - Thu Phương (thành viên của LGBT).
Với tinh thần chung là hoan nghênh các cuộc đối thoại và trao đổi giữa các luồng ý kiến khác nhau để tìm ra tiếng nói chung, một cuộc hội thảo tham vấn cộng đồng tương tự sẽ diễn ra tại TP.HCM vào ngày 21/9 tới đây do Trung tâm về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (ICS) tổ chức.
Các cuộc hội thảo lấy ý kiến này sẽ đóng góp những thông tin kịp thời cho quá trình thảo luận và ra quyết sách của các nhà lập pháp trong kỳ họp Quốc hội khóa XIII vào tháng 10 tới đây.
Theo Kienthuc